Phóng to |
Nhà bia ở đền Cẩu Nhi |
Ông Phạm Quang Long, GĐ Sở VH-TT, cho biết: Sở vẫn đồng ý với việc xây dựng đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch theo đúng quy trình và Luật Di sản. Vấn đề còn lại chỉ là quy mô xây dựng sẽ được điều chỉnh.
Có thể tóm tắt như sau: vụ việc bắt đầu từ năm 2002 - khi người dân phường Trúc Bạch tha thiết đệ đơn lên TP xin phép được xây dựng lại đền thờ Chó Con thì xảy ra 2 luồng dư luận trái chiều.
Luồng phản đối, đại diện là PGS. TS Đỗ Văn Ninh và nhà sử học Bùi Thiết cho rằng: đền Cẩu Nhi là một sự bịa đặt lịch sử, và sách Tây Hồ chí (cuốn sách ghi chép tỷ mỉ sự tích đền thờ Chó gắn với việc định đô Thăng Long) là không đáng tin cậy.
Luồng ủng hộ dự án cũng đưa ra không ít lý lẽ - mà đây lại là ý kiến của một số khá đông nhà khoa học với những người tên tuổi như GS. Phan Huy Lê, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, PGS. Lê Văn Lan, PGS. TS Phan Khanh, PGS. TS Trần Lâm Biền…
Người Việt có tục thờ chó?
Về sự tích Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi. Các sách Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử lược, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép sự kiện Lý Công Uẩn ra đời vào năm Giáp Tuất - gắn với sự tích con chó trắng, trên lưng mọc lông đen…
Có thể đồng tình với ý kiến của GS Phan Huy Lê rằng, trong lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia đều có một lớp “sương mù” huyền thoại, huyền tích, dã sử, truyền thuyết bao phủ - mà cái lõi của chúng không phải là không có ít nhiều sự thật. Như vậy sự tích con chó trắng là có liên quan đến nhà vua Lý Công Uẩn.
Mặt khác, GS Phan Huy Lê - người trực tiếp dịch Đại Việt sử ký Toàn thư, lại nói rằng chính ông đã tìm thấy chữ “bến Thần Cẩu” và rằng chuyện thờ Chó đã có ở người Việt ít nhất từ năm 1254 (đời Lý)! Nhưng vì người Việt có tín ngưỡng đa thần giáo, tôn thờ thuyết vạn vật hữu linh nên trải qua nhiều biến động, totem thờ Chó bị phai nhạt. Kết quả là trên cái đền ở giữa hồ Trúc Bạch đã có 3 lớp thờ chồng chéo lên nhau: lớp thờ Chó - thờ Mẫu Thoải và thờ Cá.
Có điều, cái phản cảm trong chuyện này (một ngày không xa, chó sẽ được đặt lên bàn để rồi thiên hạ tứ phương tấp nập tới lui quỳ lạy) có lẽ nằm ở góc độ tâm lý chứ không phải khoa học!
Nếu cái đền trên hồ Trúc Bạch nay mai không thờ Chó mà thờ Mẫu, thờ Cá, thờ Rồng hay thờ bất cứ con vật “sạch sẽ” nào thì có lẽ đã không có sự phản đối kịch liệt của hai ông Đỗ Văn Ninh và Bùi Thiết!
Thế nhưng, nếu người Việt thực sự đã có tín ngưỡng thờ Chó thì sao? Vả lại, theo PGS. TS Kiều Thu Hoạch (Hội Văn nghệ dân gian VN) và PGS. TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa), chó đá đã được thờ như thành hoàng ở làng Địch Vĩ (huyện Đan Phượng, Hà Tây). Mà theo chúng tôi, thờ Chó có lẽ cũng không có gì xấu khi mà người Việt cổ đã không những thờ Thiện thần mà còn thờ ác thần (Rắn, Hổ …).
Cuối cùng, đền Cẩu Nhi có phải đã từng được xây giữa hồ Trúc Bạch hay không và nếu nó đã từng có thì tại sao lại không xuất hiện trong bản đồ Hà Nội năm 1873?
Nhà sử học Lê Cường cũng giải thích rằng bản đồ năm 1873 thể hiện tất cả các mặt: hành chính, kinh tế, giao thông, quân sự, văn hóa, các cửa ô (chứ không chuyên về di tích)… Bởi vậy, đền Cẩu Nhi có thể đã “lọt lưới”!
Và nếu cứ quyết xây thì sao?
Tất nhiên, trong khoa học không thể có sự đồng thuận 100%. Nhưng nếu sự thật là tổ tiên chúng ta từng có tín ngưỡng thờ Chó thì tại sao lại không thể khôi phục một tín ngưỡng... mà nhiều người cho rằng “cũng rất hay” đó nhỉ? Thận trọng trong việc nhìn nhận một vấn đề “nhạy cảm” như xây dựng lại đền Cẩu Nhi là cần thiết. Nhưng thận trọng không có nghĩa là quá dè dặt.
Thật ra, sự cố đền Cẩu Nhi còn thể hiện mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa - ở đây là bảo tồn một tín ngưỡng nguyên thủy (nếu như nó có thật) với việc phát huy, với làm kinh tế. Mà đã nói đến chuyện kinh tế thì lâu nay không ít người ngoài cuộc vẫn băn khoăn: liệu xây cái đền ấy, người trong cuộc được “chia chác” bao nhiêu phần trăm?
Là người khẳng khái, PGS. TS Đỗ Văn Ninh không phải không có lý khi xót xa nhìn số tiền 3 tỷ đồng bỏ ra để xây dựng đền thờ Cẩu Nhi. Dù là tiền huy động của dân, thì đây cũng là sự phí phạm trong khi dân ta đang còn nghèo.
Và rồi ông Ninh đã vẽ ra viễn cảnh không mấy sáng sủa khi đền xây xong, dân Hà Nội và tứ phương tất sẽ lũ lượt kéo về đèn nhang khấn vái cầu xin Chó Con ban phúc lộc. Hàng hương nến vàng mã sẽ ngồi kín con đường Cổ Ngư. Thầy viết sớ, đoán thẻ sẽ tới hành nghề. Theo đó hàng ăn uống sẽ mọc lên chi chít. Công an sẽ phải tăng thêm biên chế để giữ gìn trật tự…
Do vậy, trong tình trạng một số nơi đua nhau xây chùa giả, đền giả để kiếm lời thì chúng ta càng không nên dựng hẳn một ngôi đền đồ sộ - vừa tránh việc bày vẽ tốn kém không cần thiết lại vừa tránh được “điều ong tiếng ve”. Mà nên chăng chỉ phục dựng một cái miếu nhỏ để nhắc nhở người ta rằng tộc người Việt “đã có một tín ngưỡng rất hay là thờ Chó”!
Đã có hơn một vụ việc tương tự đền Cẩu NhiTừ sự cố đền Cẩu Nhi: 4 bài học trong ứng xử với di tích!Di tích đền Cẩu Nhi: Nên sớm có một hội thảo khoa họcDự án tu bổ đền Cẩu Nhi (Hà Nội): Cần làm rõ giá trị lịch sử (Sài Gòn Giải Phóng)Tranh luận tiếp về đền Cẩu Nhi (VietNamNet)Các nhà khoa học tranh cãi kịch liệt về đền Cẩu Nhi (VietNamnet)Đền Cẩu nhi là một sự bịa đặt lịch sử...? (VietNamNet)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận