Và thêm một lần chia sẻ (share) là thêm một lần gieo vào tâm trí bạn bè một nỗi lo vì những điều chưa được chứng thực.
Muốn thể hiện trách nhiệm cộng đồng?
Trong dòng thời sự nhiều trẻ em bị nhiễm sán heo, trên dòng tin Facebook tôi liên tục xuất hiện những lượt chia sẻ của bạn bè với hoang mang lẫn căm giận. Những câu chuyện thiếu nguồn đáng tin cậy.
Những hình ảnh thịt heo nổi hạch trắng với đầu đề rủ nhau "tẩy chay thịt heo". Nhiều người đu đeo theo câu chuyện này tiếp tục chia sẻ những clip gây lo lắng hơn như: thịt bò có sán, ốc có sán, xoài chín có sán... và cùng kêu gọi tẩy chay những sản phẩm đó.
Một ngày, mới sáng sớm đã thấy một người chia sẻ tin sốc "bắt được cả tấn thịt heo đổ bệnh vào Sài Gòn" kèm hình ảnh heo bị nhiễm bệnh từ một trang tin online.
Tôi đọc, biết đó là tin giả, khi tôi góp bình luận phía dưới, bạn vẫn trả lời: "tốt nhất vẫn nên tẩy chay thịt heo".
Thời đại nào rồi mà chúng ta dễ tin và dễ hoang mang tập thể đến vậy? Một chuyện không đến mức quá nghiêm trọng, chúng ta vẫn cứ thế phóng đại lên, tự cho mình trách nhiệm loan tin không cần kiểm chứng.
Chúng ta có sai không? Tôi nghĩ là có, bởi mỗi lần chia sẻ là một lần tác động đến cộng đồng, nhất là những tin gây sợ hãi như nguy cơ bệnh tật, chết chóc khiến nhiều người cùng sợ hãi.
Hệ lụy kéo theo sau đó là gì? Thịt heo rớt giá, người nuôi heo sạch khốn khổ, trắng tay...
"Mạng xã hội ngày càng xô bồ" - ai đó đã nói như thế. Và tôi muốn bổ sung rằng đó còn là nơi đám đông ngày càng dễ bị kích động như một bầy ong vỡ tổ, sẵn sàng lao ra và đuổi theo bất cứ thứ gì chuyển động.
Hết sức bất ổn không khi chúng ta muốn thể hiện "trách nhiệm cộng đồng" bằng cách chia sẻ những lo âu, phẫn nộ với những tin nóng không cần biết đúng hay sai?
Hãy chậm lại một chút
Ai cũng mong cầu một cuộc sống "đáng sống". Lo sợ và bày tỏ những cảm xúc của mình trước một vấn đề nóng trên mạng là điều dễ hiểu.
Nhưng có lẽ chúng ta nên chậm lại một chút để nghĩ về chính mình và nghĩ tới hàng trăm, hàng ngàn người sẽ đọc những điều mình chia sẻ trên đó.
Việc chia sẻ những chuyện chưa kiểm chứng chỉ gây thêm hoang mang mà thôi. Đó cũng là một kiểu "dịch" dễ lây lan và ảnh hưởng không hề nhỏ.
Khi đó, chúng ta đã "mở đường" cho cảm xúc sợ hãi lan rộng. Và càng chia sẻ ta càng thấy mình bất lực, rồi một ngày hình thành nên thói quen cứ thấy tin gì bức xúc liền chia sẻ để thỏa mãn nỗi lo trong chính mình. Và cũng mất niềm tin hơn về cuộc sống.
Đã có những cảnh báo rằng mạng xã hội là môi trường quá hoàn hảo để tin giả sống và phát triển.
Chỉ cần ai đó có mục đích xấu pha chế vào tin giả một chút hoài nghi, một chút hoang mang là người người sẵn sàng biến nó thành chân lý.
Và họ chia sẻ trong tâm trạng hoang mang lẫn phấn khởi (vì tự thấy mình có trách nhiệm thông tin đến cộng đồng).
Thông điệp xấu được gửi đi, người với người xa nhau hơn, con người với cuộc sống mất gắn kết nhau hơn.
Bắt đầu từ những cá nhân văn hóa
"Người ta có thể khen một người rất giàu, rất đẹp, rất sang nhưng không quý bằng lời khen người đó có học, và lời khen có học cũng chưa quý bằng lời khen có văn hóa.
Và một dân tộc, cộng đồng giàu có, có nhiều công nghệ hiện đại thì đáng được ca tụng, nhưng càng tự hào hơn nếu được ca ngợi là dân tộc có văn hóa" (trích lời phát biểu về ứng xử văn hóa của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo về chuẩn mực văn hóa ứng xử ngày 16-3 ở Hà Nội).
Mạng xã hội là nơi mọi người giao tiếp bằng những thiết bị công nghệ hiện đại. Ở đó, có rất nhiều câu chữ, hình ảnh, hành vi: nói tục, chửi thề; vi phạm luật giao thông, xúc phạm nhau, đánh nhau, bịa chuyện, lừa bịp...
Trên mạng, những chuyện xấu, chuyện gây sợ hãi được chia sẻ nhanh hơn, nhiều hơn chuyện tốt đẹp. Những chuyện xấu xí, chuyện tào lao còn lưu mãi ở đó.
Nhiều khi chuyện mình nghe thấy trước mắt nhưng đó là hiện tượng, không phải bản chất sự việc, thấy vậy chứ không phải vậy.
Nhưng mọi người đọc trên mạng trở nên rất dễ tin, vội vàng chia sẻ những điều mình vừa đọc bất chấp đúng sai. Và cuối cùng, như chúng ta thấy, chuyện xấu dễ chiếm lĩnh không gian mạng, lấn át những câu chuyện hay đẹp ở đời.
Nói gì, viết gì, giao tiếp kiểu gì trên mạng hay ngoài đời đều là cách mỗi người thể hiện văn hóa ứng xử của mình.
Gìn giữ văn hóa cho mình, cùng xây văn hóa ứng xử trên không gian mạng cũng là điều cần thiết. Một cộng đồng, một dân tộc văn hóa bắt đầu từ những cá nhân văn hóa.
Lan tỏa điều hay lẽ phải
Bác bảo vệ (68 tuổi) kiêm giữ xe ở một quán cà phê trên đường Hoàng Hữu Nam, Q.9, TP.HCM bị kẻ gian lừa lấy đi xe máy SH Mode tại bãi xe.
Gia cảnh khó khăn, bác là lao động chính, thu nhập 3 triệu đồng/tháng và chiếc xe đã mất có giá hơn 40 triệu đồng...
Chuyện buồn của bác được nhóm bạn trẻ (khách của quán hôm đó) chia sẻ trên mạng. Cộng đồng mạng góp tặng bác hơn 100 triệu đồng.
Người mất xe nhận 38 triệu đồng, số tiền còn lại bác gửi tặng 10 triệu đồng cho một trường tình thương (nơi 2 cháu ngoại của mình theo học), gửi trả bớt một phần cho hai người giúp mình nhiều tiền nhất, nhờ họ chuyển cho một em nhỏ đang mổ thận ở bệnh viện nhi...
Bác không giữ lại cho mình vì "ngoài kia còn nhiều cuộc đời khó khăn, gian nan hơn cần sự giúp đỡ...".
Giữa những thông tin tiêu cực và chuyện xấu, thông tin tốt lành này như dòng nước mát cho tâm hồn. Một ví dụ để thấy rằng mạng xã hội chia sẻ chuyện tốt, lan tỏa những điều hay lẽ phải.
VŨ TRUNG KIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận