Phóng to |
Nhà văn Mạc Can - Ảnh: M.Đức, NVCC |
Cuốn sách mới của ông |
* Thưa ông, khá lâu sau chuyến xuất ngoại mới thấy ông ra mắt cuốn sách Vừa đi vừa suy nghĩ vừa nhìn?
- Tôi mới có 70 tuổi, tôi nghĩ có thể đây là giai đoạn “chín muồi” trong nghề văn. Tuổi trưởng thành của đời người. Cuốn tiểu thuyết Nửa bước vào miền đất hứa mới là “đi nhìn và suy tư”. Thế giới trong mắt tôi, con người trong mắt tôi là những ám ảnh về chiến tranh, cuộc mưu sinh và làm sao để tồn tại trong thời kỳ này, không chỉ trong một nước mà toàn bộ Trái đất. Con người sao mà khổ quá! Và chính con người gây ra các nỗi khổ cho mình. Nhưng hãy lạc quan, chính con người sẽ cứu mình chứ không ai khác vào đây. Tôi đã thấy những tín hiệu đó manh nha ở Việt Nam và tôi trở về để viết.
* Những truyện này được ông viết xen giữa những buổi biểu diễn tấu hài ở Mỹ?
- Tôi vẫn thích tiêu đề Đi và sống... để viết. Chuyến đi với cái túi rỗng với nghề diễn... ảo thuật hài, sau đó tìm tòi qua các nghề khác bằng lao động chân tay. Có điều khi di chuyển trên phi cơ, qua nhiều bang trên nước Mỹ, tôi cứ mỉm cười vì xung quanh tôi, bên cạnh tôi toàn là người nước ngoài. Một ông già châu Á nhỏ thó lọt thỏm giữa hàng ghế và mọi người, ai cũng to lớn và râu ria thì hoàn cảnh như tôi trông tội nghiệp và khá buồn cười. Tôi tha hồ quan sát họ. Kể cả khi diễn trên sân khấu hay trong hậu trường của các buổi diễn lớn, hay khi diễn cho khán giả thiếu nhi người Việt, người Mỹ, người các chủng tộc đội tuyết tới xem, tôi hoàn toàn tự do “viết” trong đầu tôi nhiều điều.
Còn nhớ khi tôi diễn ảo thuật hài trong đám cưới của một cặp tình nhân người Việt, tôi rất xúc động, mà đôi vợ chồng trẻ tha phương cầu thực cũng cảm động, và tôi đã ghi lại được nhiều điều. Hằng ngày tôi đều viết như bị ma ám.
* Vậy ông đi, suy nghĩ và nhìn thấy những chuyện gì?
- Sự nguy hiểm ở khắp nơi. Về thời tiết và sự kỳ thị, ngoài ra thì còn khá nhiều điều. Tôi không hề quan trọng hóa điều này vì nó có thật. Và đó là nỗi buồn khôn nguôi, tiền bạc hay vật chất vẫn không làm nguôi ngoai nỗi buồn truyền kiếp đó. Tội nghiệp cho tôi vì số phận và chuyến đi cho tôi thấy điều đó. Nó da diết khổ tâm cả trong khi cười.
* Đọc tập truyện này thấy những ngày của ông ở Mỹ cũng khá tất bật? Ông đi làm bánh mì, lại đi làm ở cửa hàng nail... Với một người gần 70 tuổi, đó là một trải nghiệm để làm giàu vốn sống hay là...?
- Tôi muốn biết nhiều thứ. Đi làm sô ảo thuật hài đã đành, tôi còn đi bưng phở với các sinh viên người Việt, người Thái hay người Hoa, làm thợ bánh mì với anh bạn người Mễ vui tính. 70 tuổi là tuổi trưởng thành về nhiều việc, có dịp tích lũy thêm vốn sống và trải nghiệm vào lúc này không muộn màng gì mà còn được khá nhiều thứ trời đã không cho.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận