01/11/2010 06:17 GMT+7

Nghệ sĩ Võ Vân Ánh: Chở tiếng đàn tranh ra thế giới

PHẠM THÀNH NHÂN
PHẠM THÀNH NHÂN

TT - Đêm Hội ngộ đàn tranh tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM tối 30-10, nghệ sĩ Võ Vân Ánh đã gây bất ngờ cho khán giả khi chơi đàn với bốn móng gảy thay vì ba như thông thường.

7FJuAKH1.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Vân Ánh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Kết hợp biểu diễn bên cạnh trình tấu, các tác phẩm Vó ngựa bụi đường, Cõi niết bàn (Đỗ Bảo) và The discours(Câu chuyện của tôi) đã hoàn toàn chinh phục khán giả.

Có thể sẽ thừa khi giới thiệu Võ Vân Ánh là một nghệ sĩ đàn tranh tài năng của Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia VN), người đã giành giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 1995, sau Hải Phượng (1992) và trước Thanh Thủy (1998). Thế nhưng nếu không nhắc, công chúng có thể quên mất chị bởi từ năm 2001 chị đã theo chồng sang Hoa Kỳ định cư, để lại sự tiếc nuối trong lòng khán giả mộ điệu. Tuy vậy, những năm tháng nơi xứ người đã giúp chị có nhiều cơ hội hơn để quảng bá âm nhạc VN, giới thiệu với thế giới về cái chị gọi là “hồn nhạc Việt”.

Hai đĩa nhạc gồm Twelve months, four seasons (12 tháng, 4 mùa) và She’s not she đã đưa tên tuổi Vân Ánh lên một tầm mức khác. Tài năng của Ánh càng được khẳng định khi chị và Mark Izu giành giải thưởng Emmy (được xem là giải Oscar của phim truyền hình) năm 2009 cho phần nhạc bộ phim tài liệu Bolinao 52 và những giải thưởng quan trọng trong các liên hoan phim uy tín của Mỹ cho các phim Daughter from Da Nang (Người con gái Đà Nẵng), A village named Versailles (Ngôi làng tên Versailles).

Thế nhưng với Vân Ánh, những điều đó dường như còn chưa đủ để thỏa niềm đam mê dành cho cây đàn tranh. Những chuyến lưu diễn qua hơn 20 quốc gia đã giúp chị nhận ra sức mạnh cũng như hạn chế của đàn tranh khi hòa điệu cùng những nhạc cụ khác. Ánh bảo: “Đàn tranh VN là một nhạc cụ mạnh, có thể thể hiện đa dạng những sắc thái tình cảm của người Việt, nhưng nó cũng có hạn chế là rất hay bị lạc dây. Khi chơi chung với dàn nhạc rock chẳng hạn thì sau 1-2 bài là đã lạc dây mất rồi”. Nhược điểm này đã thôi thúc chị quay về VN tìm nghệ nhân đóng đàn Phùng Tân Tuyên nghiên cứu việc sửa cây đàn như mình muốn.

Đến với buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển đàn tranh” sáng 30-10, Vân Ánh mang theo một cây đàn tặng CLB Tiếng hát quê hương. Cây đàn có vẻ ngoài không khác biệt gì mấy so với những sản phẩm đang bày bán trên thị trường, cũng không khác biệt về thanh âm. Những chỉnh sửa chỉ nằm trên độ cong của mặt đàn, chất liệu làm dây, vị trí con nhạn... Chị nói: “Giờ thì tôi đã có thể yên tâm mang đàn tranh ra chơi rock, jazz mà không lo về độ vững của đàn hay tình trạng lạc dây nữa”.

Xa quê hương, sau những buổi diễn Ánh vẫn dành thời gian đào tạo cho thiếu nhi con em các gia đình Việt kiều và cả người nước ngoài. Bằng cách đó chị hi vọng sẽ có nhiều hơn những người hiểu và yêu đàn tranh VN, để cây đàn có được vị thế xứng đáng trong số các nhạc cụ của thế giới. Hơn 80 em đăng ký học (con số mà NSƯT Phạm Thúy Hoan gọi là “mơ ước”) nhưng Vân Ánh chỉ có thể dạy cho 30 em vì không có nhiều thời gian. Điều quan trọng hơn, theo Vân Ánh: “Phải chọn được những em thật sự đam mê mới mong các em sống chết với cây đàn”.

Chuyến về nước lần này, nghệ sĩ Võ Vân Ánh lại bận rộn với đàn tranh. Sau buổi biểu diễn tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, tối 31-10 Vân Ánh tiếp tục biểu diễn trong buổi sinh hoạt nghệ thuật tại tư gia GS Trần Văn Khê. Đêm 2-11, Vân Ánh sẽ có mặt tại Hà Nội để tham gia biểu diễn trong chương trình Là người con đất Việt - đêm nhạc hướng về miền Trung tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi về giáo dục đàn tranh cho thiếu nhi, nghệ sĩ Vân Ánh nói:

- Là trẻ em phải được vui chơi trước đã. Tuy nhiên khi học thì các em phải được học đầy đủ. Tại sao là Lý cây đa mà không phải là cây me, cây ổi? Bởi vì cây đa đầu làng gắn liền với đời sống tinh thần của người VN. Hội hè cũng tập trung ở cây đa. Chia tay dưới bóng cây đa. Chú Cuội cũng ngồi dưới gốc đa... Khi hiểu được những điều đó, trẻ em sẽ thêm quý tác phẩm và quan trọng là hiểu hơn về văn hóa VN. Trò chuyện với các giảng viên đàn tranh, tôi cũng đề nghị họ nên mở rộng bài học theo hướng này, bởi trẻ em hôm nay sẽ khó mà yêu những bài bản cũ của cả trăm năm trước nếu không hiểu được cái nền văn hóa tạo sinh ra chúng.

* Ba tiết mục của chị trong đêm Hội ngộ đàn tranh mang nhiều màu sắc của world music. Chị không ngại bị phê bình là bỏ quên âm nhạc truyền thống tinh tuyền?

- Tôi theo hướng kết hợp âm nhạc, sẵn sàng mang đàn tranh phối hợp với rock, với jazz để thế giới biết đàn tranh, thích đàn tranh đã, rồi họ có thể tìm hiểu sâu hơn về đàn tranh, nhạc dân tộc VN. Như GS Trần Văn Khê đã nói: tất cả phải dựa trên cái nền dân tộc và phải phát xuất từ tâm hồn mình. Khi chơi đàn, tôi mang theo mình hồn nhạc Việt và mọi biến hóa đều trên tinh thần đó. Nếu không có hồn nhạc Việt, tâm hồn Việt thì cây đàn tranh sẽ trở nên lạc lõng. Đó không phải là mong muốn của tôi và chắc chắn cũng không phải mong muốn của những ai nặng lòng với nhạc dân tộc.

PHẠM THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên