Phóng to |
Trẻ em xem múa rối Khúc hát ao làng - vở rối nước đầu tiên được dựng để kể những câu chuyện của trẻ em - Ảnh: Đức Triết |
Nhà hát Chèo Hà Nội mấy năm qua “đắt sô” khi làm chương trình cho thiếu nhi. Rất thú vị là “món mới” mà nhà hát đãi khách đã hấp dẫn và dần tạo thành điểm đến mới cho trẻ em Hà Nội. Vậy nhưng, khi hỏi NSƯT Thúy Mùi - giám đốc nhà hát - về kế hoạch biểu diễn ở các huyện ngoại thành, nghệ sĩ cũng chỉ biết lắc đầu: nhà hát không thể tự đi diễn lưu động được. Nếu có thể thì các huyện, xã phải hợp đồng. Năm nay, nhà hát chỉ có một hợp đồng ở huyện Thanh Trì vào ngày 29-5, nhưng không phải vở mới Cây sáo thần mà là chương trình hài kịch của những năm trước.
Còn Nhà hát Chèo Việt Nam mặc dù mấy tháng qua “nổi bật” với hàng loạt chương trình mới nhưng “nhà hát cũng chưa thể dang rộng cánh tay đến những làng quê, dù trong lòng rất muốn”, NSƯT Thanh Ngoan - giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - ngậm ngùi.
Múa rối là loại hình nghệ thuật rất dễ đến với thiếu nhi, song dịp này Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng không lên lịch đi diễn các tỉnh xa. Hoặc các chương trình kịch, tạp kỹ cũng thế. Nghệ thuật xiếc dịp này diễn ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Phòng song điểm dừng chân cũng là thành phố.
Phụ huynh - những nông dân chân lấm tay bùn - vì cơm, áo, gạo, tiền mà chưa thể lo nổi cho con một tấm vé xem nghệ thuật. Theo lãnh đạo các nhà hát hay bầu sô, dịp 1-6 phải “cố thủ” các chương trình ở thành thị vì đây là một trong những mùa diễn bội thu nhất trong năm.
“Bao năm rồi, đừng trông mong chuyện các em được xem một đêm hề chèo! Dù là miền quê được mệnh danh là yêu chèo nhưng bây giờ trẻ em quê tôi lớn lên không còn biết đến chèo là gì vì cả tuổi thơ của chúng có bao giờ được xem một trích đoạn, một vở chèo đâu. Lâu nay, vẫn nghe những tuyên truyền về bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống nhưng tôi thấy dường như chúng ta quên một đối tượng rất quan trọng là thiếu nhi - đặc biệt là thiếu nhi nông thôn. Mà vào những dịp Tết thiếu nhi như thế này, nếu như có một đoàn nghệ thuật được Nhà nước đảm bảo kinh phí để về với các làng, xã thì hay biết mấy” - cô giáo Nguyễn Thị Ngoan, ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận