21/08/2013 11:23 GMT+7

Lửa Phật: lạc lối trong nhiều thông điệp

hungthuat
hungthuat

TT - Trước khi khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 22-8, tối 19-8, Lửa Phật - bộ phim hành động giả tưởng có lẽ là được chờ đợi nhất của phim Việt 2013 - đã có buổi ra mắt hoành tráng tại tòa nhà cao nhất TP.HCM.

UdRClwEQ.jpgPhóng to
Phân đoạn xúc động nhất trong phim khi Thái Hòa diễn xuất đầy xúc cảm trong vai anh làm bánh... - Ảnh: BHD

Ðược manh nha chuẩn bị cách đây gần 10 năm trời kể từ lúc có kịch bản, cả một dàn sao tên tuổi cùng họp mặt: Dustin Nguyễn (nhà sản xuất, tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên chính), Ngô Thanh Vân, Thái Hòa, Ðinh Ngọc Diệp, Hiếu Hiền và diễn viên đến từ Hollywood - Roger Yuan...; có vẻ như Lửa Phật đã nhóm lên được những mong chờ một phim Việt có sức công phá bất ngờ sau mùa phim hè "thảm bại" vừa qua.

Công bằng mà nói, là một trong số những phim Việt tốn tiền nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, những gì có trên màn ảnh cho thấy phim thật sự tốn kém. Tuy nhiên, nỗi buồn lại nằm ở nhiều yếu tố khác...

Dễ thương nhất là anh hàng bánh

Câu chuyện của Lửa Phật là câu chuyện về một chiến binh tên Ðạo (Dustin Nguyễn) đang trên đường tìm kiếm những kẻ đào ngũ của binh đoàn Hoàng gia để thi hành án tử.

Trên con đường dường như chỉ có gió bụi và máu trải ấy, Ðạo gặp cả lý (dưới hình tượng chiến binh của binh đoàn Hoàng gia) và gặp cả tình.

Ðể rồi một gia đình tưởng yên ấm chín năm qua, nay đang ở ngưỡng của tan vỡ khi oan gia, oan tình cùng hợp lại. Lửa Phật còn là một câu chuyện tình được nhấn nhá qua liên tục những cảnh hồi tưởng tản mát làm loãng nhịp phim.

Cái kết khá bất ngờ nhưng quá nhanh dễ làm hụt hẫng cảm xúc, nhất là khi cả phần đầu phim đã quá chậm rãi. Lửa Phật có hài (khá tục), có chút sexy, có nhiều màn hành động nhưng không mới lạ.

Tất cả nằm trong trong một chuỗi liên kết mạch chuyện rời rạc nên phim hoành tráng mà chưa phải là phim hay.

Sự trở lại của Dustin Nguyễn và Ngô Thanh Vân (Ánh) có lẽ được chờ đợi nhiều nhất bởi từ sau Dòng máu anh hùng, đến nay họ mới cộng tác cùng chung một phim, lại là phim hành động - thể loại mà cả hai đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khán giả Việt về năng lực diễn xuất.

Ngô Thanh Vân cho thấy sự trưởng thành thật sự về kỹ thuật diễn điện ảnh, tiết chế tốt trong cảm xúc. Roger Yuan (Long) có phần diễn xuất không dài nhưng ngoại hình hợp vai của anh đã tải khá tốt sức nặng của một nhân vật... mỏng.

Vai diễn của Ðinh Ngọc Diệp với nhân vật cô gái điên tuy ngắn nhưng biểu cảm được tâm trạng của một "người điên biết yêu" (như nhận xét của một khán giả trên Facebook), dù đường dây câu chuyện liên quan đến nhân vật này lại hơi bị lạc ra khỏi mạch phim.

Chú bé Ben (tên thật Nguyễn Hoàng Quân) cũng nhận một vai nhí khá nặng ký và diễn xuất của em ở mức chấp nhận được.

Và lẽ ra người ta sẽ khó nhìn thấy Ngô Thanh Vân, Dustin Nguyễn diễn còn chút gì đó hơi "cứng", nếu như họ không cùng diễn với Thái Hòa.

Không còn là những vai diễn chọc cười đến "ngớ ngẩn", Thái Hòa làm anh chàng làm bánh khờ khạo si tình và đầy cảm xúc. Dù không phải là nhân vật chính ngoại hình đẹp, chuyện tình như mơ hay thể hiện những màn đánh võ hoành tráng nhưng Thái Hòa lại sở hữu phân đoạn xúc động nhất của phim để trở thành nhân vật dễ thương nhất, thuyết phục nhất...

Cái gì cũng có nhưng chưa tới

Cái giá phải trả cho những kẻ đào ngũ là án tử, nghĩa là công việc mà Ðạo đang làm chính là sự truy sát. Trong phần thoại, có nhiều câu nói của Ðạo khiến khán giả dễ nhầm tưởng rằng bộ phim ca ngợi những chiến binh hi sinh tình riêng để bảo vệ đất nước.

Nhưng tình riêng thì có mà nghĩa lớn thì... chưa thấy. Ðạo quẩn quanh với phụ nữ cũng nhiều như những màn rượt đuổi đánh đấm với... đồng đội của anh (chứ không phải kẻ thù).

Vai diễn cô gái điên lem luốc của Ðinh Ngọc Diệp với một phân cảnh khá "nhạy cảm" với Dustin Nguyễn lẽ ra có thể đẩy cảm xúc của khán giả hình dung về một biểu tượng, rằng người anh hùng có xông pha đến đâu thì cũng có những khoảng lặng mong chờ sự ấm áp như khi được áp mặt vào bầu ngực người nữ, là vợ, là mẹ, là chốn bình yên.

Tiếc thay trong phân đoạn đó, cách diễn "láu cá" của Dustin Nguyễn lại làm phản thông điệp (nếu có) của hình dung này.

Trong phim, có nhiều triết lý Phật giáo được nhắc tới hoặc được nói ra. Như tiêu biểu là câu nói: "chỉ đến khi con tự tha thứ cho mình trước, không thì con đường phía trước vẫn còn dài vô tận..." của nhà sư nói với Ðạo ở kết phim, xem xong khán giả vẫn thắc mắc không hiểu tha thứ điều gì, tại sao?

Và hình ảnh cuối phim, chắc chắn sẽ gợi cho khán giả nhớ đến một hình ảnh lịch sử của Phật giáo năm 1963. Có lẽ đó là hình ảnh có lửa và có Phật nhất trong cả phim. Nhưng tiếc là nhân vật chưa đủ chiều sâu thân phận để chuyển tải thông điệp "Lửa Phật" ấy. Thế nên, trong Lửa Phật cái gì cũng có nhưng có đến mà chưa tới...

CÁT KHUÊ

Quảng cáo rượu lộ liễu

Là phim giả tưởng nên Lửa Phật mặc nhiên có những chi tiết phi lý (dù cái tên tiếng Anh của phim dịch chính xác là Ngày xửa, ngày xưa ở VN) như nhân vật mặc cổ trang đi xe máy phân khối lớn. Và tửu điếm thì có rượu mạnh, lại là một nhãn rượu khá nổi tiếng. Không giống như loạt phim về James Bond (007) thường quảng cáo cho một nhãn hiệu bia, quảng cáo rượu ở Lửa Phật lộ liễu hơn, dài hơn và... thô thiển hơn.

Nhân vật Đạo bước vào tửu điếm, gọi: “Mang chai rượu ngon nhất ra đây” và sau đó, chai rượu màu xanh xuất hiện trên bàn mà ai sành rượu cũng nhận ra đó là chai rượu nhãn gì, rồi Đạo bắt đầu màn khen rượu. Đạo nói về whisky say sưa kéo dài đến vài phút. Chưa hết, khi Đạo ngã xuống trong cơn tỉnh mê thì phía sau lưng Đạo cũng là một bức tường được xếp toàn bằng các chai rượu cùng nhãn, khác chăng là chuyển từ màu xanh sang màu... vàng. Và ngay cả đại tướng Long cũng... không thoát, khi anh bước vào tửu điếm để tìm Đạo, anh cũng phải tán dương chai rượu xanh kia một cách chẳng ăn nhập gì với câu chuyện!

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên