20/04/2014 10:05 GMT+7

Chuyến đi đầu tiên của Thắm

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TT - “Sân khấu bắt đầu ở đâu? Cuộc sống ngừng lại ở đâu?”.

cifaPaQG.jpg
Apphich phim
Đó là câu đầu tiên trên apphich phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của Nguyễn Thị Thắm, được Liên hoan phim Cinéma du Réel lần thứ 36 Paris - nơi từng chiếu Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy, Giấc mơ công nhân của Trần Phương Thảo - tuyển chọn trong phần thi quốc tế phim đầu tay.

“Chị” Phụng thật ra là người nam đồng tính bẩm sinh, thiếu thời đi tu, phải lòng một nam phật tử nên quyết định hoàn tục, lập gánh hội chợ quy tụ người đồng cảnh lang thang kiếm sống. Trung thành với “tinh thần Varan” của Jean Rouch mình được học, chiếc máy quay trên tay Thắm tuyệt đối không khai thác khía cạnh đồng tính để câu khách mà trợ giúp những con người vốn e dè, thủ thế giãi bày tâm tư với thế giới bên ngoài. Đó là lý do khiến bộ phim sống động, đầy ắp tính nhân văn như những phim trước đó của Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Đào Thanh Tùng,...

Khởi quay cách đây năm năm, hoàn thành tháng 3-2014, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là câu chuyện về lứa nghệ sĩ hát rong bước vào giai đoạn hấp hối do trọng bệnh. Thắm nói cô bị hấp dẫn, kích thích bởi cuộc sống lang bạt, phiêu lưu lãng mạn của đoàn hội chợ, tháp tùng họ mà không biết chuyện gì đón đợi mình phía trước.

“Xuất thân tầng lớp lao động nên em luôn có sự đồng cảm bản năng với tầng lớp chịu thiệt thòi trong xã hội. Em bị cuốn hút bởi những khuôn mặt ưu tư thầm kín, mong muốn sẻ chia thế giới đong đầy cảm xúc. Trong phim có cảnh trai làng đốt phá gánh hát. Đó là sự sợ hãi, tổn thương đối với các nhân vật và cũng là nỗi sợ hãi, tổn thương của chính em. Khi quay hình ảnh đoàn tàu chạy ngang qua, chị Phụng nằm đong đưa trên võng hát bài hát buồn, đám lửa cháy, những túi nilông bay bay trên hậu cảnh đường phố thưa thớt xe để làm cảnh kết, em đã rưng rưng cảm giác tàn lụi...”. Chị Phụng đã mất sau khi phim đóng máy. Tên phim đổi thành Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng thay vì Đoàn hội chợ như ban đầu. Phim thoảng buồn nhưng không sầu não bởi trước mắt ta là những con người biết cách tạo ra và nắm lấy những gì tốt nhất từ số phận ngặt nghèo. Cảnh đám lửa đốt cuối phim trong lúc chờ cuộc rong du mới cho thấy cuộc sống không dừng lại. Nhìn những con người bất hạnh - lạc quan - kiên cường đó chúng ta thấy mình may mắn.

Hỏi Thắm vì sao chọn phim tài liệu dù tốt nghiệp phim truyện, Thắm cho biết khi đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Sân khấu - điện ảnh thì Hiệp hội Varan đến TP.HCM mở khóa học về điện ảnh tài liệu trực tiếp, và Thắm là một trong những người được chọn lựa thông qua phỏng vấn. Nhận ra mình phù hợp với điện ảnh tài liệu trực tiếp, nơi khám phá hiện thực gần gũi, chân thật nhất, Thắm quyết định theo con đường đạo diễn độc lập. Thắm nói mình cũng thích phim truyện, nhưng dù thể loại nào thì mục tiêu của nghệ thuật vẫn là cảm xúc. Chính cảm xúc đã giúp bộ phim Việt Nam đầu tay dài 86 phút được đón chào nồng nhiệt ở Paris, Nimes, được chiếu tiếp ở Lyon, Marseille, Ateliers Varan, được lựa chọn tranh giải ở Chopshots Festival ở Indonesia, tham gia Liên hoan phim phụ nữ Đài Loan, Liên hoan phim tài liệu Philippines... trong thời gian sắp tới. Ngày 15-4 nghe tin từ Thắm: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã bán được cho hệ thống thư viện Pháp, số tiền không nhiều nhưng là nguồn cổ vũ vô cùng lớn với em và tất cả cộng sự sau năm năm miệt mài...”. Một khởi đầu thật đẹp.

Sinh năm 1984, Thắm trẻ hơn người viết bài này chín tuổi khi lần đầu tiên tham dự liên hoan phim quốc tế. Không chỉ Thắm, mùa xuân điện ảnh Paris còn có Trần Phương Thảo, Nguyễn Hoàng Điệp, Trương Quế Chi... Nhìn các “em” quấn quýt, ríu rít chuyện nghề xung quanh cánh cửa mênh mông thế giới bỗng thấy vui, hi vọng lắm vào tương lai điện ảnh Việt...

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên