07/11/2009 07:57 GMT+7

Còn đó, nước Nga và văn học

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTCT - Dấu ấn văn hóa là cái còn mãi với thời gian, mặc dù những hình thể vật chất có thể đã bị phá hủy, tiêu tan. Nền văn hóa, văn học của nước Nga Xô Viết đã góp phần to lớn cho gia tài tinh thần của loài người thế kỷ 20. Với tất cả sự anh hùng và bi kịch của nó, tiếp xúc với văn hóa, văn học Nga thế kỷ 20, cái còn lại sâu đậm nhất là những nỗi niềm về “Số phận con người” (*).

Kỷ niệm 92 năm Cách mạng tháng 10 Nga

Còn đó, nước Nga và văn học

TTCT - Dấu ấn văn hóa là cái còn mãi với thời gian, mặc dù những hình thể vật chất có thể đã bị phá hủy, tiêu tan. Nền văn hóa, văn học của nước Nga Xô Viết đã góp phần to lớn cho gia tài tinh thần của loài người thế kỷ 20. Với tất cả sự anh hùng và bi kịch của nó, tiếp xúc với văn hóa, văn học Nga thế kỷ 20, cái còn lại sâu đậm nhất là những nỗi niềm về “Số phận con người” (*).

ImageView.aspx?ThumbnailID=373515
Nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của Nga đã được chuyển thể thành phim. Trong ảnh: Một cảnh trong phim Chiến tranh và hòa bình, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của đại văn hào Nga Lev Tolstoy - Ảnh: Lacma

1. Bạn đọc Việt Nam đã chia sẻ và đồng cảm với cảm hứng lớn ấy của văn học Xô viết từ bộ ba tự thuật của M. Gorki, Con đường đau khổ của A. Tolstoy, Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovsky, Núi đồi và thảo nguyên của Ts. Aitmatov, đến Bác sĩ Zhivago của B. Pasternak, Con người và số phận của M. Grossman... Thơ của M. Mayakovsky, S. Essenin cũng đầy số phận ấy. Cái chất lãng mạn, nên thơ trên trang văn M. Pautovsky ngẫm ra cũng là cách đề cập số phận ấy từ một khía cạnh khác, và chất đó đã một thời mê hoặc, quyến rũ nhiều nhà văn, nhà thơ ta đến khó dứt ra được. Nói thế để thấy văn học, rộng ra là văn hóa, Việt Nam một thời thấm rất sâu tinh thần Nga. Nguyên nhân từ sự đồng dạng của hệ thống xã hội đã đành, nhưng sâu xa hơn nữa là sự cộng đồng và cộng hưởng của tâm hồn Việt và tâm hồn Nga, của lịch sử hiện đại nước Việt và nước Nga, của những niềm đau, nỗi buồn người Việt và người Nga.

ImageView.aspx?ThumbnailID=373516
Poster phim Anna Karenina (năm 1935 - Greta Garbo vai nữ chính), chuyển thể điện ảnh từ tác phẩm cùng tên của đại văn hào Nga Lev Tolstoy - Ảnh: Film-Bühne

2. Nước Nga thời hậu Liên Xô nói như Lênin khi nói về nước Nga sau thời nông nô là “mọi thứ đang bị đảo tung lên và sắp xếp lại”. Một cuộc biến động và thay đổi kinh khủng như vậy dĩ nhiên phải có thời gian mới lắng đọng và định hình được cái gì khác, cái gì mới. Theo tôi cảm nhận, văn hóa Nga 20 năm qua đang cố gắng đào sâu vào chính mình, tìm hiểu dân tộc mình để tìm lời giải cho quá khứ gần và xác định tương lai. Biểu hiện về văn học của điều này là rất đa dạng, phong phú. Có thể kể về hai tiểu thuyết Nga gần đây đã được dịch ra tiếng Việt.

Cuốn thứ nhất là Sonechka của Ludmila Ulitskaya. Tên tác phẩm cũng là tên nhân vật. Cô gái Sonechka hiền lành, suốt ngày chỉ biết đọc sách, sống với thế giới sách vở, lớn lên làm nghề thư viện và số phận tình cờ đã gắn kết cuộc đời cô với Robert Victorovich, một họa sĩ xuất sắc nhưng chịu số phận thăng trầm trên đất nước Xô viết. Cuộc sống của đôi vợ chồng này trôi đi trong những tháng năm gian nan, khó khăn của chiến tranh, thời cuộc. Họ có một cô con gái. Họ cưu mang một cô gái, bạn con mình, nhưng rồi Robert có quan hệ tình cảm với cô gái đó. Sonechka hiểu và tha thứ cho chồng. Một cuộc đời trôi qua như thế. Một cuộc sống trôi qua như thế. Những vui buồn nhân sinh kiếp người diễn ra như thế. Chẳng có gì lớn lao, to tát nhưng cũng chẳng có gì quan trọng, sâu sắc hơn thế. Đọc sách, đọc một tiểu thuyết chỉ hơn trăm rưỡi trang sách in mà như sống cùng cuộc sống với nhân vật, thấy như mình đang sống thực đời mình. Ludmila Ulitskaya (sinh năm 1943) hiện là nhà văn hiện đại nổi tiếng ở Nga và thế giới. Năm 2001 bà được trao giải Booker Nga cho tác phẩm Chuyện rắc rối của Kukosky. Tiểu thuyết Sonechka được trao giải Medicis (1993) - giải thưởng của Pháp dành cho tác phẩm văn học nước ngoài hay nhất. Đó là sự trở lại nguồn mạch nhân văn truyền thống của văn học Nga, một nền văn học vĩ đại đã cống hiến cho nhân loại nhiều tác phẩm lớn đầy ắp lòng yêu thương con người.

Một tác phẩm khác mang hơi thở nóng hổi của nước Nga hôm nay là cuốn Vô hồn của Sergei Minaev. Đầu đề cuốn sách còn có thêm một dòng tít phụ “Chuyện về một người không chân chính”. Rõ ràng ở đây tác giả có một sự gợi nhắc và đối lập. Ai từng đọc văn học Xô viết lừng lẫy một thời hẳn không thể quên một tác phẩm nổi tiếng của Boris Polevoi Chuyện một người chân chính. Người chân chính của B. Polevoi là người anh hùng của đất nước Xô viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thập niên 1940. Còn người không chân chính của S. Minaev là một nhân vật của thời đại chúng ta, một giám đốc kinh doanh người Nga cho một tập đoàn tư bản nước ngoài vào thập niên 1990 khi hệ thống Xô viết tan rã và nước Nga đi vào kinh tế thị trường. Nước Nga cuối thế kỷ 20 đã bị vỡ ra, bị đảo tung và đang được sắp xếp lại. Trên cái nền xã hội ấy xuất hiện một lớp người trẻ mà nhân vật thuộc thế hệ 7X trong Vô hồn là đại diện, họ xông xáo, hăng hái làm ăn kiếm tiền để rồi đêm đêm đốt mình trong các quán bar, vũ trường, chạy theo những thú vui thuần túy thể xác và tiền bạc trong khi tâm hồn mệt mỏi và trống rỗng. Thành đạt, tận hưởng hết mọi thứ cuộc sống mới bày ra trước mắt, đồng thời nhân vật chính cũng tự bóc trần mình nghiệt ngã, để tâm hồn mình dằn vặt, đau đớn với những câu hỏi đâu là giá trị đích thực của cuộc sống, đâu là lẽ sống làm người. Tác giả gọi nhân vật của mình là “kẻ mộng mơ... trơ tráo”. Một nhà phê bình Nga nhận xét: “Đã lâu rồi văn học Nga chưa có một nhân vật được nhận chân và thấu hiểu sâu sắc đến thế”.

Đây là một truyền thống nhân văn lâu đời của văn học Nga, khi nhân vật của tác phẩm như là “con người thừa” lạc lõng trong xã hội mình sống, tách ra khỏi môi trường sống của mình để tự ngẫm nghĩ và phán xét, do đó anh ta bơ vơ, cô độc, đối diện với những câu hỏi cơ bản mà không dễ tìm được câu trả lời. 

ImageView.aspx?ThumbnailID=373517
Chân dung nhà văn Aleksey Tolstoy, tác giả tiểu thuyết Con đường đau khổ từng được chuyển thể thành phim - Ảnh: ketabnews

3. Hai tác phẩm trên (đều đã có bản dịch tiếng Việt) là những thí dụ về hai hướng viết của văn học Nga hiện nay, một hướng có thể gọi là “trở về truyền thống” và một hướng có thể nói là “hiện đại”. Bức tranh toàn cảnh văn học Nga thời hậu Xô viết vẫn đang được vẽ nên với những đường nét đa dạng và phức tạp, không dễ nắm bắt. Nhiều chiều hướng, nhiều tác giả, tác phẩm mới khác lạ thời Xô viết xuất hiện kế tục và thay thế nhau. Định hình văn học Nga như trước đây là việc không dễ dàng. Ở Việt Nam, vì vậy thông tin về văn học Nga đương đại cũng đang ít ỏi, thiếu hụt.

Nhưng một nước Nga mới đang xuất hiện, ở đó có sự kế thừa và phát triển, giống như mọi hiện tượng khác của lịch sử. Hơn 90 năm sau cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, nước Nga đã thay đổi, thế giới đã thay đổi, những thay đổi đau đớn và sâu sắc. Từ đó sẽ lại hình thành nên những giá trị mới, và ở trường hợp nước Nga tôi tin vào những giá trị nhân văn của một dân tộc đã hi sinh rất nhiều cho một cuộc thử thách có thể nói là bi kịch nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại. Văn hóa Nga sẽ lại phát triển. Văn học Nga sẽ lại được đọc. Năm sau, 2010, nước Nga và thế giới sẽ kỷ niệm 100 năm mất của nhà văn vĩ đại Lev Tolstoy. Cả nhân loại và người Nga sẽ suy ngẫm cho mình con đường lịch sử từ bước chân rời bỏ điền trang ra đi của bậc trưởng lão văn chương Nga này. Và từ kinh nghiệm nước Nga, văn hóa, văn học Việt Nam chúng ta cũng không nên một sớm một chiều ngoảnh mặt.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

______________

(*) Tên một tác phẩm nổi tiếng của M. Sholokhov.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên