08/03/2014 12:38 GMT+7

Hà Nội: 30 năm không có công trình tiêu biểu!

TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN)
TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN)

TT - Đó là ý kiến chung mà phần đông giáo sư, chuyên gia văn hóa, lịch sử đánh giá về văn hóa và con người Hà Nội trong gần 30 năm đổi mới tại hai cuộc hội thảo do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 6-3 ở Hà Nội.

Hà Nội ban hành danh mục phố cổ, làng cổ ưu tiên bảo tồn Khảo cổ không “đua” kịp công trình

yWyY89oq.jpgPhóng to
Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - một trong những mối quan tâm tại hội thảo về xây dựng và phát triển văn hóa ở thủ đô - Ảnh: Hà Hương

Hai hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển văn hóa ở thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mớiNhững vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển con người ở thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mới diễn ra trong cùng một ngày, chung một mối quan tâm và lo lắng.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều khẳng định: Hà Nội có 30 năm đổi mới đầy ấn tượng, song là ấn tượng về kinh tế chứ không ấn tượng về văn hóa và xây dựng con người. Thậm chí trong vấn đề này còn có những bước thụt lùi.

Rạp hát thiếu chuẩn, di sản thiếu kinh phí bảo tồn

"Chúng ta vẫn chỉ loay hoay với khai thác bán mua trong các lễ hội, xây lên đập xuống một vài di tích"

Tại hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển văn hóa ở thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mới diễn ra vào buổi sáng, hai phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN là PGS.TS Bùi Hoài Sơn và PGS.TS Lương Hồng Quang đều có chung ý kiến: Để kể tên một số công trình văn hóa mà Hà Nội đã xây dựng trong 30 năm đổi mới thì không khó, song để tìm công trình tiêu biểu thì không thể. Cũng bởi lẽ: “Các rạp hát hiện nay ở Hà Nội, dù mới được đầu tư hàng loạt nhưng không có rạp nào đủ điều kiện để biểu diễn những chương trình nghệ thuật lớn. Còn các công trình trọng điểm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như công viên Hòa Bình, tượng đài Thánh Gióng, Bảo tàng Hà Nội, đại lộ Thăng Long dù tốn vài nghìn tỉ đồng song không mang dấu ấn riêng, không đặc trưng cho Hà Nội ở chế độ mới. Trong khi ở Đà Nẵng đã có lễ hội pháo hoa quốc tế, Huế có festival, Đà Lạt có lễ hội hoa, Quảng Nam có Hội An...” - ông Sơn nói.

Nhìn văn hóa Hà Nội dưới góc độ quản lý, khai thác di tích, di sản của Hà Nội, TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) cho rằng Hà Nội có nhiều kinh phí, bỏ nhiều công sức, sẵn sàng cắt bờ xôi ruộng mật để phát triển sân golf, khu đô thị... nhưng không có kinh phí để bảo tồn các di sản như Hoàng thành, làng cổ Đường Lâm hay xây dựng những thước phim tư liệu về các giá trị văn hóa, di sản, con người Thăng Long mang tính kinh điển...

TS Mai nhấn mạnh: “Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc đã và đang rất hiệu quả trong việc sử dụng các loại hình văn hóa để làm phương tiện truyền tải giá trị văn hóa của các sản phẩm kinh tế, trong khi chúng ta vẫn chỉ loay hoay với khai thác bán mua trong các lễ hội, xây lên đập xuống một vài di tích và người dân thì bức xúc, thậm chí từ chối khi làng mình được trở thành di sản...”.

Vấn đề con người: có 5 tính xấu được thống kê

TS Nguyễn Thị Bích Hồng, phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương, đã mở đầu hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển con người ở thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mới diễn ra trong buổi chiều bằng một thừa nhận: “Có một vấn đề hiện nay còn rất ngổn ngang, làm chưa nhiều và chưa hiệu quả, đó là vấn đề con người”.

Với câu chuyện người Hà Nội thanh lịch, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Giang Quân (năm nay ở tuổi 87) đã chua xót nhắc lại “người xưa”: “Người xưa rất sợ bị cộng đồng phán xét về đạo đức và lối sống của mình. Họ biết ngượng, biết xấu hổ khi làm sai, khi nói lời thô tục, thất lễ với người cao tuổi, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Rất tiếc, bây giờ...”.

Các GS, PGS đầu ngành về văn hóa, lịch sử như Hồ Sĩ Vịnh, Bùi Xuân Đính lo lắng: người VN dường như ngày càng thích tự đánh bóng mình với những thứ to nhất, lớn nhất. Trong khi đó, không ai chịu nhìn vào những khiếm khuyết của mình để thay đổi mà tiến bộ. Từ đó, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) đã thống kê năm tính xấu của người VN: tính bình quân chủ nghĩa, đố kỵ tiểu nông, ham muốn quyền lực và dễ tha hóa quyền lực, tính bè phái cục bộ và tính tùy tiện, dễ làm bừa. Ông đề nghị: “Những tật xấu này đang hiện hữu hằng ngày, hằng giờ... Rất tiếc, bấy lâu nay dường như chúng ta né tránh vấn đề này. Các văn bản, nghị quyết về xây dựng con người chỉ chú trọng đến việc xây dựng “mẫu hình” con người mới mà không nói và đưa ra các giải pháp khắc phục những mặt trái. Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào vấn đề này và thay đổi. Và để thay đổi mạnh mẽ thì mọi chuyện phải bắt đầu từ giáo dục”.

Quản lý văn hóa: hãy nghĩ đến thế hệ sau

PGS.TS Lương Hồng Quang nhắc đến bản quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với đề xuất: “Bản quy hoạch quá hoành tráng, vĩ đại nên dẫn đến khó thực hiện. Trong khi cái Hà Nội cần là sự cụ thể và phải chọn cái ưu tiên để đầu tư. Hơn nữa, văn hóa của lớp trẻ bây giờ là văn hóa theo nhóm và phân tầng chứ không phải là văn hóa cộng đồng như xưa. Vì thế, các nhà quản lý văn hóa ở Hà Nội cần thực tiễn hơn, bám sát nhu cầu của con em mình hơn để làm những gì là làm cho thế hệ mai sau chứ đừng làm cho mình bây giờ”.

TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên