Phóng to |
Cô Tấm đáng yêu Hoàng Yến trong chương trình - Ảnh tư liệu |
Có rất nhiều lời thoại thú vị vì hài hước, vì tính đời thường của các nhân vật đã quá quen thuộc từ cổ tích bước ra trong Úm ba la - Chuyện của Tấm (phát sóng lúc 17g55 các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần trên kênh VTV3, Ðài truyền hình Việt Nam).
Thà ngắn mà hay
Thời lượng chỉ có 5-7 phút, mới lên sóng từ ngày 1-6-2013, nhưng rất nhanh chóng Úm ba la - Chuyện của Tấm đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của giới trẻ (lẫn phụ huynh của các em). Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, đưa các nhân vật cổ tích vào đời sống hiện đại, để từ đó khán giả theo dõi hành trình của họ và học hỏi được nhiều điều hay, học cả những kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt thường thức. Khó có thể gọi chính xác thể loại của Úm ba la - Chuyện của Tấm là gì vì có sự kết hợp giữa hài tình huống, phim ngắn và cả phóng sự ngắn (dạng chia sẻ kiến thức trên truyền hình).
Hệ thống tuyến nhân vật của chương trình giống như bộ phim được xây dựng theo nội dung câu chuyện cổ tích Tấm Cám với: đức vua, cô Tấm, nàng Cám, ông Bụt, cá bống... và lần lượt hoặc đồng loạt họ bị rơi vào thế giới hiện đại nên xảy ra những tình huống dở khóc dở cười. Sau mỗi tình huống hài hước như: vì sao Tấm bị hôi chân hay tại sao Tấm ăn kẹo cao su nên cắt hành không bị cay mắt... Tấm (và khán giả) sẽ học được những mẹo vặt thú vị.
Vì ngắn nên có thể thấy điểm mạnh nhất của Úm ba la - Chuyện của Tấm có sự trau chuốt rất công phu về lời thoại, tình huống, đặc biệt là sự hài hước một cách trẻ trung và duyên dáng - vốn là một trong những thứ rất hiếm gặp trong phim truyền hình dành cho tuổi ô mai hiện nay. Dàn diễn viên trẻ giữ các vai chính đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Ðặc biệt là Hoàng Yến vào vai Tấm thật ngọt, vẻ ngây thơ nhưng vẫn rất lém lỉnh của em đã tạo hình một cô Tấm cực kỳ đáng yêu và gần gũi với khán giả trẻ.
Tương tác qua mạng xã hội
Hiện nay việc các bộ phim có tương tác với khán giả qua mạng xã hội đã trở nên khá phổ biến với giới tư nhân. Nhưng với những sản phẩm truyền hình của các cơ quan sản xuất phim - chương trình truyền hình nhà nước thì không có nhiều đơn vị thực hiện và giữ gìn sự tương tác tốt với khán giả. Úm ba la - Chuyện của Tấm đã tạo nên một ngoại lệ thú vị khi duy trì kênh tương tác trên Facebook rất tốt, fan page của phim đã hơn 1.000 thành viên yêu thích chỉ sau chưa đầy một tháng lên sóng. Trên kênh YouTube, các clip được chia sẻ sau khi phát sóng cũng có đến hơn 2.000 lượt xem mỗi tập. Những con số này chưa phải là quá nhiều nhưng cũng thể hiện được sức hút thú vị của phim.
Có rất nhiều ý kiến khen ngợi Úm ba la..., từ kiểu bình luận dí dỏm như: "Lời thoại của Bụt nguy hiểm quá" của K.L. đến nghiêm chỉnh như: "Một chương trình vui và có ý nghĩa lắm" của Tín Gold... Cũng có những ý kiến phê bình nhẹ nhàng như bạn Thanh Trúc - sinh viên ngữ văn Anh Trường đại học KHXH&NV TP.HCM - nói: "Tôi thích chương trình này nhưng có những lời thoại nhại theo bài hát của trẻ em nghe hơi kỳ dù mắc cười, kiểu như: Mùi gì mà hôi hôi thế/Xin thưa rằng mùi tất/Sao mà mùi tất lại hôi/Do chân đi nhiều giày mới hôi chân...". Hoặc như thầy giáo Công Thắng ở Hóc Môn góp ý: "Chương trình cần đưa nhiều tình huống, kỹ năng sống cần thiết hơn vào nữa chứ không chỉ là chuyện thái hành hay trị hôi giày...".
Bước đầu, Úm ba la - Chuyện của Tấm đã nhận được sự chú ý của khán giả. Ngay cả những lời phê bình thể hiện sự mong đợi và tin tưởng vào một chương trình mới - hấp dẫn dành cho tuổi học trò.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận