15/11/2018 16:36 GMT+7

Ấn Độ mất 166 tỉ USD mỗi năm vì thiếu nhà vệ sinh

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Nhà vệ sinh là vấn đề lớn khiến Ấn Độ tốn khoảng 166 tỉ USD mỗi năm cho các vấn đề về vệ sinh, bệnh tật và chất lượng công việc của lao động.

Ấn Độ mất 166 tỉ USD mỗi năm vì thiếu nhà vệ sinh - Ảnh 1.

Triển lãm tại Bảo tàng nhà vệ sinh ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Là một nền kinh tế lớn, Ấn Độ dù vậy vẫn luôn phải đối mặt với bất bình đẳng thu nhập cũng như chất lượng sống trong xã hội. Một trong số vấn đề nan giải nhất hiện nay lại nằm chính ở nhu cầu cơ bản nhất: vệ sinh.

Nó khiến chính phủ đưa ra một chiến dịch xây dựng 110 triệu nhà vệ sinh công cộng để tạo ra thay đổi trong việc người dân sẽ đi vệ sinh ở đâu và như thế nào.

Hãng tin Bloomberg lấy ví dụ về người phụ nữ có 3 đứa con tên Meera Devi để diễn tả nỗi bức bối xã hội này.

Vào năm 2007, bà Devi vay một khoản tiền. Tiền đó không dành để mua iPhone, cũng chẳng dùng để mua máy tính mà được bà sử dụng cho việc đầu tư một chiếc bồn cầu ngồi xổm, và đó là bàn cầu hiện đại đầu tiên ở làng Kachhpura, khu dân cư chỉ nằm phía bên bờ sông đối diện đền Taj Mahal lừng danh.

Bồn cầu tất nhiên quá đỗi bình thường với người dân phương Tây, nhưng với khoảng 100 triệu người Ấn Độ như Devi thì không.

Họ sẵn sàng "giải tỏa" bên bờ sông, trong rừng, bất chấp hiểm nguy từ rắn rết hay côn trùng. Đơn giản đó là thói quen hoặc không có sự lựa chọn nào khác.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Ấn Độ hao tốn khoảng 6,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 166 tỉ USD mỗi năm, vì bệnh nhiễm trùng tiêu hóa hoặc các vấn đề sức khỏe khác bắt nguồn từ tình trạng chất lượng vệ sinh nghèo nàn.

Người lao động bệnh kinh niên như vậy sẽ làm việc ít hiệu quả hơn, sống không thọ, ít tiền để dành, và ít khả năng đưa con em vào đại học.

Gánh nặng ấy đặc biệt lớn trên vai phụ nữ. Hầu hết trong số họ đều dễ xấu hổ hơn đàn ông, nên phải đợi buổi sáng sớm hoặc không thì phải tới chiều tối mới dám đi vệ sinh bên ngoài. Những lúc ấy, đa phần họ ẵm theo con em mình.

Bà Devi, năm nay 47 tuổi, cho biết: "Khi một người phụ nữ hoặc cô gái trẻ muốn ra ngoài, họ luôn thấy xấu hổ. Mọi người thường tới nhà tôi chỉ để tìm nhà vệ sinh, và đa phần trong số họ là đàn bà, con gái".

Suy nghĩ tiến bộ của Devi về vấn đề vệ sinh khiến bà trở thành một trong những người hoạt động tích cực nhất trong phong trào gồm chừng 450.000 tình nguyện viên khắp Ấn Độ. Nỗ lực của nhóm này đang nhận sự ủng hộ cao nhất từ chính quyền.

Cách đây bốn năm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động phong trào "Clean India" (Ấn Độ sạch), một chiến dịch trị giá 20 tỉ USD để tạo ra số lượng nhà vệ sinh thuộc hàng lớn nhất lịch sử.

Clean India đặt mục tiêu xây dựng 110 triệu nhà vệ sinh tính tới tháng 10-2019, trùng với kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh của lãnh tụ Mahatma Gandhi.

Khẩu hiệu cần truyền đạt ở đây là "Chất lượng vệ sinh còn quan trọng hơn cả độc lập chính trị".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên