Phóng to |
“Đây không phải là một bộ phim dễ xem. Nó không phải là Avatar (bộ phim từng tạo ra làn sóng 3D khắp thế giới của đạo diễn gạo cội James Cameron - NV) được làm ra để chinh phục số đông. Phim đề cập một vấn đề từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Dĩ nhiên, bạn sẽ thấy phim thân thuộc với VN như thế nào!”. Lời “chào mời” của nhà làm phim người Đức Rolf Husmann - cựu chủ tịch Hiệp hội Nhân học hình ảnh (CVA), người đã giới thiệu những bộ phim nhân học hay cho liên hoan lần này tại VN - làm không khí xem phim thêm háo hức.
Chia sẻ cảm xúc
Ý nghĩ chán nản khi trưa nắng phải đến xem một bộ phim tài liệu nhanh chóng tan biến khi Lời hứavà sự bất an (của hai đạo diễn người Ireland Alan Grossman và Aine O’Brien) mở đầu bằng lá thư đẫm nước mắt của một bà mẹ gửi cho cô con gái. “Gracelle! Con sẽ thắc mắc vì sao mẹ bỏ con đi khi con còn quá bé. Đó là bởi tình yêu”, người mẹ viết như thế.
Liên hoan phim còn kéo dài đến hết ngày 14-11 với năm bộ phim được trình chiếu miễn phí tại ba điểm chiếu: Buổi sáng ở BrazzaVille và Touching eyes vào suất sáng tại ĐH KHXH&NV, Chúng tôi muốn bạn biết và Luật Koriam vào suất chiều tại ĐH Văn hóa TP.HCM và phim Đội tuyển xuyên quốc gia chiếu suất sáng tại Trung tâm Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh. Lễ bế mạc liên hoan diễn ra vào 19g30 tối 14-11 tại TP.HCM. |
Điều tuyệt vời nhất mà một bộ phim nhân học mang đến cho người xem có thể sẽ không phải là việc mở mang tầm mắt với những cảnh quay hoành tráng, kỹ xảo xuất sắc, nội dung đột phá... mà đơn giản là để chia sẻ cảm xúc. Như Lời hứa và sự bất an, hoàn toàn là những cảnh quay chân thực, sống động với giọng điệu của chủ thể, với kỹ thuật dựng phim thông minh, có chủ đích, bộ phim mang lại cho người xem cảm giác... bất an thật sự khi cũng trong chuyến tàu đêm đơn độc thường chỉ có người mẹ, nay có thêm cô con gái nhỏ. Họ nắm lấy tay nhau nhưng đôi mắt không giấu được nỗi lo lắng vì công việc bấp bênh nơi đất khách....
Dù chỉ dài 79 phút nhưng bộ phim đã mất đến bốn năm thực hiện. Các cảnh quay của phim trải dài từ Ireland đến Philippines, Indonesia... và dù ở đâu người ta cũng thấy: khát vọng đổi đời, khát vọng yêu thương không phân biệt màu da, địa lý...
Và mở rộng nhãn quan
Cả hội trường đã lặng đi khi nghe lời chia sẻ của một nữ sinh viên: “Em có đứa em có mẹ từng đi xuất khẩu lao động. Nó có mọi thứ hơn bạn bè xung quanh từ những đồng tiền mẹ gửi về nhưng lúc nào cũng nói rất ghét mẹ. Nó cho rằng mẹ nó đã đi làm những việc không chính đáng. Em chỉ muốn dẫn nó đến đây, xem bộ phim này”. Và buổi thảo luận sôi nổi hơn với hàng loạt câu hỏi về kỹ thuật dựng phim, cách đặt máy quay, cách chọn đề tài...
Ngập trong những câu hỏi, đạo diễn Rolf Husmann hào hứng chia sẻ: “Những bộ phim tôi chọn lần này, một mặt vừa là phim, một mặt vừa là những lát cắt đời sống vô cùng gần gũi. Đó là cuộc sống của những con người có thân nhân đi xuất khẩu lao động như bạn vừa xem, là tâm sự của một người đồng nát, một anh lái xe, cuộc đời của những phụ nữ đồng tính ở một đất nước đạo Hồi... Nó sẽ làm phong phú thêm nhãn quan của các bạn trẻ về sự sống ở khắp nơi trên thế giới”.
Vượt ra ngoài khuôn khổ của một liên hoan phim, những bộ phim nhân học đã cho người xem khoảnh khắc được sống chậm lại, suy nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn, điều mà không phải liên hoan nào cũng có thể làm được...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận