08/09/2013 07:45 GMT+7

Chạm tay vào những giấc mơ

QUANG THI
QUANG THI

TT - Một hôm, nhận điện thoại của “bà bầu” Ái Như, đầu tiên Sĩ Hoàng nghĩ rằng đó chỉ là một công việc thiết kế trang phục cho vở diễn như mọi lần.

Nhưng lời đề nghị của người nữ đạo diễn lại “thách thức” hơn nhiều: “Có một vai này cho Sĩ Hoàng, có thích không?”.

11WTYtAt.jpgPhóng to
Sĩ Hoàng (giữa) hóa trang “hầm hố” trong vở Trò chơi tham vọng - Ảnh: TR.T.Dũng

Thế là nhận vai, thế là lao vào tập vở Trò chơi tham vọng của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Tập tành vào vai đạo diễn được một tuần, nhà thiết kế thao thức gần trắng đêm, đành viết một bức “tâm thư” thống thiết gửi êkip dựng vở xin... rút tên khỏi vở diễn!

Bức “tâm thư” có đoạn: “Những ngày tập kịch vừa qua đã làm sống dậy trong mình một cảm xúc hạnh phúc mãnh liệt cách đây 33 năm (1980) khi bước chân vào Trường cao đẳng Sân khấu điện ảnh. Ngày mình muốn nộp đơn thi ghi nguyện vọng 1 để trở thành một diễn viên.

Nhưng sáng nay, sau thao thức gần trắng đêm để lượng sức, ảo tưởng sẽ làm được điều gì đó tạo sự công nhận ở một lĩnh vực đòi hỏi sự hi sinh hết mình cho nghệ thuật sân khấu đã tan biến. Giỏi lắm là tròn vai, nhận được lời khích lệ vui vui từ mọi người.

Quyết định xin rút khỏi vai đạo diễn An Khương sẽ làm xáo trộn nhân sự đã xếp đặt. Cho Sĩ Hoàng xin lỗi khi đã phụ lòng sự chỉ dạy của thầy Trần Minh Ngọc, của anh Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu, Thế Hải... và sự quý mến của các bạn cùng tập vở”.

Nhưng giấc mơ sân khấu vẫn trọn vẹn

Sĩ Hoàng có thể chấp nhận bỏ cuộc, nhưng “bà bầu” Ái Như thì không cho bạn mình cơ hội đó. Nữ đạo diễn gọi cho Sĩ Hoàng để hỏi rằng tại sao lại từ chối ước mơ có từ cách đây 33 năm, nay đã có cơ hội?

Sau cuộc thương thuyết kéo dài hai giờ qua điện thoại, Sĩ Hoàng trở lại với vai diễn nhỏ mà anh thừa nhận: “Nó không đem đến tên tuổi gì thêm cho Sĩ Hoàng, nhưng nếu làm không đạt có khi còn ảnh hưởng không tốt cho cái tên Sĩ Hoàng trước đó!”.

Thường thì Sĩ Hoàng có nhiều vai trò. Trước tiên anh là nhà thiết kế, rồi là doanh nhân, là giảng viên nghệ thuật. Có lúc anh “nghỉ tay” chơi gốm, lập quán trà Điểm Một Thời (đường Lý Tự Trọng, TP.HCM) giới thiệu văn hóa Việt, hay làm nhà vườn Long Thuận (Q.9, TP.HCM)...

“Nhiều lúc tôi nghĩ mình làm nghệ sĩ, là người mang cái đẹp đến cho mọi người. Những lúc chuyển nghề như vậy cũng là lúc tôi nghỉ ngơi, tìm thấy niềm vui của mình...” - Sĩ Hoàng tâm sự.

Ở cuộc chơi trái tay là diễn viên lần này, Sĩ Hoàng đã khiến khán giả có một bất ngờ thú vị. Nhìn anh la hét, quát tháo trong vai một tay đạo diễn thô lỗ, ham hố, xôi thịt, dê gái... trên sân khấu, chẳng còn ai nhận ra một Sĩ Hoàng vốn chỉn chu, nhã nhặn, ăn nói bặt thiệp của hằng ngày.

Có nhà báo thốt lên rằng xem Sĩ Hoàng diễn, 15 phút sau chị mới... nhận ra Sĩ Hoàng thật! Anh cười phá lên: “Vai ấy vốn chẳng giống gì với tính cách của tôi ngoài đời cả”. Chỉ là một vai nhỏ, một cuộc “dạo chơi” đi nữa thì với Sĩ Hoàng đó cũng là cuộc dạo chơi hết mình.

nCt2GqAJ.jpg
Áo ngũ thân thế kỷ 18 - Ảnh tư liệu bảo tàng Sĩ Hoàng

Giấc mộng lớn hơn: bảo tàng áo dài!

Những ngày này Sĩ Hoàng tất bật hơn mọi ngày. Trao đổi với Sĩ Hoàng thì được biết anh đang chuẩn bị thành lập bảo tàng áo dài đầu tiên. “Đóng kịch là phụ thôi, còn đây mới chính là toàn bộ sự nghiệp của tôi” - Sĩ Hoàng tươi cười cho biết.

Cũng thật lạ, là nhà thiết kế nhưng sự nghiệp của Sĩ Hoàng chỉ chung thủy độc với mỗi chiếc áo dài. Anh cho hay ý tưởng về một bảo tàng cho chiếc áo dài Việt Nam đã được anh ấp ủ từ lâu. Những ngày còn là sinh viên, Sĩ Hoàng hay lui tới những bảo tàng để nghiên cứu.

Rồi ý tưởng về những bộ sưu tập áo dài của anh ra đời từ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc ở TP Thái Nguyên, Bảo tàng Cung đình ở Huế... Yêu mến và quý trọng bảo tàng, đã đến lúc Sĩ Hoàng muốn có một bảo tàng áo dài tự tay mình thành lập.

“Chiếc áo dài Việt Nam vừa là giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị đạo đức. Sở dĩ tôi nhắc đến khía cạnh đạo đức ở đây là vì khi mặc chiếc áo dài, chủ nhân của nó sẽ tự điều chỉnh lời ăn tiếng nói, cử chỉ trong giao tiếp. Còn người đối diện với người mặc chiếc áo dài cũng không thể nào nảy sinh tà ý được” - chủ nhân bảo tàng đúc kết như vậy.

Một trong những câu chuyện ấn tượng sẽ được Sĩ Hoàng giới thiệu ở bảo tàng là sự thăng trầm của chiếc áo dài qua thời cuộc. Đã có những lúc khó khăn mà chiếc áo dài “bị” xem là một món hàng xa xỉ.

Anh kể sau năm 1975, mẹ anh vốn là một luật sư có tủ áo dài trên 100 chiếc. Vì hoàn cảnh khó khăn, bà phải cắt hai vạt áo dưới lấy vải may đồ cho con, còn phần trên mặc giống như chiếc áo Tàu.

Ký ức đó mỗi khi nhớ lại là Sĩ Hoàng xúc động, rưng rưng. Nhà thiết kế nghiệm ra rằng: “Những gì có được ngày hôm nay đều do dân giữ, dân giấu mà thành ra có cả!”.

Bảo tàng sẽ kể những câu chuyện về chiếc áo dài, còn câu chuyện của Sĩ Hoàng là câu chuyện của một con người đang chạm tay vào những giấc mơ của cuộc đời mình.

Và giấc mơ đó có thể chia sẻ với nhiều người. Nhưng dường như trong lòng nhà thiết kế tuổi ngũ tuần này vẫn chưa dừng lại những “tham vọng”. Anh nói: “Tôi có ba giấc mơ của cuộc đời là thư viện, bảo tàng, nhà hát. Thư viện, bảo tàng nay sắp có rồi (thư viện Xanh thuộc bảo tàng), trong tương lai nếu còn đủ sức lực, nếu trời thương thì tôi vẫn muốn cho mình có một nhà hát nữa!”.

Áo dài kể chuyện

Bảo tàng áo dài sẽ tọa lạc trong khuôn viên nhà vườn Long Thuận của Sĩ Hoàng ở Q.9, TP.HCM. Hiện Sĩ Hoàng đang gấp rút chuẩn bị cho kịp ra mắt vào cuối năm nay. Niềm vui được anh tiết lộ là UBND Q.9, UBND TP đều đồng ý, ủng hộ và xem đây là một địa điểm du lịch văn hóa trong tương lai.

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, Sĩ Hoàng vừa ra Hà Nội để xin nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chiếc áo dài bà mặc những ngày đương nhiệm. Trong tay anh có chiếc áo dài cưới ba đời, do mẹ bà Tôn Nữ Thị Ninh mặc trong ngày vu quy, sau đến lượt bà Tôn Nữ Thị Ninh mặc trong ngày đám cưới, rồi đến con dâu của bà tiếp tục mặc nó trong ngày vui trăm năm.

Hay chiếc áo dài Le Mur của mẹ nghệ sĩ Xuân Hương, nay được nữ nghệ sĩ tặng lại cho anh là hàng hiếm có! Nơi làm việc của Sĩ Hoàng cũng trưng bày la liệt hình ảnh, từ chiếc áo tứ thân thế kỷ 17, chiếc áo ngũ thân thế kỷ 18, áo dài vương triều nhà Nguyễn... cho đến chiếc áo dài Le Mur (họa sĩ Cát Tường vẽ), áo dài Lê Phổ những năm 1930, áo dài hở cổ những năm 1950, áo dài hippy những năm 1960, áo dài Minh Hạnh những năm 1990... Còn nhiều tư liệu nữa, nhưng sự “ky bo” của Sĩ Hoàng là chưa chịu công bố mẫu. Anh nói rằng muốn dành tất cả sự mới mẻ cho tới ngày khai mạc.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên