20/12/2019 11:47 GMT+7

Ai chịu trách nhiệm để thiếu thịt heo?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Cho đến giờ này, câu hỏi thiếu hay đủ thịt, phương án nhập khẩu thế nào để hạ nhiệt giá thịt heo vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng

Trong khi đó mỗi ngày người dân vẫn bị móc túi không thương tiếc vì giá tăng chóng mặt và lợi nhuận rơi vào không ít kẻ đầu cơ, găm hàng.

Phải ra văn bản phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì "chậm báo cáo" khi để tình trạng thiếu hụt thịt heo, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân, cho thấy Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - trưởng Ban điều hành giá - sốt ruột đến thế nào. 

Bởi đúng một tháng trước, khi giá thịt heo bắt đầu tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành, ông Huệ đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn với các bộ NN&PTNT, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê... để đánh giá về tình hình cung cầu thịt heo, bàn thảo các giải pháp ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu người dân, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Ngay sau chỉ đạo của Phó thủ tướng về việc tính toán nhập khẩu thịt ở thời điểm phù hợp, giá thịt heo trên thị trường đã bắt đầu hạ nhiệt. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", khi những dự báo, đánh giá tình hình và giải pháp mà các bộ ngành đưa ra không gắn với thực tiễn. 

Đặc biệt khi những quan điểm, đánh giá của các bộ NN&PTNT và Công thương - hai cơ quan chịu trách nhiệm chính lo đảm bảo cung cầu thực phẩm tiêu dùng (gồm thịt heo) cho người dân - thiếu sự thống nhất, khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng.

Bộ NN&PTNT không xác định rõ lượng thịt thiếu hụt, khi thì nói nguồn cung trong nước "còn rất nhiều" và "có thể tái đàn nhanh"; trong khi Bộ Công thương khẳng định sản lượng thịt thiếu hụt có thể nhiều hơn dự báo khi nhu cầu 2 tháng tết lên tới 600.000 tấn. 

Bộ NN&PTNT thì nói có tình trạng xuất heo sang Trung Quốc; trong khi Bộ Công thương khẳng định đã kiểm soát tốt và không có việc xuất lậu heo qua biên giới. Bộ Công thương cho rằng Bộ NN&PTNT là đầu mối chính để nhập khẩu thịt heo, còn Bộ NN&PTNT lại nói doanh nghiệp chủ động nhập thịt và "Bộ Công thương biết điều này"...

Giữa năm, từng có cuộc họp của hai thứ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương bàn cách để dự trữ thịt heo, cấp đông thịt khi dịch bệnh đang bùng phát. Nhưng rồi cũng chính sự thiếu quyết liệt, giải pháp không rõ ràng nên chủ trương cấp đông cũng "phá sản", không đi đến đâu.

Thịt heo là mặt hàng thiết yếu chiếm tới 70% nhu cầu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Bộ NN&PTNT cho rằng nguồn cung các mặt hàng thực phẩm khác đã tăng lên, bù đắp cho lượng thịt heo thiếu hụt. 

Song không dễ để thịt bò, hải sản, hay thịt gà (cũng có giá cao hơn) có thể thay thế hoàn toàn cho thịt heo, bởi không chỉ là câu chuyện khẩu vị, thói quen ăn uống, mà còn là chi tiêu, túi tiền của người dân. 

Và nếu cứ tiếp tục tình trạng này, bữa cơm gia đình sẽ phải chịu cảnh eo hẹp hơn, chi tiêu phải dè xẻn hơn và đời sống lại thêm khó khăn trong vòng quay bão giá.

Không còn nhiều thời gian nữa khi Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang tăng mạnh. 

Vì vậy nếu hai ngành công thương - nông nghiệp không sớm tìm tiếng nói thống nhất, chủ động và trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo cung cầu thịt heo thì nỗi lo cuối năm gói bánh chưng tết thiếu thịt heo và người dân phải "cắn răng" mua thịt heo cao hơn giá thịt bò là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chậm nhập khẩu thịt heo để hạ nhiệt tăng giá: trách nhiệm của bộ, ngành nào? Chậm nhập khẩu thịt heo để hạ nhiệt tăng giá: trách nhiệm của bộ, ngành nào?

TTO - Bộ Công thương cho rằng việc nhập khẩu thịt heo trách nhiệm chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi Bộ Nông nghiệp cho rằng cơ quan thú y chỉ kiểm dịch chứ không cấp quota.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên