Khai mạc LHP quốc tế Hà Nội lần 2
Hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ hai với chủ đề “Ðiện ảnh VN thời kỳ đổi mới” diễn ra chiều 26-11.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (phó chủ tịch thường trực Hội Ðiện ảnh VN) chia sẻ: “60 năm điện ảnh cách mạng VN đủ để sàng lọc ra những tên phim mà cả chúng ta hay bạn bè quốc tế nhớ được. Nhưng không thể cứ nhắc mãi những gì đã qua. Cái gì đang sống và sắp sống còn quan trọng hơn rất nhiều”.
Còn đạo diễn Lê Hoàng dù phát biểu với đôi chút chua ngoa đặc trưng nhưng lại khiến nhiều đồng nghiệp đồng tình: “Tôi không biết điện ảnh VN đang ở thời kỳ đầu, giữa hay cuối đổi mới. Nhưng giá như ở thời kỳ đầu thì tốt, chúng ta còn trẻ”.
Loay hoay chuyện nhà nước - tư nhân, thương mại - nghệ thuật
Dù vậy, nghiêm túc nhìn nhận, vị đạo diễn của Cát nóng - phim chiếu khai mạc LHP - cho rằng ở VN hai phe làm phim thương mại và phim nghệ thuật luôn công kích lẫn nhau. Là người của cả hai phe, ông cho rằng phim của những người làm phim tư nhân đã tiến bộ cực mạnh. Nếu đóng cửa nghĩ những gì mình nghĩ là nghệ thuật, còn những thứ người lao động thích là phim hạng hai thì điện ảnh không thể nào tiến lên được.
Bất cứ nhà phê bình nào cũng đều biết giá trị nghệ thuật của bộ phim không chỉ đo bằng lượng vé bán. Vì có những phim doanh thu rất cao nhưng thẩm mỹ có vấn đề. Và dĩ nhiên, không có nền điện ảnh nào phát triển nếu không được công chúng chấp nhận, dù có bao nhiêu giải thưởng, huy chương đi chăng nữa.
Tự nhận mình không muốn làm mất lòng ai cả, nhưng đạo diễn Lê Hoàng chĩa ngay mũi công kích về phía các nhà làm phim bằng vốn nhà nước: “Chúng ta phải hiểu rằng điện ảnh VN là nền điện ảnh vô cùng may mắn trên thế giới khi có Nhà nước đầu tư. Làm đạo diễn ở VN dễ nhất vì rất nhiều người cứ làm phim là có tiền nhà nước rót vào. Trong khi ở các nước, ở Mỹ những đạo diễn cầm kịch bản đợi nhà sản xuất đông khủng khiếp và có người chẳng bao giờ được gặp. Trong đó có rất nhiều Trương Nghệ Mưu, James Cameron...”.
Tiếp đó, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng lên tiếng: Nền điện ảnh VN trước giờ đã dung dưỡng thói quen được bao cấp. Bất cập của dòng phim nhà nước là cơ chế duyệt phim, dự án không quan tâm đến yếu tố thị trường. Kết quả là phim nhà nước ít khách, ít thu hồi được vốn. Còn nhà phê bình Philip Cheah (nguyên giám đốc LHP quốc tế Singapore) nhìn nhận: “Các bạn đã đổi mới rồi thì phải đứng trước sự lựa chọn giữa nhà nước - tư nhân, thương mại - nghệ thuật”.
Chia sẻ một quan điểm khác, đạo diễn của Trăng nơi đáy giếng Nguyễn Vinh Sơn cho rằng: “Nhiều phim thương mại bây giờ nếu không có ba yếu tố: hài, đồng tính, giả gái thì không “hot” được. Cũng bởi vậy, giá trị nghệ thuật cho người xem bớt đi. Nhiều khi người xem càng đông thì nỗi buồn càng lớn, vì phim càng hài, càng nhảm thì càng ăn khách. Tại sao lại như vậy? Ðó là câu hỏi hóc búa, đầy phẫn nộ cho những người làm phim như chúng ta”.
Nhưng điều đáng buồn là những cái tên đạo diễn trẻ làm nên diện mạo của dòng phim nghệ thuật hay thương mại của VN lại không tham gia cuộc tranh luận này. Dù người ta vẫn thấy Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ... rạng rỡ sánh bước cùng các mỹ nhân trên thảm đỏ LHP.
Đừng chạy theo mô hình Hàn Quốc hay Hollywood!
Ðó cũng là cảnh báo của các đồng nghiệp đến từ quốc tế đối với điện ảnh VN hiện tại dù bài học về xây dựng nền công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc hay Mỹ đều đáng để học hỏi.
“Tôi đã xem nhiều phim cũ của VN, tôi nghĩ vẻ đẹp và sự nên thơ là thế mạnh của VN. Nhưng điều đó lại thiếu trong những bộ phim hiện nay. Các bạn đang đi theo mô hình Hàn Quốc, Hollywood nhưng đó chưa chắc là con đường đúng đắn” - bà Chalida Uabumrungjit (giám đốc LHP ngắn và video Thái Lan) chia sẻ.
“Ðiện ảnh Thái Lan cũng từng lạc hậu đến mười năm. Có những lúc chúng tôi bi quan cho rằng nền điện ảnh Thái Lan gần như đã chết. Ðể duy trì sự tồn tại của nền điện ảnh, chúng tôi phải làm các phiên bản phim Thái Lan từ phim Hàn. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi thành lập liên hoan phim ngắn và video Thái Lan. Năm đầu tiên chỉ có 30 phim tham gia, đến năm thứ ba là 500 phim. Alichatpong (đạo diễn bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2010 Uncle Boonmee who can recall his past lives - PV) là nguồn cảm hứng của các nhà làm phim độc lập và phim ngắn. Người Thái rất rụt rè và Alichatpong chỉ ra cho họ rằng luôn có cơ hội để làm những bộ phim. Bắt đầu từ một cộng đồng nhỏ, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành và phát triển các kỹ năng. Tôi nghĩ rằng không có một công thức cụ thể nào cho chiến lược điện ảnh cả. Ðiều quan trọng là phải tìm một con đường riêng và cũng cần có thời gian để tạo ra sự khác biệt” - bà Chalida nói.
Bên cạnh đó, một đại diện từ UniFrance (Tổ chức Xúc tiến điện ảnh Pháp) chia sẻ: “Muốn thúc đẩy nền điện ảnh thì các bạn phải tìm cách xuất khẩu phim VN ra nước ngoài. Bản thân nhiều nghệ sĩ Pháp cũng đang đến LHP để lựa chọn các phim VN tham gia vào mùa văn hóa VN tại Pháp năm 2013. Ngoài ra, có một cách nữa là đồng sản xuất phim với các công ty điện ảnh của nước ngoài”.
Ðạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng nhìn nhận phim độc lập là tương lai của điện ảnh Việt. Nhưng người làm phim độc lập là người thách thức thị hiếu công chúng và nhà phê bình. Tuy nhiên, câu chuyện làm phim độc lập không phải cứ muốn là có thể làm. Ðạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng bày tỏ: “Làm phim mà có một hội đồng kiểm duyệt, thấy cảnh nào nóng nóng hay nhạy cảm thì cắt đi thì còn đâu là phim độc lập. Tôi mong muốn xóa bỏ dần phương thức kiểm duyệt quá chặt hiện nay. Vì nếu đã làm, hãy để các đạo diễn làm đến tận cùng!”.
Gặp gỡ các đoàn phim tranh giải Trong khuôn khổ LHP, 14 đoàn làm phim tranh giải ở hạng mục phim truyện đã có buổi gặp gỡ, giới thiệu phim vào sáng 26-11. Các đạo diễn, diễn viên cũng chia sẻ những câu chuyện vui, ấn tượng trong quá trình làm phim. Các diễn viên tham gia phim Helpless (Vô vọng) đến từ Hàn Quốc cũng không ngần ngại trả lời những thắc mắc liên quan đến các cảnh nóng trong bộ phim tâm lý tội phạm này. Riêng đạo diễn Byun Young Joo bày tỏ hi vọng: “Tôi mong bộ phim được chiếu cho khán giả VN thêm vài ba lần nữa...”. Cũng có mặt trong buổi giới thiệu phim buổi sáng, đạo diễn Victor Vũ của Thiên mệnh anh hùng chia sẻ: “Đến với LHP là chúng tôi quá vui rồi. Có đạt được giải thưởng hay không có lẽ không phải là vấn đề lớn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận