12/12/2013 08:49 GMT+7

"Phải mất 1-2 thế kỷ để hiểu Hoàng thành Thăng Long"

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) dự đoán như vậy tại buổi báo cáo kết quả khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long diễn ra sáng 11-12.

Triển lãm di sản Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà HồPhát hiện bất ngờ tại Hoàng thành Thăng Long Giới thiệu Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long cho công chúng

pUznCKpD.jpgPhóng to
Các nhà khảo cổ học khảo sát hố khai quật sáng 11-12 Ảnh: Hà Hương

Việc khai quật đã dần lộ ra một diện mạo rộng lớn của Hoàng thành Thăng Long, có thể lên tới mấy hecta chứ không chỉ mấy nghìn mét vuông như hiện nay.

PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng: “Chúng ta đang sờ vào một con voi mà hoàn toàn không hiểu về tổng thể của nó. Những phát hiện về các tầng lớp thời Lý, Trần, Lê chỉ là những hiểu biết vụn vặt. Quy mô hố có thể là lớn với một cuộc khai quật khảo cổ học thông thường nhưng lại quá nhỏ so với một kinh đô”.

Theo ông Tống Trung Tín, có lẽ phải mất 1-2 thế kỷ để hiểu toàn bộ di tích này, riêng khu trung tâm sẽ phải mất 50-60 năm. Cũng bởi vậy, các nhà khoa học tham dự hội thảo đã đồng loạt đề nghị nên có quy hoạch ngắn hạn và dài hạn cho Hoàng thành Thăng Long. “Phải đặt ra một lộ trình nghiên cứu liên tục chứ không phải trong một năm hay hai năm. Nếu từng người ở giai đoạn này nghiên cứu nhưng giai đoạn sau lại không thiết tha thì việc nghiên cứu di tích này sẽ trở nên trì trệ” - PGS.TS Hán Văn Khẩn khẳng định.

Theo báo cáo của Viện Khảo cổ học Việt Nam - đơn vị khai quật, cuộc khai quật khảo cổ học năm 2013 đã xác định được rõ ràng tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La, qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng đến thời Nguyễn. Di tích kiến trúc của các thời kỳ xuất lộ dày đặc, chồng xếp lên nhau, cắt phá và đan xen lẫn nhau vô cùng phong phú và phức tạp. Đây cũng là lần đầu tiên phát hiện dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục trung tâm. Nhiều ý kiến suy đoán đây là dấu tích sân đại triều thời Lý.

Đặc biệt, cuộc khai quật cũng làm phát lộ một cống nước rất lớn thời Trần, có một đoạn chạy song song với đường nước thời Lý năm 2012. “Chúng tôi cũng tìm thấy một đầu phượng lớn rất giống đầu phượng tìm thấy ở thành nhà Hồ. Đầu đao thời Trần có nhiều lá đề, đó là đặc trưng của các kiến trúc cung đình thời Trần. Ngoài ra, còn tìm thấy mào con chim phượng rất lớn của tượng chim phượng lớn. Điều đó cho thấy một kiến trúc cực lớn thời Lý từng tồn tại ở đây với quần thể cung điện được xây dựng và trang trí hết sức công phu” - ông Tín cho biết.

Các hố khai quật năm 2012 và 2013 cũng đã chứng minh nhận định của GS Ueno (Nhật Bản): “Đây là di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực châu Á”. Những kết quả khảo cổ học trong hai năm qua cũng dần làm hé lộ không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê trung hưng. Tuy nhiên, phía Viện Khảo cổ học cũng cho biết chưa rõ được bố cục của kiến trúc thời Lý và thời Trần ở đây. Do vậy, các suy luận về trục trung tâm của thời Lý và thời Trần cần tiếp tục nghiên cứu.

Chậm bàn giao Hoàng thành Thăng Long cho Hà Nội

Theo TS Nguyễn Văn Sơn (giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội), việc bàn giao tài liệu, hiện vật và mặt bằng khu C-D ở 18 Hoàng Diệu vẫn chưa được thực hiện dù theo quyết định là phải hoàn thành trong tháng 10-2013. “42.000m2 khai quật nhưng không ai biết có bao nhiêu di vật. Nhật ký khai quật chưa chắc đã ghi chép đầy đủ các hiện vật đào được. Tôi đã ba lần gửi văn bản đến Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định việc chậm bàn giao này là hành động vi phạm pháp luật. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào. Tôi đề nghị cần phải có cuộc họp thông báo công khai những việc này” - ông Sơn nói.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên