15/12/2013 09:00 GMT+7

Trên khoảnh sân ngập nước

BÍCH NGÂN
BÍCH NGÂN

TT - Cuối tuần rồi bật tivi, thấy chuyên mục 360 có mời mấy nghệ sĩ, nhà báo cùng bàn vấn đề “Mang âm nhạc Việt đến gần quốc tế” nhân sự kiện một vài ca sĩ được và suýt được một vài giải thưởng âm nhạc khá khiêm tốn của châu Á.

xnFLgWXK.jpgPhóng to
Hình ảnh nghèo khó của buổi biểu diễn văn nghệ ở Q.8, TP.HCM - Ảnh: B.N.

Mấy ngày trước, khi đi ngang qua ngôi trường bị bỏ hoang từ lâu (vốn là sân Trường tiểu học An Phong, nằm trên đường Trịnh Quang Nghị, do bị ngập nước nên trường dời đến nơi khác), tôi nghe thấy rộn ràng tiếng loa, tiếng nhạc và đông người xe trước cái cổng trường được treo tấm băngrôn: “Công ty tổ chức biểu diễn TP.HCM - CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC TẠP KỸ - SÀI GÒN HƯỚNG DƯƠNG”. Tò mò và cũng mủi lòng bởi lời rao phát ra từ chiếc loa mở lớn: “Anh em nghệ sĩ chúng tôi luôn khát khao được đem lời ca tiếng hát phục vụ bà con cô bác. Trời khô ráo như hôm nay anh em nghệ sĩ chúng tôi mừng vô kể. Có hôm vừa chuẩn bị xong thì ông trời đổ mưa, sân khấu như chiếc chiếu ngâm nước, còn nghệ sĩ và khán giả thì ướt như chuột lột...”. Tôi dừng lại, gửi xe (chỗ gửi xe dã chiến tràn ra lề đường) và mua vé (vé 40.000 đồng).

Vừa bước qua khỏi người soát vé đứng trước ngay cổng, chân tôi bước lên mặt đất phập phều (sau bật đèn điện thoại nhìn kỹ tôi mới biết đó là lớp nilông trải lên mặt đất) rồi chỉ sau tích tắc, đôi giày săngđan cùng đôi chân tôi ngập trong thứ bùn sền sệt. Thấy tôi ngỡ ngàng loay hoay, một thanh niên nhanh nhẩu lấy cái ghế nhựa đưa cho tôi: “Chị ngồi ghế cho đỡ ướt”. Tôi chưa kịp ngồi, cậu nói luôn: “Chị cho xin tiền ghế, mười ngàn!”. Tôi trả tiền, ngồi lên ghế trong tâm trạng phập phồng. Liền lúc đó, từ đám khán giả ngồi đứng lao nhao bật ra tiếng reo: “Nghệ sĩ Thanh Tuấn đến rồi kìa! Nghệ sĩ Thanh Tuấn...”. Tôi quay lại nhìn. Từ ngoài cổng, nghệ sĩ Thanh Tuấn lịch sự trong bộ quần áo sẫm màu bước vào, đôi giày đen bóng của anh liền ngập trong thứ nước bùn sền sệt...

Vậy mà khi đứng dưới ánh sáng sân khấu, nghệ sĩ Thanh Tuấn dường như quên đôi chân đang ẩm ướt của mình, quên cái khoảnh sân lầy lội, anh hát thật say, thật mùi, khiến khán giả, những khán giả chỉ mua nổi chiếc vé xem hát với giá 40.000 đồng, vỗ tay rào rào. Rồi những nghệ sĩ trẻ ai cũng trang điểm và ăn mặc thật đẹp, khi đến lượt mình bước lên cái sân khấu nhỏ hẹp trong cái khoảnh sân ngập nước, bùn lầy, rác và muỗi cũng đều hát với tất cả tấm lòng.

Và lần đầu được ngồi xem hát trên chiếc ghế nhựa đặt trên mặt đất phập phều, tôi thấy lòng mình cô lại thứ cảm xúc đặc sánh. Thứ cảm xúc khiến tôi không khỏi nhớ đến những trung tâm văn hóa, những nhà văn hóa được đầu tư xây bề thế, khang trang tốn nhiều tỉ bạc - số tiền có được từ tài nguyên đất nước, từ tiền đóng thuế của dân với mục đích là tạo điều kiện để cải thiện đời sống văn hóa cho dân cư trên địa bàn. Tôi lại nhớ, dù không thể nhớ hết, những buổi hội nghị, hội thảo, tọa đàm tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, cũng cốt để bàn tính làm thế nào nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Âm nhạc Việt đến quốc tế là hành trình phải tiếp tục đi, dù khoảng cách còn quá xa. Còn văn nghệ tạp kỹ đến với người dân tại nội thành thôi, chứ chưa nói đến vùng sâu vùng xa, thật ra không quá xa, quá khó, nếu những người quản lý và người làm công tác văn hóa thấu được nỗi khao khát được thưởng thức văn hóa văn nghệ của khán giả, nhất là khán giả nghèo. Mà người nghèo thì đông lắm.

BÍCH NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên