02/04/2015 08:49 GMT+7

A đây rồi... Trần Chiến

MAI HOÀNG
MAI HOÀNG

TT - Trần Chiến sinh ra ở Hà Nội, lớn lên giữa phố cổ Hà Nội chen chúc chật chội, nhưng hình như ông không bao giờ nhận mình là người Hà Nội gốc.

Sách dày 280 trang, do Quảng Văn và NXB Hội Nhà Văn ấn hành -  Ảnh: M.Hoàng

Ngay cả khi viết về Hà Nội, Trần Chiến cũng không chọn cái cách mà nhiều người vẫn viết, về hàng cây xanh ngắt, về những góc phố thâm nâu, về thời tiết bốn mùa xuân - hạ - thu - đông.

Cả khi viết tiểu thuyết Ðèn vàng, Cậu ấm cho tới gần đây là A đây rồi Hà Nội 7 món người ta cũng không gặp những cái lãng đãng khói sương của Hà Nội. Thay vào đó là cái nhìn có phần xoáy sâu để cố gắng soi rọi vào sự ngổn ngang của đô thị, hoặc có khi là gắng gỏi lý giải “một tính cách của Hà Nội”.

A đây rồi Hà Nội 7 món có thể coi là cuốn tạp văn của Trần Chiến dù trên bìa không ghi thể loại. Cuốn sách tập hợp 24 bài dài ngắn khác nhau (Ngõ nhỏ phố nhỏ, Nhịp đập phố cũ, Hà thành ẩm thực, Chợ cóc, Ðô thị tự phát, Nặng nhẹ miếng ăn...) được tác giả viết trong nhiều thời điểm, với nhiều tâm trạng lẫn cảm xúc.

Không ngoại trừ có vì cả những mục đích khác nhau. Nhưng rốt ráo hơn có lẽ nó là thành quả đọng lại sau những ngày tháng làm báo của Trần Chiến (trước khi nghỉ hưu, Trần Chiến công tác tại báo Hà Nội Mới).

Giờ những ghi chép rời ấy được xâu chuỗi lại trong một cuốn sách, với một cái tựa ẩn chứa nụ cười mỉm như ta vẫn thấy khi gặp gỡ, trò chuyện với Trần Chiến.

“Tôi thường có ý nghĩ “thương” Hà Nội, nhất là khi ra đường. Thành phố gì mà chen chúc, nhem nhếch, vứt rác ra đường, đang đi gặp người quen đứng lại nói chuyện cản trở giao thông...”. Bằng giọng văn nhẩn nha, phảng phất sự hài hước châm biếm, Trần Chiến kể câu chuyện về những điều ông trải qua, chứng kiến.

Ðó có thể bắt đầu từ chuyện về người cô trên phố cổ Hàng Ðường - Hà Nội, chuyện về người cha - sử gia Trần Huy Liệu, về ký ức với nhà văn Tô Hoài cho đến những quan sát tinh và sắc về số phận những ngôi biệt thự cũ, về phố cổ, về đời sống thị dân...

“Trí thức nhiều, bằng cấp lắm, năm nào thành phố cũng vinh danh thủ khoa trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhưng cái định nghĩa “đại học là tự học” của cố bộ trưởng đại học Tạ Quang Bửu đúc kết hóa ra vẫn còn xa lạ” (bài Ðô thị tự phát).

Viết về Hà Nội bây giờ quả không dễ. Vì trong “rừng” sách về Hà Nội, chọn lối viết ra sao để không trùng không lặp mà đọc lên người ta thấy thú lại càng khó.

Trần Chiến đã chọn cho mình một cách tiếp cận và “mổ xẻ” Hà Nội. Ðể cả khi nếu chẳng may cuốn sách mất trang bìa, người ta cũng có thể thốt lên: “A đây rồi..., sách của Trần Chiến!”.

MAI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên