Phóng to |
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về lớp học đặc biệt của mình, Trang Trịnh nói: Những người đã đăng ký tham gia khóa học bốn buổi này hầu hết đều là những người trưởng thành bận rộn. Vì thế, việc họ dành riêng một khoảng thời gian nhất định hằng tuần dành cho khóa học cảm thụ âm nhạc cổ điển là một minh chứng cho nhu cầu tinh thần mạnh mẽ đó.
* Với bốn buổi học, mỗi buổi kéo dài hơn hai giờ để giới thiệu về hàng trăm năm phát triển của âm nhạc cổ điển, bản thân Trang Trịnh có đặt một mục tiêu gì cho khóa học này không?
- Chương trình mà tôi đang cố gắng xây dựng là những chia sẻ gần gũi nhưng có hệ thống về âm nhạc cổ điển. Mười tiếng vẫn là quá ngắn để có thể giới thiệu được một cách tổng quát nhất về loại âm nhạc này, vì thế điều tôi chú trọng là sự khai mở trí tưởng tượng, tạo dựng một thói quen nghe nhạc có định hướng thẩm mỹ. Tôi sẽ thất bại nếu kết quả của khóa học chỉ là những con người hiểu biết hơn về âm nhạc. Điều tôi hướng tới là những người biết yêu và trân trọng những giá trị tinh thần mà âm nhạc cổ điển có thể mang tới cho họ, khiến cuộc sống tinh thần của họ giàu có, phong phú và hạnh phúc hơn.
* Hai lớp, mỗi lớp chỉ 30 học viên. Còn nhà hát có số ghế hạn chế như Nhà hát lớn cũng có tới 600 chỗ, tức là 600 khán giả. Để có thể tạo nên một lớp khán giả am hiểu nhạc cổ điển, đây có phải là việc “dã tràng xe cát”?
- Tôi không có mục đích tạo ra lớp khán giả am hiểu nhạc cổ điển chỉ với một khóa học này. Tuy nhiên, tôi tin vào khả năng lan truyền cảm hứng của các thành viên trong khóa học. Nếu họ thật sự cảm thấy thích thú, sẽ không khó khăn để họ chia sẻ những gì mình biết với đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và con cái họ một cách tự nhiên, chân thành và sáng tạo hơn tôi rất nhiều. Chính sự “tỏa sáng” tự nhiên của những con người đầy cảm hứng mới là cách tốt nhất để tạo ra một lớp khán giả thực thụ.
* Là một nghệ sĩ trình diễn âm nhạc cổ điển, Trang Trịnh nghĩ gì về những tràng vỗ tay khi chưa hết chương, những tiếng bấm máy ảnh không hãm thanh, những tiếng chuông điện thoại hay tiếng trẻ con khóc vẫn thường gặp trong các buổi biểu diễn nhạc cổ điển ở VN?
- Vỗ tay là một lời khen tặng, một sự chia sẻ niềm vui. Tuy rằng thời gian và truyền thống đã tạo ra các luật lệ như “không được vỗ tay giữa các chương, chỉ vỗ tay khi hết bài”, nhưng đối với tôi thì việc khán giả vỗ tay giữa các chương là điều không hề sai. Thời của Mozart, Beethoven, thậm chí khán giả còn vỗ tay ngay trong bài biểu diễn nếu như họ cảm thấy thích thú. Rất nhiều chương nhạc trong các bản giao hưởng của Haydn được viết với hi vọng rằng công chúng sẽ vỗ tay ngay khi nốt nhạc cuối còn đang ngân lên. Ngay cả hiện tại, trong các vở nhạc kịch opera, việc khán giả vỗ tay ngay sau một đoạn aria thành công, giữa lúc dàn nhạc vẫn đang chơi để khen ngợi ca sĩ là một điều hoàn toàn được chấp nhận. Dĩ nhiên, những sự tôn trọng nghệ sĩ tối thiểu như tắt chuông điện thoại, giữ yên lặng, không đưa trẻ em còn quá nhỏ, hay quấy khóc đến một buổi biểu diễn trực tiếp là điều mà các nhà tổ chức cần phải lưu tâm hơn để giúp đỡ khán giả có một nhận thức chính xác về tác hại của chúng.
Đưa nghệ thuật tiếp cận gần hơn với công chúng Mục đích của chương trình giáo dục nghệ thuật Cuca không nhằm để tăng số lượng người đến với nghệ thuật mà nằm ở việc đưa nghệ thuật tiếp cận gần hơn với công chúng. Chương trình mong muốn bổ sung những kiến thức nền tảng cơ bản về nghệ thuật để hỗ trợ việc cảm thụ tác phẩm nghệ thuật. Thực hiện chương trình này, chúng tôi hi vọng mỗi người sẽ duy trì việc nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp tục tự trang bị cho mình những kiến thức phù hợp với gu thẩm mỹ và nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật của mình, để có thể tạo ra được cá tính và sự tự định hướng thẩm mỹ riêng biệt của từng cá nhân. Mỗi cá nhân có gu thẩm mỹ riêng, yêu thích và biết thưởng thức nghệ thuật sẽ tạo ra một cộng đồng nghệ thuật phong phú và đa dạng. Phạm Diệu Hương (người sáng lập CUCA) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận