22/12/2012 10:23 GMT+7

Giải bài toán áo dài, khăn đóng

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về các tiêu chí cho bộ lễ phục của Việt Nam. Nhưng bản thân các nhà nghiên cứu lẫn nhà quản lý vẫn hoang mang.

Hoang mang vì chưa biết gọi là lễ phục, quốc phục hay trang phục chính thức của Việt Nam.

ewJBzoVm.jpgPhóng to
Lễ phục tại lễ hội đền Hùng - Ảnh: Lam Thanh

Bởi vậy, cuộc hội thảo sáng 21-12 cũng chỉ đi đến đồng thuận được một điểm: nhất định phải làm. Nhưng làm như thế nào, tiêu chí nào, tên gọi là gì thì... còn phải bàn tiếp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Ta bàn lại thêm một lần nữa về quốc phục sau một giáp (12 năm) gác lại với hai cái mốc đáng ghi nhận: một bộ được sử dụng như quốc phục trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2001 và vẫn duy trì cho đến nay. Tiếp theo là sự kiện APEC do Việt Nam đăng cai với bộ đồ gấm nhiều màu sặc sỡ nhưng hoàn toàn xa lạ với những đặc trưng trang phục Việt Nam, ngay cả thời phong kiến hay thời cận đại. Như thế là đến lần này “quá tam ba bận” ta lại bàn về quốc phục”.

GS Hoàng Chương đề nghị khi chưa tìm ra hình mẫu lễ phục chung thì nên phát triển theo hình mẫu trang phục truyền thống: áo dài, khăn đóng. Còn chít khăn gì, đội mũ gì cho đẹp hơn sẽ tiếp tục bàn thêm, tìm thêm. Nhất thiết khi quan hệ, tiếp xúc với một nước nào đó mà họ mặc lễ phục dân tộc thì ta cũng nên đối ứng bằng lễ phục Việt Nam. Cụ thể là khăn đóng, áo dài có màu sắc như quan chức ở lễ hội đền Hùng.

"Bàn gì thì bàn, nói gì thì nói, áo dài của phụ nữ và áo dài khăn đóng của nam giới luôn luôn là lễ phục gợi lên hình ảnh người Việt Nam. Đã gọi là quốc phục thì tinh thần cốt lõi vẫn là hồn cốt dân tộc"

Họa sĩ Thành Chương

Tuy vậy, bàn về quốc phục thì chín người nhưng mười ý, rồi sau đó ai cũng than khổ vì tranh luận mãi mà không ra nổi bộ quốc phục vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc. Mỗi người đều có cái lý của mình.

GS.TSKH Phan Đăng Nhật đến hội thảo với bộ trang phục áo dài, khăn đóng như một sự ủng hộ đối với trang phục dân tộc này. Ông nói: “Âu phục rất khó chịu. Tôi cho rằng trang phục của nam giới phải là áo dài, khăn đóng. Đó là bộ trang phục xuyên suốt chiều dài lịch sử, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, giá tiền lại không đắt”. Nhà thiết kế Đức Hùng cũng đồng ý với quan điểm: màu sắc, kiểu dáng, họa tiết phải hội tụ được văn hóa Việt Nam, thấm đẫm văn hóa Việt Nam. “Nam giới hay nữ giới mặc áo dài đều đẹp. Tôi chọn áo dài, nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ dùng khăn đóng. Áo dài bên trong cũng có thể mặc quần âu. Quốc phục phải có hơi hướng đương đại, không thể đơn thuần mang tính dân tộc. Khi đã là quốc phục thì từ người 18 tuổi đến 80 tuổi đều thích được mặc”.

Một hạn chế của áo dài, khăn đóng được nhiều chuyên gia chỉ ra là bộ trang phục này gần như không được cải tiến trong suốt trăm năm qua, trong khi áo dài của nữ giới lại phát triển không ngừng nghỉ. Do vậy, nếu muốn trở thành quốc phục, bắt buộc phải giải bài toán áo dài, khăn đóng, biến trang phục này trở nên hiện đại và tiện dụng hơn. Họa sĩ Lê Anh Vân (nguyên hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật) bày tỏ: “Thời đại này tiếp tục áo the khăn xếp tôi sợ không đáp ứng lắm, nhất định phải thay đổi và cải tiến nếu cho đó là dân tộc”.

Cũng bởi quá nhiều ý kiến trái chiều, cuộc hội thảo sáng 21-12 theo ông Vi Kiến Thành (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm - Bộ VH-TT&DL) thì chỉ chốt lại được mỗi một việc là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đều thống nhất cần phải làm quốc phục. Còn Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên khẳng định: Phải đi vào những việc cụ thể như phát động các cuộc thi sáng tác. Cần thiết phải có một bộ trang phục chính thức của Việt Nam để dùng cho mọi tình huống. Bộ trang phục đó phải thể hiện hồn cốt dân tộc từ chiều dài lịch sử.

Quyết tâm là vậy nhưng quốc phục Việt Nam sẽ như thế nào có lẽ vẫn là câu hỏi khó, làm đau đầu cả nhà quản lý lẫn giới nghiên cứu.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên