Kỳ 1: Bốn “đại gia” trên đường đua
Tự hào là quốc gia Ðông Nam Á đầu tiên có bản quyền The Voice là chuyện "xưa như trái dưa", bởi phải là quốc gia có được bản quyền của một chương trình còn đang trong vòng sơ tuyển ở Mỹ như Công ty Ðông Tây Promotion mua bản quyền The winner is... mới... oách!
Phóng to |
Các ứng viên dự thi chương trình Tôi là người chiến thắng (lên sóng HTV7 từ ngày 25-5) - một định dạng đang được quan tâm trên thế giới, kết hợp giữa truyền hình thực tế The Voice và game show Deal or no deal (Đấu trường 100) - Ảnh: T.T.D. |
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Phóng to |
Cặp Lê Trung Cương - Khánh Ngọc trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2013 - một trong những chương trình truyền hình thực tế đình đám hiện nay - Ảnh: T.T.D. |
The winner is... - tên chương trình tại Việt Nam Tôi là người chiến thắng - sẽ chính thức lên sóng HTV7 từ ngày 25-5, lúc 21g.
Cách đây năm năm (2007), trầy trật lắm Ðông Tây mới có được bản quyền Idol - bản quyền chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng, mang tính toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam. Khi đó, Idol đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới. Vậy mà giờ đây Việt Nam đã nằm trong danh sách những quốc gia đầu tiên mua và liên tục mua về những chương trình "hot".
The winner is... còn có The voice kids (Giọng hát Việt nhí), Project runway (Nhà thiết kế Việt Nam), X-Factor (tên dự kiến tại VN là Nhân tố X), Got to dance (dự kiến: Vũ điệu đam mê)... sẽ chào sân khán giả truyền hình cả nước trong năm nay. Chưa kể hiện đã có khoảng 20 chương trình truyền hình thực tế lớn đang giành giật sóng lẫn khán giả trên truyền hình.
Sóng đã xô sóng, giờ lại trùng giờ
Giám khảo gốc Việt Khi thí sinh không còn là một ẩn số lớn của các chương trình truyền hình thực tế thì các giám khảo hay người cầm trịch chương trình (host) sẽ là “con át chủ bài”. Và ý tưởng chọn giám khảo gốc Việt cũng đang “đụng” nhau rần rần tại các cuộc chơi: Huy Trần cho So you think you can dance, Thanh Bùi cho The voice kids, Christine Hà cho MasterChef, Chloe Đào cho Project runway... |
Còn nhớ Tiếng hát truyền hình, một chương trình thành công hơn 15 năm trước, từng phải nhường sân cho Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc - mùa thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên qua đến mùa thứ ba, thứ tư, Idol cũng đành ngậm ngùi nhường sóng "giờ vàng" (20g-22g, thậm chí không được truyền hình trực tiếp trên VTV3 ở mùa giải thứ ba) hoặc chia sẻ sóng cho vô số chương trình khác như: Vietnam’s next top model (Người mẫu Việt Nam), Ðồ Rê Mí, Vietnam’s got talent (Tìm kiếm tài năng Việt Nam), MasterChef (Vua đầu bếp)... Sao Mai hay Sao Mai - Ðiểm hẹn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Có thể thấy hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đình đám đều đang nằm trong tay bốn "đại gia" truyền hình: Ðông Tây, BHD, Cát Tiên Sa và Multimedia.
Ðể được công nhận là "đại gia", việc đầu tiên các công ty này phải làm là có được giờ phát sóng tốt trên các kênh ăn khách (VTV3 và HTV7) từ hai "ông lớn" là Ðài truyền hình Việt Nam và Ðài truyền hình TP.HCM. Khi có được giờ và kênh phát sóng "ngon" rồi, họ mới bắt đầu lùng mua các phiên bản truyền hình đang ăn nên làm ra trên toàn thế giới và tìm kiếm tài trợ để làm chương trình.
Cái khó nhất vẫn là "xí" được sóng và "giờ vàng". Vì vậy một khi có được sóng cùng khung giờ mơ ước, các "đại gia" đó sẽ khư khư giữ "đất đai" của mình bằng cách mua thật nhiều chương trình để canh tác, quyết không để các đối thủ có cơ hội chen chân vào. Chẳng hạn khi "xí" được khung giờ từ 20g-21g chủ nhật trên VTV3, Multimedia liền triển khai và cho lên sóng tuần tự chương trình Nhà thiết kế Việt Nam rồi đến Ðồ Rê Mí và Người mẫu Việt Nam từ giữa tháng 4-2013 cho đến hết năm 2013. Cát Tiên Sa cũng vậy, khung giờ 21g30 thứ bảy và chủ nhật trên VTV3 gần như được công ty này "mua đứt" với chuỗi chương trình Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, The voice kids, The voice, Got to dance, X-Factor sẽ lần lượt lên sóng. Ðông Tây cũng gần như "độc quyền" khung giờ 21g thứ bảy hằng tuần trên HTV7 với hai chương trình The winner is... và So you think you can dance.
Hễ sóng còn trống là sẽ còn chương trình mới được đưa vào. Nếu hết sóng thì các chương trình sẽ được di dời qua ngày khác (như Idol đổi qua VTV6 của mùa giải năm trước và chuyển ngày phát sóng qua thứ sáu trên VTV3, thay vì thứ bảy hay chủ nhật ở mùa giải năm nay).
"Đụng hàng" chan chát
Vậy nên không thể tránh khỏi chuyện nhiều chương trình đụng giờ chiếu chan chát (đó là chưa kể các chương trình truyền hình thực tế này còn "đụng" với các game show, phim truyền hình hay các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp) ở các kênh khác nhau khiến lượng khán giả xem chương trình bị phân tán không ít. Thực tế cũng cho thấy trong cùng một ngày thứ bảy hay chủ nhật, VTV3 liên tục gánh các chương trình truyền hình thực tế khiến khán giả nhiều khi bội thực.
Bản thân các "đại gia" truyền hình cũng phát hiện dù người Việt vô cùng mê ca hát nhưng các format (định dạng) tìm kiếm tài năng ca hát ngày nay dù có đầy kịch tính cũng không dễ làm cho "hot" như ngày xưa nên đã mở rộng ở nhiều độ tuổi và đối tượng khác nhau như: Tiếng hát mãi xanh (thi hát dành cho lứa tuổi trung niên và cao tuổi), Ðồ Rê Mí cho thiếu nhi, The voice kids cho thanh thiếu niên, Gia đình tài tử cho cả gia đình với mọi độ tuổi...
Nhiều nội dung khác cũng đã được khai thác nhằm mang đến nhiều hương vị khác nhau cho "món ăn" truyền hình thực tế như: tìm kiếm người dẫn chương trình, người mẫu, vũ công, đầu bếp, nhà thiết kế... Người ta cũng khéo chọn thí sinh là những người nổi tiếng để "câu" khán giả. Thế nhưng, tất cả đều đang khiến người xem ngán ngại vì sự trùng lắp, đụng nhau không chỉ ở thể loại truyền hình thực tế, giờ hay kênh phát sóng, hình thức thi, nội dung thi mà còn ở thí sinh, ban giám khảo, người dẫn chương trình...
Rất nhiều thí sinh thất bại ở cuộc thi này lại thành công vang dội ở cuộc thi khác và ngược lại, mà những Tiêu Châu Như Quỳnh, Văn Mai Hương, Uyên Linh... là những ví dụ. Lực lượng thí sinh, MC lẫn giám khảo cũng đang cạn kiệt đến mức các vị trí này đang được hoán đổi cho nhau loạn xạ. Từ vai trò thí sinh ở cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ thứ nhất, Ngô Thanh Vân và Ðoan Trang bỗng trở thành giám khảo của Thử thách cùng bước nhảy. Hay Trấn Thành từng là thí sinh của Cặp đôi hoàn hảo mùa trước lại trở thành MC ở mùa này. Và ngược lại, MC Phan Anh của mùa trước lại là thí sinh của Cặp đôi hoàn hảo mùa mới. Gần đây nhất là Lương Mạnh Hải từng là thí sinh của Bước nhảy hoàn vũ giờ thành người dẫn chương trình cho mùa thi năm nay...
Ðang phủ sóng truyền hình, truyền hình thực tế xem ra vẫn còn là một món ăn thời thượng, có thể "xào nấu" đa dạng. Tuy nhiên, nhà sản xuất lẫn khán giả sẽ không còn quá chú trọng vào nội dung của từng chương trình mà chủ yếu hướng vào các chiêu trò hay sự kịch tính của chương trình. Giá trị giải thưởng càng lớn cùng phần tài trợ càng hùng hậu thì kịch tính của chương trình càng cao. Kịch tính cùng tiền thưởng càng cao thì chương trình càng có sức mạnh để "xô đẩy" các chương trình còn lại.
Đua sóng giờ vàng Khung giờ từ 8g đến 9g tối các ngày trong tuần được coi là “giờ vàng”. Nhưng sự cạnh tranh khốc liệt nhất để giành đất phát sóng phải là khung giờ từ 8g tối trở đi trong hai ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật, đây là đất của các chương trình truyền hình thực tế lẫn game show hấp dẫn, gây chú ý nhất và thường xuyên được truyền hình trực tiếp. Ðiều đặc biệt có thể nhận thấy trong cuộc chiến giành lấy vị trí “hot” gần như chỉ là cuộc chơi của những công ty truyền thông lớn hiện nay: Cát Tiên Sa, Ðông Tây Promotion, BHD và Multimedia. Ðể nằm “chiếu trên”, công thức chung gần như tuyệt đối đó là tiềm lực vốn mạnh, quan hệ rộng, nhân lực hùng hậu nhưng điều không thể không nhắc đến: họ đã nhanh nhạy nắm giữ bản quyền của nhiều chương trình hay, hấp dẫn hàng triệu khán giả trên thế giới. Những chương trình này ngoài yếu tố hấp dẫn về giải thưởng, sự nổi tiếng của người chơi thì “định dạng” (format) chung đều mang tính tương tác cao đi kèm với khá nhiều “chiêu trò”, xìcăngđan... nhằm lôi kéo tuyệt đối sự chú ý của các “thượng đế”. Các phiên bản gốc khi được Việt hóa cũng được các nhà truyền thông Việt không quên tận dụng tối đa các chiêu bài đem lại sự tò mò mới lạ cho người xem trong nước. Tuy nhiên có lẽ đây dường như chưa phải cuộc chiến thật sự, bởi các công ty truyền thông chưa thể độc tôn ôm trọn “miếng bánh” ngon này, bởi họ chưa thể có trong tay tất cả những chương trình ưu tú nhất. Mà “miếng bánh” này có vẻ như đã ngầm phân định san sẻ cho nhau những khẩu phần hợp lý để cùng bắt tay nhau “giữ chỗ”, tránh những “ngựa ô” chen chân phát triển. Từ việc phân chia này, dễ nhận thấy mục đích và định hướng các chương trình của từng công ty là khác nhau để tránh phải giẫm chân lên nhau khi đối đầu trực tiếp. Với Cát Tiên Sa, các game show, truyền hình thực tế của họ chủ yếu thiên về mảng thi ca hát (Giọng hát Việt, Cặp đôi hoàn hảo, Bài hát Việt, Ngôi sao tiếng hát truyền hình...), tuy nhiên với vị thế và tiềm lực họ cũng vẫn có các chương trình cạnh tranh với đối thủ như Siêu mẫu VN (đối thủ của Vietnam’s next top model của Multimedia), Bước nhảy hoàn vũ (có thêm đối thủ là Thử thách cùng bước nhảy của Ðông Tây Promotion)... Multimedia ngoài Ðồ Rê Mí - cuộc thi hát dành cho thiếu nhi - thì các chương trình của họ thiên về thời trang, người mẫu. Ðông Tây Promotion thiên về game show phát sóng định kỳ, còn BHD ngoài những game show ăn khách định kỳ vào mỗi tối thì nay các chương trình định hướng thiên về các cuộc thi về tài năng như Vua đầu bếp, Tìm kiếm tài năng VN. Và trong cuộc ăn chia ngầm “chiếc bánh ngon”, “đại gia” truyền thông nào lôi kéo được nhiều khán giả và lợi nhuận hơn thì giành được phần nhiều hơn của chiếc bánh. VIỆT CƯỜNG |
___________
Kỳ 2: “Tiểu gia” trong cơn sóng lớn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận