18/03/2014 13:55 GMT+7

Đờn ca tài tử: Có hiểu thì mới yêu

 QUỲNH NGUYỄN
 QUỲNH NGUYỄN

TTO - Rất đông độc giả đã đến với chuyên đề Đờn ca tài tử và cải lương - Tương đồng và khác biệt do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 18-3 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.PN).

Tìm hiểu về tài tử và cải lương tại báo Tuổi Trẻ

Dù 9g chương trình mới bắt đầu nhưng từ 8g30 đã có nhiều độc giả, khán thính giả có mặt tại tòa soạn.

Đọc giả Hồng Minh (45 tuổi, ngụ P.5, Q.3) cho hay cô đã chờ đợi một chuyên đề như thế này từ rất lâu rồi bởi bản thân cô cũng yêu thích đờn ca tài tử, cải lương, vọng cổ nhưng lại không hiểu lắm sự khác biệt giữa những loại hình nghệ thuật này.

"Tôi rất muốn dắt con gái theo nhưng kẹt nỗi hôm nay là ngày cháu đi học" - cô Minh tiếc nuối. Nhưng cô cũng đã vui vẻ giơ cao chiếc "điện thoại thông minh" và cho biết sẽ ghi âm, chụp ảnh, thậm chí ghi hình lại buổi nói chuyện chuyên đề này về cho con gái xem.

Đờn ca tài tử qua màn hình "điện thoại thông minh"

Đến dự chuyên đề cùng chiếc điện thoại thông minh hay một máy tính bảng, máy chụp hình là "hiện tượng" trong buổi nói chuyện chuyên đề Đờn ca tài tử và cải lương - Tương đồng và khác biệt sáng nay.

Những "trợ thủ đắc lực" là thiết bị di động, ghi âm, ghi hình nhỏ bé trên tay những bạn trẻ sành điệu hay những khán thính giả "tóc muối tiêu" liên tục được giơ lên cao, làm việc không ngừng. Các "trợ thủ đắc lực" đó thi thoảng được nghỉ ngơi khi chủ nhân của nó bận... vỗ tay sau những phần giảng giải, trình diễn của giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, ban nhạc đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TP, của các tài tử ca và các nghệ sĩ cải lương.

Giáo sư Trần Văn Khê đã hơn 90 tuổi vẫn vô cùng sống động và hoạt bát khi nói về đờn ca tài tử. Ông cũng rất "ý nhị" khi gửi lời chào đến mọi người, đặc biệt là "thân mến chào các thanh niên" - thế hệ mà ông rất kỳ vọng sẽ tìm hiểu để thêm yêu, thêm thương đờn ca tài tử.

Theo giáo sư Trần Văn Khê, đờn ca tài tử là loại hình giải trí của người dân đất Việt. Tài tử không có nghĩa là nghiệp dư mà là những người có tài đờn ca cùng chơi với nhau. Đờn ca tài tử không mang nhiều tính trình diễn hay thương mại.

Trong khi đó, cải lương được phát triển từ đờn ca tài tử, mang tính biểu diễn nhiều hơn và đòi hỏi phải có sân khấu cùng nhiều yếu tố khác như phục trang, hóa trang... Nếu đờn ca tài tử, lắng nghe câu ca tiếng đờn là quan trọng thì cải lương phần diễn xuất sẽ là quan trọng. Vậy nên mới có câu "coi cải lương, nghe đờn ca tài tử".

Sức sống đờn ca tài tử

Buổi nói chuyện chuyên đề kéo dài đến gần 12g, lâu hơn dự kiến đến một tiếng đồng hồ nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi về sự khác nhau giữa các nhạc cụ, sự có mặt hay thiếu vắng của một nhạc cụ nào đó trong dàn nhạc đờn ca tài tử hiện tại, những phương thức khác nhau để tiếp cận và phát triển đờn ca tài tử...

Ban tổ chức chương trình đành phải xin lỗi bạn đọc và người hâm mộ, hẹn vào một dịp khác cho những chuyên đề khác của đờn ca tài tử vì giáo sư Trần Văn Khê và các nghệ nhân đờn ca tài tử sẽ có một cuộc họp khác vào chiều cùng ngày.

Sau những lý giải của giáo sư Trần Văn Khê, thạc sĩ - nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, thạc sĩ Huỳnh Khải cùng phần biểu diễn ăn ý, đầy tính ngẫu hứng của các nghệ nhân đờn ca tài tử, của NSƯT Thanh Sang, Linh Huyền... khán thính giả cũng đã đặt rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề làm sao để có thể bảo tồn bộ môn nghệ thuật rất độc đáo của Nam bộ, Việt Nam và nay đã là "di sản của thế giới" này.

Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng để bảo tồn và phát triển bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng cần phải có tình thương. Để thương, trước tiên phải hiểu, hiểu rồi mới thương, mới sống đời với nó được. Vậy nên, theo ông, nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ các nghệ nhân đờn ca tài tử để họ có thể sống vui, sống khỏe với kiến thức và tay nghề của mình.

Đừng để một "tài tử" phải bôn ba buôn bán, phải bươn chải đủ nghề mà mai một đi cái tài đờn ca. Các nghệ nhân ngoài việc có thể làm nghề cũng cần có nơi truyền nghề. Và người học nghề này cũng cần tạo điều kiện để có đất dụng võ.

"Trước đây, có thể vì chiến tranh, vì nỗi lo cơm áo, đờn ca tài tử đã dần mai một trong đời sống thường ngày. Giờ đây, mong là kinh tế đừng làm người ta thêm rời xa đờn ca tài tử" - giáo sư nói.

Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê cũng thể hiện nỗi buồn khi giới trẻ ngày nay sẵn sàng bỏ tiền triệu ra để xem các buổi trình diễn ca nhạc mà đôi khi ca sĩ chỉ là hát nhép, hoặc nghe nhạc nước ngoài chứ không tìm đến các sân khấu đờn ca tài tử.

"Những buổi diễn đờn ca tài tử thường phát 600 vé mời miễn phí nhưng người dự chỉ tầm 200 người, 400 vé còn lại bị cho vào sọt rác" - giáo sư đau xót cho hay. Tuy nhiên ông cũng như các đồng nghiệp, học trò của mình vẫn miệt mài phổ biến và biểu diễn đờn ca tài tử mỗi khi có cơ hội với niềm tin mạnh mẽ là mọi người sẽ thích thú nếu một lần được nghe qua.

Với những ý kiến cho rằng ngày nay người ta không thích đờn ca tài tử mà chỉ thích cải lương hay vọng cổ mà thôi, thạc sĩ Huỳnh Khải "bật mí": câu lạc bộ đờn ca tài tử đầu tiên được thành lập ở Bến Tre vào năm 1985. Đến nay đã có hơn 2.000 CLB đờn ca tài tử trên khắp 21 tỉnh thành của Nam bộ. Bấy nhiêu cũng đủ chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này.

Theo yêu cầu của khán thính giả, thạc sĩ Huỳnh Khải cũng chia sẻ một số địa chỉ uy tín cho những ai muốn tìm hiểu đờn ca tài tử: CLB đờn ca tài tử ở các quận, huyện, Trung tâm Văn hóa TP.HCM, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, Nhạc viện TP...

Nghệ nhân Hoàng Tấn cũng có lớp dạy hoàn toàn miễn phí, chẳng những thế còn có phần thưởng cho những ai tham gia. Giáo sư Trần Văn Khê cũng thường có những buổi đờn ca tài tử tại nhà cho những ai yêu thích bộ môn này đến tham dự.

Trong khi đó, thạc sĩ - nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng lại thấy những tín hiệu vui từ việc các nghệ sĩ trẻ thử nghiệm các nhạc cụ dân tộc của dàn nhạc tài tử vào những phong cách thể loại âm nhạc khác như giao hưởng, jazz, rock...

Theo cô Hải Phượng, tuy các nhạc khí này được sử dụng chỉ để thêm "màu sắc" cho các tác phẩm âm nhạc đương đại nhưng để có thể chọn và đưa vào tác phẩm thì các nghệ sĩ trẻ cũng đã có tìm hiểu loại hình âm nhạc dân tộc, có chủ đích giới thiệu âm nhạc dân tộc của mình đến người nghe trẻ và người nghe trên toàn thế giới. Và như vậy cũng đã là một nỗ lực rất đáng ghi nhận!

Ông Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại chương trình: "Đờn ca tài tử không chỉ là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ mà còn của cả Việt Nam và nhân loại. Chúng tôi hi vọng rằng buổi nói chuyện chuyên đề hôm nay có thể giúp công chúng hiểu rõ hơn, sâu hơn và yêu hơn loại hình này".

Ngoài những độc giả của báo, chương trình còn thu hút được rất nhiều nhà báo đến từ Thông tấn xã Việt Nam, báo Thể Thao & Văn Hóa, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, An ninh TV... đến tham dự và đưa tin.

Ban tổ chức - trong đó có giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Hải Phượng - cũng rất bất ngờ khi có khá nhiều bạn đọc trẻ đến tham dự chương trình: học sinh, sinh viên, các trí thức trẻ và cả các thành viên của một nhóm nhạc rock.

0U2rHhyM.jpgPhóng to
GS.TS Trần Văn Khê tại buổi giao lưu Tài tử - cải lương: Sự tương đồng và khác biệt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 18-3 - Ảnh: Quang Định
epR07owm.jpgPhóng to
NS Hà Thu trình diễn Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn tại buổi giao lưu - Ảnh: Quang Định
LmEGmXmb.jpgPhóng to
NS Minh Đức trình diễn ca ra bộ Ông thần lu thể điệu Tây Thi - Ảnh: Quang Định
Bfqd0lMf.jpgPhóng to
NS Thanh Sang - Linh Huyền trình diễn Bên cầu dệt lụa - Ảnh: Quang Định
qqmMkKWs.jpgPhóng to
Đông đảo khán giả đến tham gia chương trình - Ảnh: Quang Định
BGp8DKe3.jpgPhóng to
GS.TS Trần Văn Khê ký tặng người tham gia chương trình - Ảnh: Quang Định
 QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên