Phóng to |
Cảnh chen lấn, xô đẩy trong trò chơi cướp phết |
Đình Đông Lai, sân lễ hội, các ngả đường chính vào đình đều đông đặc du khách thập phương về theo dõi lễ hội.
Được tổ chức hằng năm vào chiều mùng 7 tháng giêng (16-2), hội “Đả cầu cướp phết Bàn Giản” (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã trở thành một lễ hội độc đáo và đặc sắc thu hút hàng vạn người tham dự dịp đầu xuân.
Lễ hội cướp phết gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các nghi lễ giã bánh giầy, dâng hương hoa tế lễ, rước quan đi thị sát dân tình; phần hội bao gồm lễ cướp phết, chọi gà, chơi cờ người, đánh đu và bịt mắt bắt dê. Sôi động nhất là màn cướp phết, năm nay lễ hội được tổ chức ngay tại khoảng sân rộng đối diện đình Đông Lai.
Quả phết được làm từ gỗ quý, có màu nâu, đường kính khoảng 35cm.
Ông Nguyễn Văn Mùi, trưởng ban tổ chức phần lễ, cho biết tương truyền thời Hùng Vương thứ 18 đời thứ ba có giao cho bốn vị tướng lĩnh là Đệ nhất tên Xá Sơn, Đệ nhị tên Lê Sơn, Đệ tam tên Tròn Sơn, Đệ tứ tên Xui Sơn về trấn ải miền Đông Lai, Bàn Giản, Lập Thạch để dẹp loạn, dẹp giặc, hộ quốc phù dân. Sau khi thắng trận, các vị tướng đã làm lễ khao quân và phong cấp cho những người có công.
Tưởng nhớ công ơn của các vị tướng lĩnh, nhân dân nơi đây đã làm đền thờ. Từ năm 1993, đình Đông Lai được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Người dân nơi đây quan niệm rằng ai sờ được vào quả phết thì sẽ được may mắn, mọi điều như ý… Chính vì vậy, trò chơi cướp phết luôn sôi động và hấp dẫn.
Khoảng 16g chiều, trai tráng trong vùng đã kéo đến rất đông trước sân đình. Sau 3 hồi trống, ông Mệnh cầm quả phết đứng trên bậc thờ đình Đông Lai. Lúc này, hàng vạn người đứng ở dưới để chờ quả phết được tung ra. Khi lễ được rước đi thì quả phết được tung ra. Thanh niên trai tráng lao vào tranh giành quyết liệt, dùng tay, chân, đầu, thậm chí giẫm đạp lên người khác để cướp phết.
Cầu phết di chuyển đến đâu là cờ vẫy đến đó, tiếng trống hòa lẫn với tiếng hò reo vang dội làm cảnh tượng hết sức nhốn nháo. Hàng nghìn thanh niên hăng say đến mức sẵn sàng đập vỡ cửa kính, trèo tường, lội bùn ruộng, lao xuống ao để giành phết. Hội phết đi đến đâu, người xem hãi hùng chạy tản ra, tránh đám thanh niên chia bè nhóm đang điên cuồng cướp phết. Rất nhiều người bị chảy máu do xô xát mạnh vẫn cố lao vào đám đông.
Anh Nguyễn Kim Cương, 31 tuổi, thôn Xuân Me - người từng hai lần liên tiếp cướp được phết, cho biết: “Tôi chỉ tham gia cho vui thôi nhưng một số người uống rượu rồi lao vào cướp phết điên cuồng, một số khác chỉ vì tin cướp được phết sẽ sinh con trai nên điên loạn bất chấp không kém, có khi ngay trong lễ hội xảy ra đánh nhau, gây thù oán hỗn loạn. Hầu hết người dân đến xem hội cũng hãi hùng không dám lại gần vì sợ nguy hiểm”.
Bên cạnh việc cướp phết, nhiều thanh niên còn lợi dụng lễ hội để giải quyết mâu thuẫn. Trước khi lao vào cướp phết, thanh niên các làng đã tụ tập lại thành nhóm để lao vào ẩu đả với nhóm khác.
Trò chơi chỉ kết thúc khi có một người cướp được phết đem về đình. Có năm 2g sáng trò chơi mới kết thúc khi có người cướp được phết mang về đình nhận thưởng.
Trao đổi với PV, ông Phan Công Chung - phó chủ tịch UBND xã Bàn Giản - thừa nhận trong 2-3 năm trở lại đây, tình trạng thanh niên gây hấn, đánh nhau, bị thương tích trong khi tham gia cướp phết là có. Ông Chung cho biết: “Năm nay công an huyện Lập Thạch đã cử 40 người phối hợp với 20 công an ở xã Bàn Giản bảo vệ an ninh nhưng do lễ hội quá đông (ước tính hơn 1 vạn người), việc bảo vệ an ninh vẫn còn nhiều thiếu sót, vì vậy mới xảy ra tình trạng hỗn loạn”.
“Thanh niên bây giờ hỗn quá, không chịu nghe lời người lớn, lao thẳng lên cướp phết khi chưa có trống làm hỏng một phần nghi lễ. Là một hội lớn nhưng dù sao cũng chỉ là một trò chơi, không nên tranh giành nhau như thế để có may mắn” - ông Nguyễn Văn Mùi ngậm ngùi khi nói về lễ cướp phết.
Phóng to |
Người dân tin rằng sờ được vào quả cầu phết là sẽ được may mắn |
Phóng to |
Đám đông chen lấn chờ cướp phết |
Phóng to |
Nhiều thanh niên leo lên cây xem cướp phết |
Phóng to |
Nhiều người tranh nhau cướp phết |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận