14/02/2014 11:33 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: "Đại ca của tôi"

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
NGUYỄN ĐÔNG THỨC

TT - Mãi mãi ông là đại ca của tôi, không chỉ trong trường văn mà cả trong trường đời.

pdQMN0Nx.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ký tặng sách cho độc giả trong một dịp ra mắt sách mới - Ảnh: Lam Điền

Ông cũng chính là một trong ba cán bộ cách mạng đã chinh phục tôi hoàn toàn trong buổi đầu tôi tiếp xúc với cách mạng.

Trước ngày 30-4-1975, thật sự tôi không hề biết Nguyễn Quang Sáng là ai, dù tự hào là người đọc sách rất nhiều trong số bạn bè.

Văn học cách mạng, tôi chỉ biết vài bài thơ thời chống Pháp của Tố Hữu, Tế Hanh, Thanh Tịnh... mà mẹ tôi còn lưu giữ trong những cuốn tập chép tay của bà.

Chỉ mãi đến cuối năm 1977, về làm việc ở Tuổi Trẻ, tôi mới bắt đầu “tìm hiểu” nền văn học cách mạng qua những cuốn sách ở thư viện, với những Mẫn và tôi (Phan Tứ), Hòn Đất (Anh Đức), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)...

Trong các truyện, tôi thích Chiếc lược ngà nhứt, vì lối viết đơn giản như kể chuyện, thật tình, đẫm chất Nam bộ. Nhân vật trong các truyện đều gần gũi, giản dị, sống phóng khoáng, rất anh hùng mà cũng rất đời thường...

Một thời gian sau, tôi không ngờ lại được gặp tác giả, và thân ngay. (Vì nghề nghiệp, sau này tôi đã được gặp và quen tất cả những nhà văn cách mạng khác, nhưng không thân với ai bằng với ông và với nhà văn Lê Văn Thảo).

Như bất kỳ ai khi gặp ông. Sức cuốn hút của ông thật lạ. Ông ăn mặc xuề xòa, nói năng bỗ bã, vậy mà cũng rất duyên rất hóm, luôn có vẻ hiểu, thông cảm với người đối diện, không gây gổ chê bai ai, gặp phút trước phút sau đã rủ nhậu. Và nguyên tắc duy nhứt trong nhậu là không nói xấu ai hết. (Một trong mấy bài thơ hiếm hoi và ngắn ngủn của ông - Rượu - cũng nói về điều này: Trong mâm rượu. Nếu nói xấu người vắng mặt. Rượu sẽ thành thuốc độc. Trong mâm rượu. Nhắc nhớ người vắng mặt. Rượu sẽ thành nước thánh. Ta rót vào hồ nỗi nhớ thương).

RLwdFJMC.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và vợ, ngày mồng 7 Tết Giáp Ngọ - Ảnh: Cẩm Anh

Lần đó ông đi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến chơi với Câu lạc bộ sáng tác trẻ Thành đoàn. Ông nhạc sĩ mới quen mà đã thân thiết với ông như hình với bóng, còn ông thì nói thẳng: “Tao mê thằng Sơn từ hồi còn ở trong rừng!”.

Ông hướng dẫn việc viết lách thật đơn giản, dễ hiểu, kiểu lấy thực tế ra nói. Tôi luôn tranh thủ hỏi nghề ông, mỗi lần lại học được một chút.

Ông có gì nói nấy, thẳng tuột. Luôn coi tôi, và bất kỳ bạn văn nào khác đồng trang lứa với tôi, như một người bạn. Và trước hết là bạn nhậu cái đã!

Hồi đầu, trong những cuộc nhậu, thỉnh thoảng tôi cứ nhìn ông, ngạc nhiên: Ông già này từng đi bộ đội từ năm 14 tuổi, từng vào sinh ra tử, làm lớn gần như hết chiếu trong văn trường, sao bình dân và dễ gần như vậy! Cái sự bình dân và dễ gần đó cũng rất dễ bị coi thường, khinh nhờn, nhưng ông vẫn là ông, bất chấp!

Ông có quá nhiều cái làm tôi ngạc nhiên, như không bao giờ uống nước trắng, như không biết ăn ớt, như ở cùng phòng với ông, ông xin lỗi trước là tao ngủ là phải... ở truồng, như hầu như không bịnh tật, không uống thuốc, như phải ngồi võng khi viết văn, uống rượu như hũ chìm, nhưng luôn chừa bụng về ăn cơm mắm muối với vợ...

Và ngạc nhiên nhứt là cái sự đào hoa của ông, người chỉ hơn mét rưỡi mà vẫn có sức thu hút nữ giới đáng kính nể. Ông dạy tôi: “Phải luôn biết cảm xúc với cái mới. Phải biết yêu. Không còn biết yêu là coi như hết viết được!”.

Cái sự đào hoa này cũng đã gây nhiều hệ lụy cho ông, nhưng như tôi từng nghĩ trong nhiều trường hợp văn nghệ sĩ khác, cái quan trọng nhứt là họ đã để gì lại cho đời.

Và “cái để lại” đó của ông thì quá nhiều: Chỉ cần kể ra vài trong số mấy chục tác phẩm của ông: Đất lửa (tiểu thuyết, 1963), Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966), Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975), Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988), Con mèo của Foujita (1991), rồi bộ phim Cánh đồng hoang (1978) nữa, là đã đủ để ông đáng được kính trọng.

Một cô bạn thân của ông từng nói với tôi: “Ông Sáng không yêu ai hết. Ổng chỉ yêu chính ổng và công việc viết lách của ổng thôi!”. Tôi ngầm tự nhận ông là đại ca của tôi từ câu than thở ấy!

Và hôm nay, đại ca của tôi đã ra đi!

Có một truyện ngắn rất hay của ông tên là Dân chơi. Trong đó có ông Tư Già, một văn nghệ sĩ, coi việc đi đánh Pháp, đánh Mỹ như... đi chơi, luôn thoải mái trong chiến khu gian khổ. Và có Nguyễn Khắc Trung, bạn của tác giả, sống như một dân chơi giữa Sài Gòn mà lại hoạt động kinh tài tích cực cho cách mạng, người từng cảm khái “Ngẫm nghĩ sự đời, tao thấy đời tao lận đận vì cái dấu huyền!”.

Đại ca của tôi cũng là một dân chơi thứ thiệt! Ông đã đến chơi trong suốt 82 năm qua, chơi tận tình từng ngày, và giờ cuộc chơi đã xong! Vĩnh biệt ông, một con người tài hoa!

---------------------------------

Xem thêm

Xem phim Cánh đồng hoang, kịch bản Nguyễn Quang SángNhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đờiĐD Nguyễn Quang Dũng: Má gọi thì ba đã đi rồi...Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng!Nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng: Đừng biết 1 viết 10“Anh Năm Sáng” - một “nhà văn Nam Bộ hiện đại tiêu biểu”

NGUYỄN ĐÔNG THỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên