Phóng to |
Nghệ nhân Bạch Huệ - Ảnh: T.T.D. |
“E ngại cái chất đờn ca tài tử không còn như xưa”
Khoảng 7g sáng 12-10, có người vẫn nhìn thấy bà ra mở cửa phòng rồi lại đi vào. Khoảng 10g sáng cùng ngày, mọi người để phần ăn trưa trước phòng nhưng không thấy bà ra nhận, sau đó nghệ sĩ Lệ Thẩm (cùng sống trong viện) vào phòng mới phát hiện bà đã qua đời.
Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ tên thật là Huỳnh Thị Huệ, sinh năm 1933 tại Cần Thơ. Bà là con của nhạc sư Sáu Tửng chuyên đàn kìm, em của nhạc sĩ Huỳnh Anh. Khoảng năm 14, 15 tuổi, bà lên Sài Gòn sinh sống. Với chất giọng trong, vang, mang nhiều suy tư và hát rành rẽ 20 bài bản tổ, bà được các thầy đờn chú ý và được các hãng đĩa, các đài phát thanh chào mời hợp tác. Khoảng những năm 1950, bà và nghệ sĩ Thành Công được khán giả bình chọn là “Đệ nhất danh ca”. Với kinh nghiệm của hơn 50 năm theo nghiệp đờn ca tài tử, sau năm 1975 bà được mời giảng dạy ở Viện Nghiên cứu âm nhạc TP.HCM, Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, cố vấn cho CLB đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TP.HCM... Năm 2007 bà được công nhận là nghệ nhân dân gian về ca tài tử.
Nói về bà, soạn giả Ngô Hồng Khanh cho rằng: “Bà Bạch Huệ là một nghệ nhân tài tử gốc, con nhà nòi, từng hát trong những ban tài tử Sài Gòn suốt từ hồi xưa đến giờ không ngừng nghỉ. Tôi cho rằng giọng ca của bà là bảo tàng sống về ca tài tử!”.
Cái chết của nghệ nhân Bạch Huệ khiến nhiều người trong viện bất ngờ vì sức khỏe của bà còn khá tốt. Tuần trước bà còn đi chấm giải Liên hoan đờn ca tài tử - Giải Hoa sen vàng do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM phối hợp với Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức.
Linh cữu nghệ nhân dân gian Bạch Huệ được quàn tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, hẻm 314 Âu Dương Lân, Q.8. Lễ động quan lúc 6g ngày 15-10, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận