28/12/2013 11:05 GMT+7

Thách thức sinh tử của bảo tồn làng cổ

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Đó là nhận định của GS Hoàng Đạo Kính tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội” diễn ra ngày 27-12, với sự tham gia của 30 nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn và nhà quản lý văn hóa.

Hà Nội ban hành danh mục phố cổ, làng cổ ưu tiên bảo tồnPhát triển du lịch để bảo tồn làng cổ

"Cuộc đua danh hiệu di sản không những không bảo tồn được gì mà còn khiến những cái thật sự là di sản không được đầu tư bảo tồn đến nơi đến chốn"

Theo GS Hoàng Đạo Kính, đóng góp lớn nhất của VN cho văn hóa thế giới là văn minh làng, đó không chỉ là từng ngôi nhà mà cả nếp sống, không gian, là những giá trị phi vật thể khác nữa. Nhưng làng cổ đang đứng trước một thách thức sinh tử khi thành phố đang phát triển một cách “tung tóe” như hiện nay. Những làng cổ với đầy đủ không gian cây đa, bến nước, sân đình...đã dần bị thành phố “nuốt” mất.

Tuy nhiên, theo GS Hoàng Đạo Kính, bảo tồn làng cổ không có nghĩa là xếp hạng nó thành di tích. “Hơn 4.000 di tích đã được công nhận hiện nay đều đòi hỏi trùng tu, giá trị mỗi lần trùng tu cũng phải từ 15-20 tỉ đồng. Chưa kể di tích của chúng ta là di tích gỗ, mỗi lần sửa sang tốn đến cả trăm mét khối gỗ tứ thiết. Ngân sách lấy đâu ra, gỗ lấy đâu ra mà cơ quan nhà nước cũng không đủ người để đi phê duyệt chừng đó phương án. Kể cả những nước giàu cũng không công nhận nhiều như VN. Cuộc đua danh hiệu di sản không những không bảo tồn được gì mà còn khiến những cái thật sự là di sản không được đầu tư bảo tồn đến nơi đến chốn” - GS Kính nói.

Nhưng bảo tồn bằng cách nào lại là một câu hỏi khó. GS Hoàng Đạo Kính cho biết cuộc điều tra một xã ở tỉnh Hải Dương cho thấy 95% nông dân không muốn ở nhà cổ vì thiếu tiện nghi và không có hệ thống vệ sinh khép kín. “Chúng ta cứ hoài niệm quá, trong khi những người nông dân không muốn sống trong không gian đó nữa. Do đó những sự việc liên quan đến bảo tồn làng cổ gần đây đều gây bức xúc cho cả nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo lẫn người dân”.

Ông đề nghị chỉ nên đặt ra việc bảo tồn một làng cổ đích thực là di sản, và giải quyết những ứ tồn lịch sử của làng cổ trong lòng đô thị. Không thể vì đó là làng cổ mà thắt lại không cho người ta phát triển nữa. “Đối với những ngôi nhà có giá trị điển hình thì Nhà nước phải bỏ tiền ra mua, trùng tu, bảo quản. Còn lại đừng biến nông dân và nhà của họ thành vật trưng bày. Phải cho họ cải tạo nhà để thích ứng với đời sống mới. Cái cần điều tiết ở đây là hệ thống chính sách chứ không phải là cho và cấm”.

Tuy nhiên, thực tế bảo tồn làng cổ hiện nay thì mỗi tên làng được nhắc đến lại là một bài học đắt giá cho tình trạng quản lý trì trệ và sự bức xúc của người dân. Làng Cự Đà ven bờ sông Nhuệ, làng Cựu ở Thường Tín đang bị đô thị hóa xâm lấn. Còn ông Phạm Hùng Sơn (Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm) thở dài: Nói về bất cập ở Đường Lâm thì nói cả ngày không hết. “Từ năm 2008, chúng tôi đã chạy lên Bộ VH-TT&DL để hỏi thủ tục xin phép làm nhà cho người dân. Mời bộ về họp mãi cũng không giải quyết được. Bất cập từ Luật di sản trở đi, lại không có văn bản nào dưới luật để quy định cả. Cứ bảo học tập Hội An nhưng mỗi nơi mỗi khác, người Hội An từ thế kỷ 17 đã buôn bán trên bến dưới thuyền, họ biết khai thác khách du lịch. Dân Đường Lâm tôi bao năm nay đều là nông dân, tám năm nay rửa chân chưa sạch để mà làm du lịch”.

Trên cương vị phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), ông Nguyễn Hữu Toàn cho rằng: bảo tồn làng cổ là vấn đề quá lớn và quá khó. Còn trong một hội nghị về quản lý di tích ngày 6-12, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng thừa nhận bản thân bộ đang bí trong việc thiết lập hệ thống quản lý thống nhất từ trên xuống. Trong khi Luật di sản đã có từ cách đây hơn 12 năm (từ năm 2001), cùng với nó là hàng loạt chỉ thị từ Bộ VH-TT&DL mà cho đến nay bộ vẫn lúng túng thì nông dân ở làng cổ còn than thở về bất cập đến bao giờ?

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên