Nhiều tốp bạn trẻ nhễ nhại mồ hôi với hai tay hai túi sách. Có không ít các nhóm bạn nữ ngồi bệt trên bãi cỏ ăn bánh mì để buổi chiều tiếp tục lê la ở hội sách. Nhìn ở đâu cũng thấy những gương mặt trẻ tuổi đôi mươi.
Trẻ nên không ngại đông, ngại nóng, ngại mệt. Vì với họ, đã có một niềm vui lớn bù lại: mua sách giá rẻ, “săn” chữ ký của các tác giả mình yêu thích. Đâu dễ gì có dịp để tất cả những đầu sách mới nhất, hay nhất, khó tìm nhất... cùng tụ hội về một địa điểm cho người đọc tha hồ chọn lựa.
Mặc cho những ai đó dự báo sách sẽ “chết” vì mạng, nhưng đã qua tám kỳ hội sách, lần sau luôn đông hơn lần trước. Và đặc biệt, chính những người trong cuộc của hội sách nhận định: lượng người trẻ càng áp đảo. Trong những câu chuyện bên bàn cà phê, tác giả trẻ Hồ Huy Sơn lý giải vì sách cho đối tượng bạn đọc tuổi teen, bạn đọc tuổi 20-30 ngày càng nhiều. Đó có lẽ là một lý do, vì riêng ở hội sách lần này đã có đến hàng chục tác phẩm mới của người trẻ viết cho người trẻ cùng trình làng. Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những tác giả “nối dài” những dòng người xin chữ ký cũng là tác giả 8X. Khoan nói đến chất lượng của các tác phẩm 8X, không thể phủ nhận sức hút của một số tác giả trẻ như Anh Khang, Iris Cao khi sách của họ nằm trong top 5 cuốn sách bán chạy nhất. Tuy nhiên, vẫn khó kể ra một tác phẩm của thế hệ 8X nào thuyết phục người đọc nói chung. Theo ghi nhận ở các quầy doanh thu, lượng bạn đọc trẻ tìm mua sách ngôn tình của Trung Quốc bên cạnh một số đầu sách “nội địa” bán chạy cũng không phải là ít.
Nhưng dù người trẻ đọc sách gì, sự đông đúc của một hội sách...ngày càng “trẻ ra” đã là một tín hiệu lạc quan cho văn hóa đọc, như chia sẻ của nhà văn Đinh Lê Vũ, vừa bay từ Đà Nẵng vào để vừa “đi hội” vừa gặp gỡ bạn bè: “Có những sự kiện như thế này mới biết người đọc quan tâm đến sách ở mức độ nào. Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ ở các thành phố khác cũng ham đọc mà chưa có nhiều kênh để tiếp xúc với sách. Nhìn hội sách ở đây mà mong mỏi hội sách được nhân rộng ra ở các thành phố lớn khác”.
Nói về thành công của hội sách, cũng không thể không nói đến nỗ lực lớn của hơn 150 nhà xuất bản, công ty sách, nhà sách tham gia hội. Một đơn vị lần đầu tham gia hội sách dù bán sách không ngơi tay vẫn thừa nhận là lỗ, vì chi phí bỏ ra quá nhiều, riêng phí thuê mặt bằng đã gần 70 triệu đồng cho 36m², sách lại bán giảm giá, “coi như bỏ cả trăm triệu đồng ra làm thương hiệu”. Vậy mới thấy, không chỉ sách được nâng giá trị (không phải giá sách) khi “vào hội”, mà người đọc đã cùng có một lễ hội để trở thành... “thượng đế”. Và mỗi sự có mặt của mỗi người tìm đến với sách đã góp phần tôn vinh sách, làm nên thành công của hội sách.
Trưa 29-3, một bạn trẻ tuổi 20 người Đồng Tháp đang mưu sinh ở Sài Gòn đã ghé vào hội sách để mua một cuốn sách giá 10.000 đồng. Tên cuốn sách cũng là ước mơ của một người đã bỏ học sớm và đang tay trắng khởi nghiệp: Làm thế nào để trở thành tỉ phú. Bạn ngồi nâng niu cuốn sách và tỉ mẩn ghi lời đề... cho trang đầu, như một kỷ niệm với hội sách.
Cảm ơn hội sách đã mang sách đến cho những người đọc ở mọi thành phần như thế. Và cảm ơn tất cả những người đã không quay lưng với sách, để hội sách luôn là điểm hẹn của niềm vui...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận