06/12/2013 08:11 GMT+7

Ai cứu di tích trong cơn hỏa hoạn?

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Sau ngôi nhà lang trăm tuổi ở Hòa Bình cháy rụi thì ngôi đền thờ Trung túc vương Lê Lai ở Thanh Hóa cũng biến thành tro. Sau một đêm, những gì còn lại của một di tích quốc gia là cột gỗ cháy đen và những khoảng không trống hoác.

Di tích Huế: có thể cháy bất cứ lúc nàoNhà Lang cuối cùng bị du khách thiêu rụiThanh Hóa: Cháy lớn tại đền thờ Trung túc vương Lê Lai

xpcymB7X.jpgPhóng to
Di tích quốc gia - đền thờ Trung túc vương Lê Lai ở Thanh Hóa bị cháy rạng sáng 1-12 - Ảnh: V.N.

Và ngôi nhà lang hay đền thờ Lê Lai (Tuổi Trẻ ngày 26-10 và 2-12) không phải là những trường hợp hiếm hoi lâm nạn do hỏa hoạn. Trước đó, năm 2011, đám cháy tại chùa Tảo Sách - một trong những ngôi chùa cổ giữa lòng Hà Nội - cũng khiến ngôi tam bảo 600 năm tuổi vĩnh viễn chỉ còn trong tư liệu ghi chép.

Rất nhiều dấu vết của lịch sử, văn hóa đã bị xóa sổ trong các đám cháy. Nhưng dường như chừng đó vẫn chưa đủ làm lời cảnh tỉnh.

Phòng cháy ở di tích: có cũng như không?

Các vụ hỏa hoạn lớn tại di tích

* Cháy điện chính chùa Dơi (Sóc Trăng) năm 2007 * Cháy chùa Tảo Sách (Tây Hồ, Hà Nội) năm 2011 * Cháy chùa Hội Sơn - di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (TP.HCM) năm 2012 * Cháy chùa Tắc Gồng (Sóc Trăng) năm 2012 * Cháy nhà số 96 thuộc phố cổ Hội An năm 2012 * Cháy nhà 134 Trần Phú thuộc phố cổ Hội An năm 2013 * Cháy nhà lang hơn 100 tuổi tại Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) năm 2013 * Cháy đền thờ Trung túc vương Lê Lai (Thanh Hóa) năm 2013.

Phía Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết cục cũng không hề có thống kê cụ thể nào về các vụ hỏa hoạn xảy ra tại các di tích. Nhưng có thể thấy bản đồ hỏa hoạn ở di tích trải dài từ Hà Nội, Hải Phòng đến TP.HCM, Sóc Trăng...

Phố cổ Hội An liên tục năm 2012 và 2013 đều xảy ra cháy tại khu nhà cổ. Ngay sau vụ cháy của ngôi nhà lang trăm tuổi, những câu hỏi về việc phòng cháy cho các di tích đã được đặt ra cho Cục Di sản văn hóa.

Đặc biệt khi đa số di tích có giá trị hiện nay đều là kiến trúc gỗ, rất dễ bắt cháy và khó cứu vãn nếu xảy ra hỏa hoạn. Khi đó, phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Hữu Toàn khẳng định: Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các di tích, di sản được đặc biệt quan tâm.

Ở những khu có dự án trùng tu tôn tạo, cục đều có yêu cầu đơn vị thực hiện trình bày phương án PCCC. Năm nào cũng có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các di tích, bảo tàng, khu vực có di sản làm tốt công việc này.

Nói là vậy nhưng thực tế ở nhiều di tích, việc PCCC được thực hiện khá sơ sài, có nơi còn không có cả bình cứu hỏa. Một di tích quan trọng như chùa Diên Hựu - Một Cột cũng không có các biển cảnh báo cần thiết đề phòng hỏa hoạn. Bên trong chùa, tìm mỏi mắt mới thấy ba bình cứu hỏa phủ bụi được dồn vào khe hẹp giữa hai tủ thờ.

Dù vậy, chùa Diên Hựu - Một Cột cũng được coi là đã đầu tư phương tiện PCCC. Rất nhiều di tích khác nằm sát nhà dân, lưới điện phức tạp rất dễ bắt cháy nhưng cũng chẳng có bình cứu hỏa. Như chùa Kim Cổ, đền Hỏa hay nhiều di tích khác trong khu vực phố cổ Hà Nội tứ bề bị nhà dân bao vây.

Trong số các di tích quan trọng ở khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội) chỉ có đền Ngọc Sơn được đầu tư bình cứu hỏa, các di tích khác đều tự mua sắm, chất lượng cũng không hề được kiểm soát.

Khi di tích bị bỏ rơi trước bà hỏa

Dù ngành văn hóa nhiều lần khẳng định rằng hằng năm đều có văn bản nhắc nhở việc phòng cháy cho di tích nhưng phía lực lượng PCCC lại cho biết chưa từng có sự phối hợp với ngành văn hóa. Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng phòng cháy ở di tích không phải việc riêng của cơ quan PCCC. “Ngành văn hóa phải phối hợp, mình có thân thì phải lo thôi chứ sao đợi người khác lo” - giáo sư Biền nói.

Giáo sư Trần Lâm Biền thừa nhận: “Thực tế việc phòng cháy ở di tích đã được ngành văn hóa đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Vì đơn giản là sự quản lý đối với di tích chưa được chặt chẽ, việc phân cấp và xác định ai là chủ di tích cũng chưa rõ ràng”.

Cũng như giáo sư Trần Lâm Biền, kiến trúc sư Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích) cho rằng việc phòng chống hỏa hoạn và các tác động từ môi trường đối với di tích đã được nói đến rất nhiều lần nhưng hành động cụ thể lại bị bỏ lửng.

“Mỗi dự án trùng tu từ khi lập tờ khai đến khi có tiền rót xuống nhanh nhất cũng vài năm, có cái còn phải đợi tới vài chục năm. Nhưng năm tháng ấy di tích vẫn xuống cấp âm thầm, đối diện với mọi nguy cơ về hỏa hoạn, mối mọt nhưng lại không được chăm sóc kịp thời. Chúng ta cấp tiền cho dự án nhưng lại không cấp tiền chăm sóc định kỳ. Trong khi đó, nếu được chăm sóc mỗi ngày, những nguy cơ như hỏa hoạn sẽ được phòng tránh kịp thời” - kiến trúc sư Lê Thành Vinh nói.

* Ông Phạm Thành Nam (trưởng phòng di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL TP.HCM):

Di tích tại TP.HCM còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Trong ngành văn hóa, đến nay chỉ mới có quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm đối với các công trình bảo tàng. Còn nội dung bên trong của từng bảo tàng, từng di tích vẫn phụ thuộc vào công tác PCCC tại chỗ. Vấn đề PCCC cho các di tích, di sản đang cần một dự án lớn hơn, hỗ trợ các phương tiện vật chất kỹ thuật cho các di tích thuộc sở hữu cộng đồng và tư nhân, đặc biệt là các công trình kiến trúc gỗ để tăng khả năng bảo quản di tích trước nguy cơ cháy nổ.

Tại TP.HCM, vụ cháy chùa Hội Sơn (Q.9) là trường hợp đáng tiếc, kinh nghiệm lớn rút ra chính là ý thức PCCC của chủ sở hữu di tích. Bởi ở chùa Hội Sơn có trang bị hệ thống camera an ninh, nhưng lại không trang bị thiết bị tự động ngắt điện toàn hệ thống khi xảy ra sự cố chập điện. Và chỉ từ một nguyên nhân chập điện, toàn bộ ngôi chùa cổ 300 năm tuổi cùng rất nhiều hiện vật, tượng cổ đều bị thiêu hủy.

Trên thực tế vẫn tồn tại một số nguy cơ cháy nổ đối với các di tích, di sản tại TP.HCM, chẳng hạn các công trình đang xuống cấp nhưng chưa tu bổ tôn tạo được. Hay như các đình ở ngoại thành thường xuyên không có người thường trực kể cả những đình đã được công nhận di tích, do vậy nếu có xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khó phản ứng nhanh để ứng cứu.

Lam Điền ghi

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên