30/07/2020 10:58 GMT+7

Áp thấp trên Biển Đông gây mưa kéo dài nhất từ đầu năm

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Đầu tháng 8, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại Biển Đông, mưa kéo dài trên diện rộng, đặc biệt khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế mưa có thể kéo dài 2-3 ngày, Bắc Bộ 3-4 ngày, đây là đợt mưa kéo dài nhất từ đầu năm tới nay.

Áp thấp trên Biển Đông gây mưa kéo dài nhất từ đầu năm - Ảnh 1.

Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách các tỉnh, thành có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 diễn ra sáng 30-7 - ẢNH: DƯƠNG LIỄU

Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đã nhận định như vậy tại hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách các tỉnh, thành có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt năm 2020 diễn ra sáng 30-7.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Xuân Thành - phó chánh văn phòng, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho biết: "Từ đầu năm đến nay, thiên tai bão, lũ quét, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp trên cả nước. Đặc biệt, vừa qua tại Hà Giang đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở gây thiệt hại đến gần 500 tỉ đồng.

Tình hình mưa lũ từ nay đến cuối năm sẽ diễn ra phức tạp, trong khi đó các tuyến đê điều xung yếu còn chưa đảm bảo an toàn, cần nhanh chóng đẩy mạnh các biện pháp gia cố, hộ đê khi có tình huống thiên tai", đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin.

Tại hội nghị, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định xu thế thời tiết, thiên tai và diễn biến bão lũ năm 2020 sẽ diễn ra phức tạp, bão sẽ diễn ra nhiều vào cuối năm.

"Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 9-11 cơn bão, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 mưa nhiều trên cả nước, đặc biệt là Bắc Bộ.

Đầu tháng 8, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông gây mưa kéo dài trên diện rộng, đặc biệt khu vực Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế mưa có thể kéo dài 2-3 ngày, Bắc Bộ 3-4 ngày, đây là đợt mưa kéo dài nhất từ đầu năm tới nay.

Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8-2020 ở khu vực Bắc, Trung Trung Bộ và đầu tháng 8-2020 ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng không gay gắt" - ông Lâm thông tin.

Áp thấp trên Biển Đông gây mưa kéo dài nhất từ đầu năm - Ảnh 2.

Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông sẽ gây mưa kéo dài trên diện rộng - Ảnh: Trung tâm dự báo Khí thượng thủy văn quốc gia

Theo Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn quốc gia, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong nửa cuối năm 2020.

Có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.

Đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên toàn quốc; gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 8-2020 ở vùng biển phía Nam Biển Đông; gió Đông Bắc của không khí lạnh trên khu vực phía Bắc Biển Đông vào tháng 12-2020.

Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 1 - báo động 2 và có thể xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.

Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn năm 2019. Đỉnh lũ năm 2020, tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1 - báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Trong các tháng đầu mùa khô 2020-2021, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn  trung bình nhiều năm nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019-2020.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h ngày 30-7, vị trí trung tâm vùng áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông.

Dự báo trong 24h tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7h ngày 31-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2,5 - 3,5m, biển động.

Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 2-4 mét.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông đều có nguy cơ rủi ro cao.

Vùng áp thấp tiến vào Biển Đông, sẵn sàng ứng phó dù có dịch COVID-19 Vùng áp thấp tiến vào Biển Đông, sẵn sàng ứng phó dù có dịch COVID-19

TTO - Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp ở miền trung Philipines sẽ đi vào Biển Đông, có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Các địa phương cần rà soát, chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch COVID-19.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên