19/06/2009 06:05 GMT+7

Ăn cá nước ngọt vướng sán lá ở gan!

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TT - Sau khi ăn cá nước ngọt, một bé gái 5 tuổi đã bị tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân...

fbVAfZSS.jpgPhóng to
Có khoảng 110 loài cá nước ngọt có thể bị nhiễm sán lá gan như cá rô, cá chép, cá lóc... - Ảnh: N.C.T.

Bệnh nhân không chết vì sán mà chết vì nhiễm trùng cơ hội do sức đề kháng giảm

Cháu Nguyễn Thị Ngọc M., 5 tuổi, nhà ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày, mỗi ngày đi trên 10 lần, phân ít, có nhớt, màu xanh rêu, mùi hôi khẳm khó chịu. Cháu sốt nhẹ, sụt cân, da xanh, than đau râm râm ở bụng bên phải. Mẹ cháu đưa đi khám nhiều nơi, ai cũng bảo là tiêu chảy nhiễm trùng nhưng uống thuốc vài hôm chỉ giảm chút ít, rồi lại bị tiêu chảy tiếp. Cuối cùng mẹ cháu đưa vào bệnh viện chiều 15-6-2009.

Tại khoa nhi Bệnh viện Tiền Giang, cháu được các bác sĩ cho làm tất cả xét nghiệm tìm nguyên nhân gây tiêu chảy. Kết quả cháu có bạch cầu ưa axít tăng cao trong máu, hồng cầu giảm thấp, soi phân tìm thấy rất nhiều trứng sán lá nhỏ ở gan (Clonorchis sinensis). Hỏi kỹ người mẹ về chế độ ăn của cháu bé, cô cho biết cháu ăn như người lớn. Ngoài các bữa ăn chính, người mẹ khuyến khích cháu bé bắt cua, ốc, cá về nướng ăn cho mau... cứng xương!

Đây là trường hợp nhiễm sán lá nhỏ ở gan đầu tiên của Tiền Giang trong năm nay. Nguyên nhân do ăn phải cá nước ngọt, trong thịt của cá có nang ấu trùng sán lá còn sống. Ấu trùng này thường có mặt trong những món cá sống như gỏi cá, cá nướng không chín...

Khi vào đường ruột, nang sẽ nở ra ấu trùng rồi di chuyển vào ống mật, trở thành sán trưởng thành. Sán đẻ trứng từ đường mật, trứng theo phân ra ngoài môi trường. Con ốc ăn trứng sán, trứng sẽ nở ra ấu trùng trong ruột ốc, sau đó ấu trùng chui qua ruột ốc ra ngoài, rồi chui vào cá nước ngọt và phát triển thành nang. Nang trú ngụ trong thịt của cá hoặc ở dưới vẩy cá. Khi người ăn cá có nang ấu trùng sẽ bị nhiễm bệnh sán lá. Chu trình từ người sang ốc, ốc sang cá, cá sang người ít nhất là ba tháng mới hoàn tất. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người.

Khi có trên 100 con sán lá vào cơ thể mới có triệu chứng bên ngoài như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy xen kẽ với táo bón, nổi mẩn ngứa trên da. Sau đó bệnh nhân sụt cân, đau bụng từng cơn hoặc theo bữa ăn, nặng hơn là viêm ống mật, gan sưng to, vàng da, lâu ngày thành xơ gan. Bệnh nhân không chết vì sán mà chết vì nhiễm trùng cơ hội do sức đề kháng giảm.

Đề phòng nhiễm sán lá gan, chúng ta cần ăn chín uống sôi, không ăn cá sống hoặc chế biến không kỹ, không sạch sẽ. Không đi vệ sinh, đổ chất thải xuống ao hồ để tránh nhiễm sán lá cho cá. Những cầu tiêu lộ thiên trên sông rạch cần được loại bỏ dần. Khi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài nên đến cơ sở y tế kiểm tra và điều trị sớm.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên