Phóng to |
Nghệ sĩ Minh “kèn” và ca sĩ Ánh Tuyết trong một buổi tập - Ảnh: Công Khanh |
1.
Biết Minh đã lâu, chừng 30 năm về trước, khi đó anh được gọi bằng cái tên Minh Smoky (tên một ban nhạc theo phong cách rock) mới vừa bước vô Trường Âm nhạc Huế, còn tôi sắp ra trường. Rồi nhiều năm sau, cơ duyên đưa chúng tôi lại gần nhau trong một live show cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại Đà Nẵng, cần tìm một người chơi kèn theo đúng ý đồ nghệ thuật của các tác phẩm được trình diễn, chợt nhớ tới Minh khi đó đã khá nổi danh ở đây. Minh xuất hiện vẫn với phong cách hippy ngày xưa, tóc dài, áo phông nhưng đôi mắt giờ đã mắc chứng hẹp đồng tử chỉ còn thấy ánh sáng le lói ở góc nhìn thẳng. Minh khá lạnh lùng khiến cuộc gặp lại đó của chúng tôi dường như có một khoảng cách vô hình, nhưng chẳng hiểu sao tôi không nghĩ anh “chảnh”, “mặc cảm” mà lại có một động lực nào đó thôi thúc bản thân hợp tác với anh.
Nghệ sĩ Minh “kèn” sẽ tái ngộ ca sĩ Ánh Tuyết trong hai đêm nhạc giới thiệu album Duyên kiếp tại phòng trà ATB (đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vào 20g30 ngày 25 và 26-1. Cùng biểu diễn còn có “quái kiệt” miền Trung một thời - nghệ sĩ violin Danh Thắng. |
Điểm khởi đầu trong mối duyên âm nhạc đó của chúng tôi đã gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Khi ở bên chiếc kèn của mình dù dưới ánh đèn sân khấu, trong một quán cà phê nhỏ hay đôi lúc là giữa góc phố, Minh là một con người hoàn toàn khác, anh cháy hết mình trong những giai điệu để mang đến tận cùng xúc cảm cho chính anh và người nghe.
Rồi sau lần hợp tác đó, Minh trải lòng với tôi về cuộc sống, về đam mê âm nhạc nhiều hơn. Hóa ra anh dễ gần hơn tôi tưởng khi đã coi ai đó thật sự là một người bạn tri âm. Chúng tôi trở thành một êkip lúc nào không hay qua những chuyến lưu diễn xuyên Việt. Hành trình âm nhạc tiếp theo đó song hành cùng với việc căn bệnh hẹp đồng tử của Minh trở nặng cho đến lúc anh thật sự không còn nhìn thấy được ánh sáng nữa. Minh không buồn, chẳng thở than, vẫn ngày ngày miệt mài với việc hòa âm, phối khí, tập luyện, biểu diễn và thu âm, Minh còn có đệ tử đến học kèn.
CD Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn của tôi Minh làm hòa âm bài Phúc âm buồn, Thương một người, Ướt mi. Minh tự chơi các nhạc cụ. Trong album này, tôi đặc biệt thích nghe tiếng guitar mộc mạc rơi rơi và tiếng kèn saxo của Minh cứ nhẹ nhàng xoáy vào tâm tư người nghe với những âm thanh trầm bổng vơi đầy. Minh như chỉ có âm nhạc là bạn, Minh sống với âm nhạc thật nồng say, thật miệt mài không mệt mỏi. Minh vui khi những nỗ lực của mình được ghi nhận. Anh đùa và dí dỏm nhiều hơn trong những lần gặp gỡ sau khi album được phát hành như để bù lại sự nghiêm túc, tập trung và cần mẫn suốt quá trình thu âm.
2
Nếu chứng kiến Minh ở sân khấu là sự phiêu đến tận cùng của cảm xúc thì khi ở phòng thu âm anh lại là người cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì làm tới cùng mới thôi. Ý tưởng làm một album nhạc bolero của tôi cũng bắt đầu từ phòng thu nhỏ bé của Minh ở Đà Nẵng khi tôi chợt hát lên một đoạn nhạc trong bài Chuyến tàu hoàng hôn - giai điệu chẳng hiểu sao lúc đó lại hiện lên trong tâm trí, cùng với đó là lời của một số bạn hữu cho rằng “đã đến lúc người ta phải có cái nhìn nghiêm túc về dòng nhạc tình này”. Minh ủng hộ liền và chúng tôi lại bắt tay vào việc thực hiện dự án mới.
Một điều không may là sức khỏe của tôi trong thời điểm đó không được tốt, lại phải trải qua thêm một lần phẫu thuật, việc thu âm gặp nhiều khó khăn khi cả tôi và Minh dường như đều phải căng hết sức. Quả thật đây là lần đầu tiên tôi thu âm một album trong khoảng thời gian dài, công phu và tỉ mỉ. Tôi không nhận lời nhiều show diễn, còn Minh cũng hơn một lần lắc đầu với các vị khách quen thuộc của phòng thu, cứ ròng rã như thể xây hòn non bộ vậy - đây chính xác là sự ví von của Minh.
Rồi khi các bản thu đã dần thành hình, lại một lần thử hóa thành thật nữa khi tôi hát một ca khúc trong số đó bằng tiếng Quảng, Minh trầm ngâm một lúc lâu. Tôi lo, ngỡ anh không hiểu mình hát gì nhưng rồi Minh gật đầu cái rụp sau khi dạo một vài hợp âm trên chiếc guitar đang cầm trên tay lúc ấy. Minh nói tôi phải ra thêm một album các ca khúc bolero bằng tiếng Quảng và khẳng định ngay anh không nói chơi.
Với một tâm trạng chơi vơi và có phần dè dặt, tôi bắt đầu hát những ca khúc bolero bằng tiếng Quảng, hát mà tâm trí vẫn nghĩ chắc chỉ là để chơi và gửi bạn bè nghe cho vui thôi. Thế rồi một người bạn mà tôi gửi bản thu âm đã phổ biến trên mạng xã hội YouTube. Biết tin thật sự lo, nhưng rồi không ngờ lại được khán giả đón nhận với cái nhìn thân thiện, có người còn chia sẻ rằng: “Hóa ra giọng Quảng ngỡ thô ráp mà vẫn thể hiện được một cách tinh tế nhạc phẩm sang trọng đến nhường vậy”. Tôi có thêm sự tự tin để hoàn thiện dự án, mặc dù phức tạp hơn khi phải bỏ công nghiên cứu tìm cách chỉnh sửa ngôn từ theo đúng kiểu nói đặc trưng của người Quảng mà vẫn đảm bảo về thanh điệu, trường độ, cao độ của giai điệu gốc. Và Minh vẫn song hành cùng tôi trong những tháng ngày ấy. Anh đã phối khí với việc chơi tất cả các nhạc cụ trong phần hòa âm của những ca khúc này với một niềm say mê thật sự đặc biệt.
Đôi lúc tôi nghĩ Đà Nẵng là thành phố mà mình vẫn thường đi qua mỗi lần về thăm quê xứ Quảng, và có thể định mệnh đã xui khiến Minh - một người Đà Nẵng, là cầu nối để mình tri ân quê hương bằng âm nhạc...
Tôi nhớ mãi kỷ niệm ở Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội - chương trình đêm nhạc Trịnh Công Sơn, mỗi lần Minh ra sân khấu phải có người dìu, Minh bước run rẩy, dò dẫm nhưng lại vút cao, da diết và sâu lắng trong từng giai điệu với chiếc kèn của mình. Cuối chương trình có khán giả lên tặng hoa và thật sự xúc động chia sẻ với tôi rằng: “Tôi ngồi ở phía xa, thấy có người dìu anh ấy ra sân khấu lại nghĩ ông này say quá, rồi chơi kèn quá hay lại nghĩ chắc nghệ sĩ phải say mới phiêu được, giờ lên đây mới biết...”. Tôi có thể đọc được sự xúc động trong đôi mắt vị khán giả đó, nhưng chẳng kể lại với Minh mà cho đến giờ vẫn chả hiểu vì sao nữa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận