23/08/2013 07:15 GMT+7

Hiểu biết để vững tin

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Sáng 22-8, khuôn viên hội trường Thống Nhất tấp nập hơn ngày thường. 9g, chương trình khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” bắt đầu.

Nhưng ngay từ 7g-8g sáng, nhiều người dân đã tìm đến để được nhìn tận mắt tấm bản đồ có in rõ hình biển đảo của mình từ hồi xửa hồi xưa.

FoKyId6x.jpgPhóng to
Du khách quốc tế tham quan triển lãm sáng 22-8 - Ảnh: Minh Đức
H5ba2xg9.jpgPhóng to
Một phần bản đồ do Petrus (cũng gọi là Pieter) thực hiện năm 1594 thể hiện rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Ảnh: Minh Đức

Để vững tin hơn trong đấu tranh

Loay hoay đứng trước tấm bản đồ Đông Ấn do Seutter thực hiện năm 1720, xoay tới xoay lui chiếc máy ảnh tự động kiểu nhỏ, mãi một lúc lâu ông Phan Hồng Hải vẫn chưa chụp xong hình bản đồ. Ông cụ 84 tuổi, tay run run cầm máy hình, nói: “Tôi muốn chụp rõ từng chi tiết để đem về cho vợ con ở nhà và mấy người thân quen xem. Hôm nay xem bản đồ, xem hình ảnh từ thời xa xưa thấy rõ cả Trường Sa, Hoàng Sa, thấy cả quân đội mình đóng quân trên đảo thì yên tâm, phấn khởi lắm rồi”.

Rảo bước xem hết hình ảnh này đến tư liệu khác, ông Nguyễn Hồng Thanh (khu phố 10, P.14, Q.Gò Vấp) nói: “Tôi dậy sớm chạy xe máy vượt hơn 13km đến đây từ sáng sớm. Ngày hôm qua lúc ngồi uống cà phê, đánh cờ tướng ở khu phố, tôi đã nhắc bà con bữa nay có triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa rất hay ở hội trường Thống Nhất, nhớ tranh thủ đi xem”.

Ông Thanh kể tiếp: “Vừa rồi tôi sang Mỹ thăm con. Khi đến miền nam California thì được nghe bà con Việt kiều mình bên đó nói họ sắp tổ chức phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi nghe như vậy trong lòng thấy rất phấn khởi, bởi vì bà con mình dù sống xa quê hương nhưng vẫn luôn tâm niệm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hôm nay, tôi càng xem càng khẳng định rằng đảo là chủ quyền của dân tộc Việt Nam, không thể chối cãi được. Hồi nào tới giờ nghe tivi, nghe đài phát thanh nói rất nhiều rồi, hôm nay muốn đến xem thực tế trên bản đồ ra sao. Biết để hiểu và vững tin hơn trong đấu tranh chứ”.

Lẫn trong dòng người là một đôi vợ chồng trẻ bồng theo con nhỏ, nước da sạm nắng, chân mang dép lê. Nhiều người ngạc nhiên nhận ra anh Hồ Dương, chị Trương Thị Liền và bé Hồ Song Tất Minh - những cư dân sinh sống trên đảo Song Tử Tây. Anh Hồ Dương khoe: “Vợ chồng tôi đưa cháu vào TP.HCM chơi được bốn ngày rồi. Theo kế hoạch hôm nay phải về Cam Ranh. Đến khi biết tin có triển lãm nên hai vợ chồng quyết định nán lại thêm buổi sáng, đưa cháu Minh đến đây xem. Xem xong là cả nhà ra bến xe miền Đông về luôn. Tôi xúc động nhiều khi thấy người dân TP dành nhiều tình cảm cho biển đảo, cho bộ đội và người dân sống trên đảo. Sống trên đảo nhiều năm rồi, tôi biết cuộc sống ở đảo còn thiếu thốn tình cảm và hơi ấm của đất liền lắm. Chỉ mong có thêm nhiều cuộc triển lãm như vầy để người dân cả nước được biết nhiều hơn về Trường Sa”.

Câu chuyện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Ngay sảnh trước khu triển lãm, rất nhiều khách tham quan vây quanh, im lặng như nuốt từng lời của một cụ già đang run run chống gậy. Đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Ông bộc bạch: “Tôi có nhiều bệnh tật, chân lại khó đi nhưng vẫn quyết tâm muốn đi để thỏa cái sự đoàn kết của dân tộc trong việc giữ nước, bảo vệ đất nước. Ngay lúc này tôi cảm thấy rất sung sướng. Đây thật sự là những giây phút hạnh phúc của cuộc đời. Từ 40 năm nay, tôi đã hợp tác với chính quyền nghiên cứu địa lý lịch sử toàn quốc, đặc biệt là biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa. Thật ra đây là những vấn đề tế nhị nên mỗi khi tôi viết về vấn đề ấy, hay định đưa ra triển lãm những tài liệu về Trường Sa, Hoàng Sa thì thường nhận được góp ý rằng đây là chuyện khó nói, khó viết, khó thực hiện. Nhưng hôm nay với cuộc triển lãm này, đó không còn là sự hồ hởi của riêng các nhà nghiên cứu, những người làm chuyên môn mà là của toàn dân tộc. Từ xưa đến nay, ít nhất là gần 500 năm nay, hàng chục ngàn bản đồ của quốc tế đều công nhận Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta cũng nghĩ như thế và tin như thế. Nhưng nghĩ là một chuyện, ý thức là một chuyện, còn phải đưa ý thức của mình từ khối óc đến con tim, phải tha thiết với đất nước của mình bằng khối óc lẫn con tim, làm thành quyết tâm giữ vững chủ quyền đất nước của mình. Chuyện này khó khăn đấy, nhưng với quyết tâm, với khối óc, con tim của đông người thì chúng ta sẽ làm được”...

Đứng lẫn trong đám đông nghe ông nói, bạn Nguyễn Trần Thanh, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hí hoáy mở điện thoại. Thanh nói khẽ: “Tôi vào Facebook gửi mấy tấm hình giới thiệu về cuộc triển lãm, nhắn mấy đứa bạn tới đây xem. Xem để thấy yêu đất nước mình nhiều hơn nữa!”.

Ngày 22-8, tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM, triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” do Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức đã chính thức khai mạc.

Triển lãm trưng bày gần 200 bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa. “Triển lãm nhằm giúp bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc, hiểu được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và khẳng định ý chí quyết tâm của người dân Việt Nam trong bảo vệ mỗi tấc đất biển trời thiêng liêng của Tổ quốc” - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh. Triển lãm kéo dài đến ngày 29-8.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên