21/08/2011 02:30 GMT+7

Sân khấu làng

Truyện 1.170 chữ của VÂN HẠ
Truyện 1.170 chữ của VÂN HẠ

TT - Cứ khoảng năm giờ chiều, một chiếc xe Cub lấm lem như trâu tắm bùn lại chạy khắp các nẻo đường làng phát đi đoạn băng thu âm sẵn: “Đêm nay tại sân khấu thôn Thái An, đoàn nghệ thuật cải lương Thiên Hương sẽ trình diễn vở cải lương tâm lý tình cảm... Đoàn cải lương Thiên Hương với sự góp mặt của...”.

vZaYlkJo.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Chưa hết bài giới thiệu tiếng loa đã đi qua. Nhưng vì đã quen với tiếng loa rè như giọng chàng nghiện mỗi chiều nên người ta chỉ chú ý nghe coi đêm nay diễn tuồng gì. “Nó vừa nói đêm nay diễn tuồng gì đó bay?”. “Lên đời”. “Tuồng này chắc mới. Nấu cơm mau ăn sớm đi coi”.

Sân khấu thôn Thái An là một bãi hoang rộng mênh mông ngăn cách với cánh đồng nước bằng một con đường đất. Cánh đồng nước trước kia vốn là ruộng cói, là đất chuyên trồng cói để dệt chiếu, bây giờ vẫn sót lại mấy bụi cói hoang mọc chen lẫn với rau muống trời bò nghêu ngao. Còn bãi cỏ bên này trước kia là đất trồng lúa. Nay ruộng đồng sắp lên đời thành đô thị mới, cả ruộng cói và ruộng lúa đều đã được chia lô nhôm nhoam chờ đổ đất san nền. Sau khi gặt xong vụ lúa cuối cùng bà con không ai đốt đồng. Chiều chiều có một vài nhóm người rảnh rỗi lại ra ngồi giữa cánh đồng mênh mông gốc rạ nhậu chơi. Hoặc một nhóm khác không nhậu, chỉ ra ngồi nhìn trời đất. Nhóm này có cả mấy đứa con nít và một con chó vàng.

Người rảnh trâu cũng rảnh. Thôn Thái An bình yên đến nỗi người ta chỉ việc trồng mấy gốc keo quanh một gò đất, rồi giằng nối vài sợi dây thép thưa từ cây này sang cây kia là quây thành một cái chuồng nhốt trâu ban đêm giữa đồng. Đàn trâu ban ngày chỉ mỗi việc lang thang gặm cỏ, chẳng phải làm gì. Từ ngày ruộng không còn lúa cũng không còn thấy đâu cảnh lũ cò trắng nhởn nhơ chơi cùng bầy trâu trên cánh đồng. Có thể lũ cò đã có được thông tin mật rằng các bạn trâu của chúng đến một ngày sẽ được vô lò mổ để lên đời thành thịt bò, nên chúng lo bỏ chạy trước chăng?

Khi đã an nhàn người ta mới nghĩ tới nghệ thuật. Và một đoàn cải lương đã về chọn một góc cao ráo nhất bãi để dựng sân khấu. Giá vé mười lăm ngàn cho người lớn, mười ngàn cho trẻ con. “Hai ký lúa” - bà con tính toán. “Giờ này còn lúa với gạo. Mười lăm ngàn thì nói mười lăm ngàn cho rồi!”. Họ vừa cãi nhau vừa cắp ghế đi về phía sân khấu đang rộn ràng.

Đêm nào khán giả cũng được nghe ca nhạc khuyến mãi mệt nghỉ. Hết tân nhạc, cổ nhạc đến tân cổ giao duyên. Đừng phải băn khoăn gì. Vì người hát đang say, đang phê. Chỉ những ai hiểu được cái say cái phê của các nhà thơ khi có dịp được đọc thơ mình trước công chúng, hoặc đã từng gặp những vị đại biểu hay nhập đồng khi có dịp nói trên diễn đàn, thì mới hiểu cho các diễn viên khi họ được hát. Cho dù chỉ vài chục khán giả dưới sân bãi nhưng là khán giả thật, toàn những người bán lúa để đi coi hát chứ không phải...

Sau màn ca nhạc dạo đầu, khán giả lại kiên nhẫn ngồi chờ các diễn viên vào thay trang phục và hóa trang trước khi ra diễn. Diễn viên thay đổi lời thoại tùy hứng, khán giả cười theo. Lúc này nói một trăm triệu, lúc khác quên lại nói năm phần trăm, khán giả cũng cười bỏ qua. Khi chuyển cảnh không cần kéo màn, chỉ cần tháo tấm phông cảnh cho rớt xuống, rồi một diễn viên đóng vai phụ bước ra, lập tức có tiếng hét: “Ông soát vé. Ông soát vé”. Nhìn lại thì đúng là người vừa đứng xé vé ngoài cổng. Một khán giả vẻ hiểu biết nói: “Ông đó là đạo diễn á. Quan trọng lắm á!”. “Sao biết?”. “Họ ở nhờ nhà tui mà sao không biết. Còn bà ở kia là nghệ sĩ Hương Trà. Chứ sao. Đóng người ở, đóng xì ke mới khó, chứ đóng cán bộ đi họp dễ òm”.

Một diễn viên nhí xuất hiện trên sân khấu làm nhóm người im bặt. Đứa bé không phải diễn gì nhiều, nó chỉ việc đứng đó cho người lớn diễn, tức mắng mỏ đánh đập hoặc bồng lên để xuống. Dù vậy việc xuất hiện của nó cũng làm khán giả vui thích. Họ tán thưởng bằng cách với tay lên sàn diễn đưa cho nó, không phải hoa, mà là một tờ hai chục ngàn. Một người rồi hai người, diễn viên nhí đứng sát mép sàn diễn hồn nhiên nhận tiền thưởng. Sân khấu làng có lúc lạ vậy, nó lại dành phần thưởng cho việc không diễn gì là sao!

Nhưng sao người ta lại chạy qua chạy lại lộn xộn như vậy được? À, vì không có dàn nhạc. Chỗ dành cho các nhạc công ngồi phía dưới sân khấu giờ chỉ thấy mỗi một người ngồi xoay xoay vặn vặn mấy cái núm điều chỉnh âm thanh, một công việc trực thuộc bộ phận máy móc, không nghệ sĩ cũng chẳng nghệ thuật. Lẽ ra khán giả không cần biết tới sự có mặt của người này. Nhưng bỗng nhiên điện cúp cái rụp. Tất cả im bặt. Sau mấy giây lặng đi dưới sân bãi bắt đầu nổi lên tiếng huýt sáo, tiếng gọi nhau. Phải có tiếng gì đó để thay thế. Im lặng là không thể được. Tiếp đến gió nổi lên. Rồi sấm nổ. Rồi tiếng alô của đoàn hát xin lỗi, xin dừng đêm diễn tại đây vì... trời sắp mưa.

Khán giả nhốn nháo rời sân bãi. Màn hạ xuống trong ánh đèn pin loang loáng. Vài đứa con nít leo lên chạy đuổi nhau trên sàn diễn. Đúng lúc đó điện bừng sáng, hai chiếc loa thùng cũng lập tức sống dậy gào lên thảm thiết:

- Cha...a...a!

- Co...on...con!

Một khán giả giật mình ngoái nhìn sân khấu, ngơ ngác hỏi: “Cái gì vậy bay?”. Bọn trẻ láu cá nói: “Mấy người đạp phải cứt trâu họ la đó ngoại!”. “Bậy nào. Sắp lên phường rồi ai để vậy. Công ty vệ sinh người ta dọn liền chớ”.

Sau nửa tháng lưu diễn, đoàn hát thắng lợi nhổ sào đi nơi khác. Chiều chiều vắng tiếng loa, khán giả lại ra bờ ruộng đứng nhìn bãi đất trống. Và họ bắt gặp đàn trâu vẫn đang ngẩn ngơ tìm bóng dáng lũ cò.

Truyện 1.170 chữ của VÂN HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên