Phóng to |
Các diễn viên trên sân khấu tại tàu HQ996 trong sóng gió cấp 6 của chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Hát cùng DK1 thân yêu” do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Quân chủng hải quân thực hiện - Ảnh: Minh Thùy |
Để có được ba giờ giao lưu trên sóng, trước đó là sự chuẩn bị ráo riết trong vòng một tháng, là hơn 130 cán bộ nhân viên, văn nghệ sĩ theo tàu HQ996 lênh đênh trên biển một tuần với hơn 30 tấn thiết bị phục vụ nối sóng trực tiếp từ 17g-20g.
Chọn thời điểm đi làm cầu truyền hình tại nhà giàn giữa mùa biển lặng, nhưng ngày thứ ba của hải trình thì đoàn gặp ngay trận gió mùa đông bắc. Biển nổi sóng cồn. Xuồng đưa người từ tàu HQ996 qua nhà giàn bị nước tạt ướt hết. Nghệ sĩ hài Hoàng Sơn chậc lưỡi: “Mấy lần cái xuồng chở mình tưởng bị lật luôn chớ! Ghê thiệt!”. Đến nơi nhưng gần 50 con người phải... đu dây lên nhà.
Dông phủ trong mùa “bà già đi biển”
Cột sóng cao đến 2m phủ qua sàn của nhà giàn. Nhóm kỹ thuật lắp máy bị nước tạt ướt sũng. Tàu không ngừng lắc, ca sĩ, diễn viên nằm bẹp vì say sóng. Phương án cuối cùng là chỉ để hai tiết mục ca nhạc và phần giao lưu tại tàu, số còn lại và 10 tấn thiết bị nữa tiếp tục lên nhà giàn.
Vậy là từ kịch bản đến hậu đài, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng đều phải xử lý lại. Ngoài điện thoại có thể gọi vào bờ, còn tất cả các phương tiện liên lạc khác đều bị tê liệt. Không thể lên mạng để nhận kịch bản đã sửa qua thư điện tử, BTV Minh Bảo nhịn cơm trưa để sửa 30 trang kịch bản qua... điện thoại. Tất cả tập trung kéo thiết bị và người lên nhà.
Có lẽ, qua hai ngày trải nghiệm với sóng gió, dông tố ai cũng thấy được sự nguy hiểm khi làm việc trong điều kiện bất trắc thường trực. Càng gần đến giờ lên sóng mọi việc càng khẩn trương và hồi hộp.
Thật may khi thông cầu trời nắng đẹp. Câu chuyện về những người lính nhà giàn can trường được kể từ các điểm cầu khiến mọi người nghẹn vì xúc động. Bác Năm Chiêu, ngư dân đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gạt nước mắt khi xem câu chuyện về những liệt sĩ ở nhà giàn Phúc Nguyên và cuộc hội ngộ đầy nhân văn của những người thân và đồng đội của các anh. Bác Chiêu nói: “Tôi đánh cá ở đây cả chục năm rồi mà chưa nghe câu chuyện này. Bình thường mỗi chuyến ra khơi tụi tôi vẫn lên nhà giàn thăm hỏi các anh lính biển rồi xin nước, xin thuốc khi cần. Thấy mấy anh tốt bụng tụi tôi quý mến, chứ không ngờ ở đây đã từng có những người lính đã xả thân như vậy”.
Khi câu chuyện được chuyển qua điểm cầu tại tàu HQ996, nhiều ngư dân quen với sóng dữ đã tròn mắt, rỉ tai nhau về sự chao đảo của sân khấu. Nhiều người xúc động khi thấy ca sĩ Nguyễn Phi Hùng phải “đứng tấn” để giữ thăng bằng và làm điểm tựa cho ca sĩ Hạnh Nguyên cùng hát không bị gió giật ngã.
Chương trình vừa kết thúc, đạo diễn truyền hình Hoàng Thơi ào ra sân khấu nắm tay bất cứ người nào anh gặp, lắc lắc, mắt anh hoe đỏ: “Dạ cảm ơn, cảm ơn rất nhiều, cảm ơn mọi người đã hỗ trợ để chương trình được thành công!”.
Thoát chết trong tích tắc
Sáng hôm sau, theo kế hoạch cả đoàn xuống tàu về đất liền nhưng mọi phương án đều không thể thực hiện. Đến trưa, một chiếc ghe cá Khánh Hòa vào hỗ trợ nhưng mọi người phải xuống ghe bằng cách... bám theo dây bơi ra. Một ngư dân làm mẫu thị phạm. Khi chàng trai này bơi ra đến ghe cá thì nhảy đến lần thứ năm và hai người trên ghe cố gắng mãi mới kéo lên được. Cách này lập tức phải hủy bởi quá nguy hiểm. Đoàn đành ở lại chờ sóng yên. Gần 70 người ở lại trên nhà giàn dù có dự trữ thì nước và lương thực cũng cạn. Lại một đêm căng óc tìm cách đưa người và hơn 20 tấn thiết bị xuống tàu.
Bình minh lên, thượng úy Trần Văn Sang, người chỉ huy điều khiển dây đu chuyển người xuống xuồng, không ngừng hô lớn: Kéo! Ngưng! Thả dây! Một hàng lính dọc hành lang răm rắp thực hiện. Cứ như thế, 61 người (phải để lại ba người về sau cùng thiết bị) xuống được xuồng an toàn dù có vài người bị nhúng nước. Quãng đường từ nhà giàn tới tàu chỉ khoảng nửa hải lý nhưng chuyến xuồng nào cũng có vài người bị ói. Kịch tính lại xảy ra khi chuyến xuồng thứ ba cập mạn tàu, sóng dồn lên, MC Việt Anh bước lên thang liền bị tuột xuống biển. Cả tàu nín thở. Rất may cô bám được vào hai nấc cuối của thang. Anh Vĩnh, chính trị viên tàu HQ996, nhào xuống đỡ cô lên, đồng thời nhóm dưới xuồng dùng hết sức bình sinh đẩy xuồng ra khỏi thân tàu. Việt Anh an toàn trong gang tấc.
Căng thẳng hơn khi chuyến xuồng cuối cùng chở theo BTV Minh Bảo... bất tỉnh. Sóng càng lúc càng lớn, trên tàu nhiều tiếng la “Cố lên Bảo ơi!”, “Đến nơi rồi Bảo ơi!”... nhưng anh vẫn không nhúc nhích. Nhiều phương án được triển khai cấp kỳ như quăng dây, lựa sóng, buộc dây vào người kéo lên..., những người lính biển đã hợp đồng tác chiến để sóng vừa lên, dưới đẩy, trên đón ở khoang cửa rộng chưa tới 1m và đưa được Bảo lên tàu. Nhiều giọt nước mắt đã bật ra ở mạn phải của tàu. Nhiều cái ôm siết chặt vì mừng vui, vì hạnh phúc khi đã “giành giật” với sóng dữ sinh mạng đồng đội của mình.
Hơn một ngày sau khi tỉnh lại, Bảo đã viết trên trang Facebook của mình: “DK1/15 - Phúc Nguyên 2, nơi để lại thật nhiều ấn tượng. Mồ hôi, nước mắt, và suýt nữa là cả mạng sống của mình. Nhưng vẫn thương lắm nơi này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận