Tháng sân khấu ghi nhận và tri ânCông diễn 10 vở của Lưu Quang Vũ tại Hà NộiLàm mới vở kịch Hồn Trương Ba - da hàng thịt
Phóng to |
Lời nói của người thầy đáng kính (NSƯT Đức Khuê - phải) đã đẩy Châu (Tùng Linh) xuống vực thẳm cùng câu hỏi: Niềm tin ở đâu? - Ảnh: Đ.Triết |
Mùa hạ cuối cùng - vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ vừa được Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng lại và ra mắt. Trở lại sau hơn 30 năm, vào đúng mùa tựu trường của tháng 9-2013, vở kịch cũ vẫn làm nhức nhối người xem hôm nay.
Bài thơ đắng...
NSƯT Chí Trung - đạo diễn của vở - bảo: Mùa hạ cuối cùng giống như một bài thơ. Cũng có thể như thế. Tứ thơ là lớp 12A có cậu học trò tên Châu (nghệ sĩ Tùng Linh) với những va đập giữa lý tưởng sống và hiện thực. Sân khấu của cả vở diễn được thiết kế với tông màu tinh khôi, đan xen là lời hát dịu dàng và nút thắt của kịch được cởi rất nhẹ. Nhưng trong chất thơ ấy sao ta vẫn thấy đắng chát đầu môi.
Rõ ràng, sách vở và thầy cô suốt 12 năm học, đặc biệt là thầy giáo Hiển, đã luôn dạy Châu và các bạn của Châu chân lý: lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là những giá trị tuyệt đối. Vậy nhưng, chưa kịp gấp sách lại để bước sang trang mới cuộc đời thì Châu phải đối diện và vật lộn với lý tưởng sống của chính mình khi cậu dám hiện thực hóa chân lý kia trước cuộc sống. Mà cuộc sống thì luôn muôn hình vạn trạng: cô giáo dạy văn lấy chồng vì trả ơn, thầy hiệu phó gắng vun vén ổn thỏa để lo cho mình chiếc ghế hiệu trưởng, người mẹ dám dùng tiền để mua tất cả những mong bù đắp cho đứa con mồ côi cha...
Cái cớ để phát triển tình huống kịch ở đây là chuyện Châu dám... làm người trung thực khi nói ra điều: đề thi đã bị lộ. Thế là, người lớn được dịp dạy con trẻ. Đầu tiên, thầy Tấn - được xem là vô cùng nghiêm khắc - đã khẳng định trước mặt Châu: chính cậu là người lấy cắp đề thi. Trở về nhà, người cha giáo huấn theo cái kiểu: “Sự thật cũng có năm bảy đường”... Còn bà mẹ Thời - người mua đề thi - thì van xin Châu “đã trót thương bạn, hãy thương đến cùng”...
Châu hoang mang đứng giữa mâu thuẫn: bài học và thực tiễn, để rồi vội vã chạy đến nhà thầy Hiển với tia hi vọng nhỏ nhoi. Nhưng, ông thầy chủ nhiệm, ngày ngày trên lớp ngoài những bài học sinh động còn tổ chức những buổi ngoại khóa bàn về nhân cách, về lòng trung thực và lẽ phải cho học trò, bỗng đâu buông câu: lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực chỉ là tương đối. Giữa giây phút ấy, ta chẳng thể nào quên được cậu học trò này với khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt ầng ậc nước và hét lên: “Như vậy con người ta có thể làm tất cả để mưu lợi cho mình sao? Em không hiểu được...”.
Cười trong nước mắt
Sau hơn 30 năm được dựng lại, Mùa hạ cuối cùng hôm nay thật sự mang không khí mới, sức sống mới. Những Châu, Oanh, Thời... hôm nay không phải là Đức Hải, Lan Hương hay Chí Trung... vào vai nữa mà đã là Tùng Linh, Thu Quỳnh, Lan Anh... - một thế hệ diễn viên trẻ với đầy khát khao được kế cận và cống hiến.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên đứng tên đạo diễn một vở chính kịch, NSƯT Chí Trung đã bằng cách này hoặc cách khác làm mới cho Mùa hạ cuối cùng. Khán giả khá lạ lẫm khi thấy đạo diễn “cử” hẳn một diễn viên làm MC. Anh chàng MC điển trai chẳng những dẫn chuyện rất ngọt mà còn có đối thoại trực tiếp với nhân vật cũng như chia sẻ với khán giả về cách nghĩ của mình trước câu chuyện.Hơn nữa, khán giả còn bị bắt mắt trước những clip tương tác: khi là những hình ảnh chuyển động của cuộc sống nhanh, gấp đến chóng mặt; khi là hình ảnh vũ trụ thuyết minh cho luận đề; khi là hình ảnh đẹp của tuổi học trò.
Có một điều thấy rõ nhất là sự cộng hưởng của khán giả trước những tình tiết hài đan xen trong lời thoại của các nhân vật. Rõ ràng đây là “đất trống” trong kịch bản của Lưu Quang Vũ được đạo diễn khéo léo khai thác, chẳng những đem đến cho Mùa hạ cuối cùng sự gần gũi nhịp sống hiện đại hôm nay với những câu cửa miệng thông dụng như “Hà Nội không vội được đâu” mà còn “giảm tải” tính chất bi kịch, đôi chỗ còn buộc người xem phải “cười trong nước mắt”.
Lật trang sách mới có biết bao điều mới, điều đẹp. Vậy nhưng với Mùa hạ cuối cùng thì lật trang đời của cậu học trò tên Châu lại đầy những bi kịch của một người trẻ tuổi bị đánh mất niềm tin. Nhưng ở đây, bi kịch là ngọn đuốc được thắp lên để soi tỏ bao điều của ngành giáo dục, của cuộc sống vẫn còn trong góc tối.
Những đêm ra mắt vở Mùa hạ cuối cùng, Nhà hát Tuổi Trẻ luôn dành những hàng ghế trang trọng để mời các nhà làm giáo dục đến xem. Không biết khi cánh màn nhung khép lại, ai trong số khán giả đặc biệt ấy sẽ có những đêm mất ngủ vì bỗng đâu bị gặp lại ký ức của riêng mình?
Đội mưa đến xem Hà Nội những ngày đầu tháng 9 mưa lớn. Vậy nhưng khán giả vẫn đến xem Mùa hạ cuối cùng từ những hôm tập duyệt. “Tôi mở cửa rạp ngay từ lúc tập để khán giả đến xem, có lẽ xưa nay chưa có tiền lệ này. Có bạn đội mưa đến những ba lần. Họ góp ý cho tôi nhiều điều thú vị lắm. Nhưng quan trọng là diễn viên được cọ xát và có cảm hứng diễn” - NSƯT Chí Trung chia sẻ. Vở kịch Mùa hạ cuối cùng (tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSƯT Chí Trung, biểu diễn: các nghệ sĩ đoàn kịch I và II Nhà hát Tuổi Trẻ) sẽ tham gia Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ và có buổi diễn vào 9g ngày 11-9 tại rạp Tuổi Trẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận