22/06/2014 08:03 GMT+7

Hoàng Sa lên áo dài

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Bộ sưu tập (BST) áo dài Ước vọng hòa bình của nhà thiết kế Thuận Việt sẽ lần đầu được ra mắt tại Những ngày Việt Nam ở Pháp (từ ngày 23 đến 27-6) và Những ngày Việt Nam ở Bỉ (từ ngày 28-6 đến 1-7).

Khánh thành Bảo tàng áo dài ở quận 9 Bản đồ thế giới năm 1827 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc VNTrưng bày bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam

hkMa5DDO.jpg
Bộ sưu tập áo dài đẹp và có ý nghĩa về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam do nhà thiết kế Thuận Việt thực hiện sẽ lên đường đi châu Âu, trình diễn tại Ngày Việt Nam ở Pháp - Bỉ - Ảnh: Thuận Thắng

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hôm 3-6, Thuận Việt viết: “Nhiệm vụ lần này là ngoài việc giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua tà áo dài còn phải thể hiện được thông điệp mạnh mẽ về mong muốn hòa bình và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đã mấy đêm không ngủ và suy nghĩ!”. Phía dưới “status” đó là hình một tấm bản đồ cổ Việt Nam.

Đồng lòng hướng về biển đảo

Gần 300 “like” sau lo lắng của Thuận Việt và rất nhiều “comment” (chia sẻ, góp ý) bên dưới đã “mách nước” Thuận Việt hãy thực hiện một BST áo dài về biển đảo, hãy đưa những hình ảnh chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ra thế giới.

Gợi ý cùng sự ủng hộ mạnh mẽ từ bạn bè trên Facebook đã giúp Thuận Việt vững tin thực hiện những BST mới của mình.

Trong khoảng một tháng, Thuận Việt đã hoàn tất đến ba BST mới cho chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam tại châu Âu.

Những cánh hồng Lyon là tên gọi của BST đầu tiên, dành tặng những khán giả của TP Lyon, nơi diễn ra Những ngày Việt Nam tại Pháp năm nay.

BST thứ hai mang tên Duyên dáng Việt với hình ảnh “mai, lan, cúc, trúc” rất Việt Nam, được thêu bằng tay và kết hợp cùng đá Swarovski sang trọng.

“Cả hai BST này đều may bằng lụa Việt Nam và giới thiệu kỹ thuật thêu tay truyền thống, vốn là thế mạnh của áo dài Thuận Việt nên được thực hiện nhanh chóng, nhưng với BST thứ ba thì...” - Thuận Việt ngập ngừng kể.

“Uớc vọng hòa bình là ước vọng của tất cả mọi dân tộc trên thế giới. Với BST Uớc vọng hòa bình tôi muốn một lần nữa khẳng định với thế giới tình yêu hòa bình của người dân Việt Nam” - Thuận Việt nói.

Đó là lý do vì sao hai BST Những cánh hồng LyonDuyên dáng Việt đều chỉ có sáu mẫu áo cho mỗi BST, nhưng Ước vọng hòa bình có đến 12 mẫu áo gồm: sáu mẫu với hình ảnh sóng biển và chim bồ câu được vẽ bằng tay có sử dụng hiệu ứng 3D, là thể hiện rõ nhất thông điệp yêu chuộng hòa bình và bản tính hiền hòa của người dân Việt Nam, và sáu mẫu áo với hình ảnh những tấm bản đồ Việt Nam.

qn13FYSG.jpg
Nhà thiết kế Thuận Việt (giữa) với các mẫu áo dài với họa tiết bản đồ trong bộ sưu tập Ước vọng hòa bình - Ảnh: Thuận Thắng

Bản đồ kỳ ngộ!

Sáu chiếc áo dài có hình bản đồ Việt Nam được nhà thiết kế Thuận Việt chọn từ bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ của triều Nguyễn vẽ năm 1834, Atlas de toutes les Parties de Globe Terrestre, M.Bonne, Paris, Pháp (1780), Suite de L’Ocean Oriental, Pierre de Hondt, Pháp (1746), Indes Orientale, Pierre Duval, Paris, Pháp (1677) và Nouvelle Atlas Portatif, Robert de Vaugondy, Paris, Pháp (1788).

Thuận Việt cho biết những bản đồ đó cũng sẽ được in trên nón lá, quạt giấy để diễn cùng BST. Ngoài ra khi trình diễn, các người mẫu cũng sẽ diễn trên nền nhạc là các bài hát ca ngợi biển đảo quê hương cùng những hình ảnh biển đảo, bản đồ được chiếu trên màn hình sân khấu.

Tham gia biểu diễn trong ngày Việt Nam tại Pháp và Bỉ còn có NSƯT Tạ Minh Tâm, Vân Khánh, Tiêu Châu Như Quỳnh, nhóm Mặt Trời Mới cùng một số nghệ sĩ của nhà hát Bông Sen.

Thuận Việt kể: “Cái khó đầu tiên khi thực hiện những chiếc áo dài với hình ảnh bản đồ này là phải tìm được những bản đồ chuẩn xác, được công nhận. Tôi đã tìm tư liệu từ rất nhiều nguồn, Internet, thư viện, bạn bè... nhưng những ngày đầu tiên đều khá bế tắc”. Chất lượng hình ảnh trên Internet không đủ chuẩn để in lên vải, nguồn cũng khó kiểm chứng. Vào thư viện thì hình ảnh trên sách, giấy cũ cũng quá khó để chụp lại...

“Đang bối rối thì tôi đọc được thông tin về lễ ra mắt sách Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM nên đã tìm đến liền” - Thuận Việt tiếp tục câu chuyện.

Anh cũng mua sách, chụp lại hình ảnh của 94 bản đồ tư liệu được triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đợt đó nhưng vẫn... chưa vừa ý.

Theo dõi tình hình biển đảo, chủ quyền lãnh thổ trên các báo đài, Thuận Việt nhớ ra anh Trần Thắng, chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Anh Thắng là người đã tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 43 bản đồ cổ và cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919 cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không có trong bản đồ cổ Trung Quốc nhưng luôn có trong các bản đồ cổ Việt Nam.

“Qua một người bạn, tôi đã xin được email của anh Thắng và nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ anh” - Thuận Việt hào hứng khi nhắc đến duyên may của mình.

Câu đầu tiên sau khi nghe trình bày về ý tưởng thực hiện những chiếc áo dài có hình bản đồ, anh Trần Thắng thốt lên: “Ồ, Hoàng Sa lên áo dài! Hay đó chứ!”.

Anh lập tức email cho Thuận Việt hình ảnh với kích thước nhỏ của 50 bản đồ cổ Việt Nam mà anh có trong tay. Từ 50 tấm bản đồ đó, Thuận Việt đã chọn và hỏi xin anh Thắng hình ảnh kích thước lớn của những tấm bản đồ để dễ nhìn cũng như dễ canh khi in lên vải nhất.

May mắn, anh Trần Thắng lại đang có mặt tại Việt Nam và trực tiếp trao những file ảnh chất lượng cao của những tấm bản đồ cho Thuận Việt để anh thực hiện BST kèm lời nhắn gửi: “Khi nào xong cho anh chiêm ngưỡng nhé!”.

“Thời trang luôn gắn liền với các sự kiện và thời sự cuộc sống, xã hội. Chắc chắn hình ảnh biển đảo trên áo dài, trang phục sẽ không chỉ mình tôi nghĩ đến hay thực hiện. Tôi tin ý tưởng này sẽ được nhân rộng và công chúng trong nước lẫn thế giới sẽ hiểu rõ hơn về đất nước, con người và lãnh thổ Việt Nam” - nhà thiết kế đã gắn tên nước (Việt) và tên mình (Thuận) làm thương hiệu áo dài Thuận Việt hơn 10 năm qua bộc bạch khi ngắm thành quả trong tay.

uIYRVQVQ.jpgPhóng to
Thanh Hằng trong mẫu áo Ước vọng hòa bình của nhà thiết kế Thuận Việt - Ảnh: Alex Cui

Mềm mại và mạnh mẽ

Sáu người mẫu tham gia trình diễn gồm: Bắc Linh, Ninh Hoàng Ngân, Thùy Linh, Lê Thu An, Khánh Phương, Ngọc Diễm.

Nhưng người mẫu Thanh Hằng là người đầu tiên mặc trên người chiếc áo dài có họa tiết bản đồ trong bộ sưu tập Ước vọng hòa bình. Thanh Hằng chia sẻ: ”Tôi đã khoác trên người và biểu diễn rất nhiều bộ sưu tập khác nhau nhưng khi thử bộ sưu tập này tôi đặc biệt xúc động, thậm chí có chút bối rối trong khi tạo dáng để chụp ảnh. Làm sao để thể hiện được nét đẹp mềm mại của chiếc áo dài và tinh thần mạnh mẽ của bộ sưu tập. Rất tiếc tôi không có cơ hội trình diễn bộ sưu tập tại Pháp và Bỉ trong dịp này. Nhưng tôi tin rằng các đồng nghiệp của mình sẽ có phần trình diễn thật tốt. Và tôi cũng hi vọng sẽ có dịp giới thiệu và trình diễn ước vọng hòa binh trong tương lai”.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên