25/06/2014 00:00 GMT+7

Vừa cuốc vừa cào đình cổ!

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Trùng tu di tích nhưng đơn vị thi công lại dùng cuốc, xẻng để đập dỡ mái ngói đình, và những nét chạm khắc cổ xưa, những linh vật tinh xảo trên mái đình đều bị phá nát.

HPONGsb6.jpg
Cả mái ngói đình Tiên Hường bị rơi xuống đổ nát ngổn ngang dưới chân đình - Ảnh: V.V.Tuân

Đó là thực trạng ở di tích cấp quốc gia đình Tiên Hường (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Sai quy trình

Trao đổi về chuyện “trùng tu” ở đình Tiên Hường, ông Kim Văn Ngoan Quýnh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc - công nhận việc đơn vị thi công dùng cuốc, xẻng tháo dỡ mái ngói hàng loạt như vậy là sai quy trình. “Hiện chúng tôi đang soạn văn bản để báo cáo Bộ VH-TT&DL về việc này” - ông Quýnh nói.

Thị trấn Hương Canh từ lâu đã nổi tiếng với cụm đình di tích Tam Canh gồm đình Tiên Canh (Tiên Hường) - Hương Canh - Ngọc Canh. Cả ba ngôi đình này đều được xây dựng từ thời Lê Cảnh Hưng (1776), là nơi thờ sáu vị thành hoàng làng (lục vị thành hoàng). Trong đó có Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn (hai con trai của vua Ngô Quyền) và tướng Đỗ Cảnh Thạc đã có công trong trận chiến đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Đình Tiên Hường đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1984.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, mưa nắng, cụm di tích này đã xuống cấp và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo. Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc là chủ đầu tư. Đình Tiên Hường là di tích được trùng tu sau cùng.

Ông Nguyễn Xuân Tiếp - phó ban quản lý di tích đình Tiên Hường - cho biết đơn vị thi công bắt đầu trùng tu từ ngày 5-6-2014. Tuy nhiên, theo phản ảnh của anh T.N.Đ. - một người dân ở đó, đơn vị thi công này làm quá cẩu thả ngay từ những ngày đầu tiên. Anh T.N.Đ. cho biết để tháo dỡ mái đình, thay vì phải dỡ từng viên ngói để xem viên nào còn dùng được thì giữ lại, viên nào mục nát quá mới bỏ đi, đơn vị thi công lại cho người dùng cuốc, xẻng lên trên nóc đình vừa cuốc, vừa cào dỡ từng loạt ngói rơi xuống vỡ tan. Anh Đ. bức xúc: “Họ không còn giữ lại chút gì cổ xưa của di tích này”.

Đến chiều 23-6, phóng viên có mặt tại đình Tiên Hường thì mái đình đã được dỡ xong, nhưng những “dấu tích” của việc dùng cuốc xẻng cuốc phá mái đình vẫn còn đó. Dưới chân đình ngổn ngang gạch ngói, vôi vữa vỡ vụn. Trong và ngoài đình đều chung cảnh tan hoang. Những thanh gỗ có nét chạm khắc từ xưa do không được tháo dỡ cẩn thận nên phần lớn bị gãy. Gần như toàn bộ số ngói trên mái đình bị đơn vị thi công phá hỏng, không thể dùng được nữa. Những linh vật trên mái đình làm bằng gốm đã gãy, vỡ vứt ngổn ngang ở ngay lối vào đình. Không thể nhận ra đây là một di tích cấp quốc gia đã được Nhà nước công nhận nữa. Chính ông Nguyễn Xuân Tiếp cũng thừa nhận khi đơn vị thi công lên cào mái đình xuống, ông đã không can thiệp mà còn nói “làm vậy cho nhanh”.

Có mặt tại hiện trường, anh Nguyễn Hoài Nam - người nghiên cứu mỹ thuật nhiều năm nay - tỏ ra rất bất bình: “Tôi khẳng định việc trùng tu di tích như thế này là sai nghiêm trọng, không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn phá vỡ căn cốt của di tích này. Cảm giác lúc cả mái ngói đình rơi xuống từng mảng ầm ầm không khác gì ở một công trường xây dựng. Đây là hành động đối xử quá tàn nhẫn với di tích của cha ông để lại”.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN - cho rằng việc làm của đơn vị thi công là đang phá di tích để làm mới chứ không phải là trùng tu di tích. “Đây là hành động không thể chấp nhận được. Họ không chỉ phá di tích mà còn xúc phạm tới đời sống tâm linh của cộng đồng, vì trong tiềm thức văn hóa người Việt, đình làng là nơi linh thiêng, không thể dùng cuốc, xẻng lên cào cuốc như vậy”.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên