01/04/2014 10:40 GMT+7

Bộ tranh Tôn Thất Đào đang nguy cấp

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Những tác phẩm hiếm hoi còn lại của cố họa sĩ Tôn Thất Đào ở tư gia tại Huế đang từng ngày xuống cấp nặng nề. Nếu không kịp thời cứu vãn thì toàn bộ di sản quý giá này sẽ vĩnh viễn biến mất.

GmJpy5TQ.jpg
Một phần bộ sưu tập tranh Tôn Thất Đào đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Thái Lộc

Cố họa sĩ Tôn Thất Đào (1910-1979) tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ngôi nhà của ông ở số 53 Mạc Đĩnh Chi, TP Huế, thuộc vùng đất Gia Hội văn hóa trầm tích nhưng rất ẩm thấp do lụt lội thường xuyên.

Nguy cấp

Ngôi nhà rường ẩm thấp ấy là nơi ở của gia đình con trai trưởng Tôn Thất Lục. Hàng chục bức tranh của Tôn Thất Đào treo khắp tường, nhiều nhất là ở phòng khách, bên cạnh còn có khá nhiều tranh của học trò ông. Đáng chú ý nhất bốn bức tranh lụa của Tôn Thất Đào gồm: Sông Hương - núi Ngự (tạm đặt tên), Chân dung cụ già (1946), Vườn xuân (4-1955), Phong cảnh thôn quê (1965). Cạnh đó là hai bức tranh vẽ bằng sơn dầu trên giấy cactông theo lối trang trí và một tượng tròn chân dung bằng thạch cao. Trong số hàng chục tác phẩm sơn dầu, có những bức được vẽ khá sớm và điển hình cho hội họa của Tôn Thất Đào như: Sân chầu lăng Tự Đức (1939), Phong cảnh lăng Minh Mạng (1940), Kinh thành Huế (1940), Nhà thủy tạ lăng Tự Đức (1942), Vạn đò (1951), Phong cảnh làng quê (15-7-1952), Ba chị em (1952), Tĩnh vật hoa (1953), Phong cảnh lăng Minh Mạng (1957)...

Phần lớn tranh đã không còn nguyên vẹn. Theo đánh giá của họa sĩ Võ Xuân Huy (Trường đại học Nghệ thuật Huế), bốn bức tranh lụa hiếm hoi còn lại của Tôn Thất Đào chỉ cần một tác động vào là sẽ hỏng ngay. Đối với tranh sơn dầu, khoảng 70% đang bị mục nát, thoái hóa, xuống màu, bạc phếch, thậm chí có bức màu chảy thành dòng theo nước mưa... “Bộ tranh này đang ở mức độ cực kỳ nguy cấp. Với lượng độ ẩm cao và cách bảo quản kém như thế này thì chỉ hai năm nữa, tôi e rằng di sản của thầy Đào chẳng còn gì nữa!” - họa sĩ Võ Xuân Huy nói.

Gia đình không kham nổi

Bà Trần Thị Liên Phương - con dâu trưởng - cho biết hằng năm bà đều có đem tranh ra phơi. Lựa ngày nắng vừa phải, bà đưa ra hiên, lật úp tranh lại trong vài chục phút rồi lại đưa tranh vào. Cách làm này do một người quen bày cho và bà không còn nhớ người đó là ai. “Có mấy bức thỉnh thoảng cứ rớt ra một mảng màu, rồi mục ra mà tui không biết làm cách chi để bảo vệ được!” - bà Phương cho biết.

Trông qua sự ngổn ngang, xuống cấp của bộ sưu tập tranh quý mà nhiều người không khỏi tiếc rẻ. Tuy nhiên, nếu biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình họa sĩ, bộ tranh được giữ được đến giờ này đã là một nỗ lực lớn. Ông Tôn Thất Lục, con trai họa sĩ, bị tai biến từ năm 1999, kèm theo nhiều căn bệnh nặng khác, nằm liệt một chỗ. Bà Liên, với vẻ khắc khổ và âu lo, nhưng không muốn đề cập đến những nỗi khó khăn của gia đình. Bà chỉ cho biết khu vườn nhà và bộ tranh của cố họa sĩ là tài sản chung, không được quyền bán và cũng không muốn bán, dù họ đang rất khó khăn.

Nhà nước chỉ biết khuyên giữ gìn

Họa sĩ Phan Thanh Bình, hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, cho biết rất “nặng lòng” với tình trạng xuống cấp của bộ tranh này. Theo ông Bình, tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào có thể được xem là di sản văn hóa Huế. “Dù rất mong muốn, nhưng nằm ngoài quy định chung nên trường không thể đủ điều kiện bảo toàn cho bộ tác phẩm quý ấy. Chúng tôi nhiều lần đề xuất với cơ quan có chức năng nhưng sự quan tâm cũng chưa đến nơi đến chốn, rất đáng tiếc. Tôi cho rằng nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế xem đây là một địa chỉ văn hóa, một tài sản văn hóa của Huế thì tình hình sẽ khác!”.

Ông Phan Văn Thảo, phó phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế, cho hay năm 2012, sở có về xem tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào để có kế hoạch hỗ trợ. Ông Thảo nói ban đầu sở cũng có ý định hỗ trợ phục hồi bộ tranh, nhưng do không tìm ra người chuyên môn trong lĩnh vực này, lại không có kinh phí, nên chưa làm được. “Sở cũng thấy có trách nhiệm, cũng rất trân trọng với bộ tranh này, song chính sách thì không thể dành cho mỗi tác giả một chính sách riêng. Vì như vậy sẽ rất khó, còn nhiều tác giả khác nữa thì sao. Do đó, sự việc mới đang dừng lại ở mức đề nghị gia đình có ý thức gìn giữ, không nên treo những chỗ ẩm” - ông Thảo nói.

Họa sĩ tranh lụa

“Ông Tôn Thất Đào thuộc thế hệ đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương, là một họa sĩ vững về nghề, có đóng góp lớn trong việc đào tạo các thế hệ họa sĩ kế cận. Ông để lại nhiều tác phẩm tranh lụa có giá trị trong nền mỹ thuật VN được nhiều người biết đến. Tiếc là nhiều tác phẩm tranh lụa thuộc hàng có giá trị cao ấy không còn được lưu giữ trên đất nước VN”

Họa sĩ ĐẶNG MẬU TỰU (ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ thuật VN)

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên