14/07/2006 16:29 GMT+7

Ảnh nhái vẫn đoạt giải

Theo Lao động
Theo Lao động

Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tính sáng tạo chưa cao, nhàm chán vì một lối mòn tư duy, vì sự bố trí sắp xếp lộ liễu, vì một cảnh vật, một người mẫu mà có hàng trăm người chụp, chụp đi chụp lại năm này qua năm khác, nhưng người chụp sau chẳng hay hơn người chụp trước...

"Đạo ảnh"

Năm 2000, Đắc Lắc tổ chức liên hoan ảnh nghệ thuật lần thứ nhất và giải nhất của liên hoan đã thuộc về Trần Tấn Vịnh với tác phẩm Dũng sĩ săn voi.

Bức ảnh đã chớp được khoảnh khắc khá đẹp: Dũng sĩ săn voi Y Prông Êban (Bản Đôn, Đác Lắc) - người từng bắt được 298 con voi - đang đứng thổi tù và bên cạnh đầu một con voi như là để báo tin vui với buôn gần làng xa với ánh mắt tự tin, động tác tự nhiên, linh hoạt, còn con voi đang hướng về phía Y Prông Êban như lắng nghe, như một người bạn thân thiết, như là một chỗ dựa vững chắc, tin cậy... Bức ảnh toát lên vẻ đẹp hùng tráng, đầy bản sắc Tây Nguyên.

Năm 2002, trong Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên - tổ chức tại Đà Nẵng - lại xuất hiện tiếp một bức ảnh có tên Dũng sĩ bắt voi của ông Chính Hữu (Đắc Lắc) cùng lấy Y Prông Êban làm mẫu, cùng chụp bên đầu voi, góc chụp có khác đi một chút, nhưng tư thế được bố trí y hệt, tên ảnh chỉ khác một chữ: thay vì săn bắt.

AgMSXyoE.jpgPhóng to iJ9SVaC8.jpg

Dũng sĩ bắt voi của Chính Hữu (Đắc Lắc) - bằng tưởng lệ TP Hồ Chí Minh lần thứ 27 - 2002

Dũng sĩ săn voi của Trần Tấn Vịnh (Đắc Lắc) - giải nhất Đắc Lắc năm 2000

Dũng sĩ bắt voi của ông Chính Hữu đã được ban giam khảo chấm giải khuyến khích khu vực. Sau đó, bức ảnh này dùng phần mềm photoshop chuyển thành đen trắng, tăng độ tương phản và thay mắt voi vốn ti hí bằng một con mắt gì không rõ, nhưng tròn quay, hoàn toàn không đúng với mắt voi thật để gửi dự thi ảnh ở TP.Hồ Chí Minh lần thứ 27 và được ban tổ chức trao bằng tưởng lệ.

Ban giám khảo kém trình độ?

Điều lạ là Ban giám khảo chấm ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2002 và Ban giám khảo cuộc thi ảnh TP Hồ Chí Minh lần thứ 27 có hai người trước đó (năm 2000) đã chấm ảnh ở Đắc Lắc và đã chấm giải nhất cho bức ảnh Dũng sĩ săn voi, vậy nhưng sau đó vẫn chấm giải khuyến khích và bằng tưởng lệ cho bức ảnh Dũng sĩ bắt voi của ông Chính Hữu.

Phải chăng là hai vị giám khảo đó không còn nhớ tới bức ảnh của nghệ sĩ Trần Tấn Vịnh mà mình đã chấm giải nhất trước đây, hay cố tình quên? Nếu hai vị giám khảo đó quên thật, thì trí nhớ và trình độ của hai vị có vấn đề.

Trong thực tế, chúng tôi đã gặp rất nhiều những bức ảnh nhái được trao giải như thế. Những vị giám khảo chấm ảnh như thế không chỉ đẩy nhanh hơn quá trình tự hư hỏng của các "nghệ sĩ bắt chước", mà còn góp phần tha hoá thêm nhiều người đến với ảnh nghệ thuật vì mục đích có giải, có huy chương.

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên