Phóng to |
Một trong những dấu vết về một Bình Đông xưa - cầu Máy Rượu bằng sắt, mặt lát bằng ván gỗ - nay đã được cải tạo thành cầu bêtông - Ảnh: T.T.D. |
Dẫn ra điều đó, ông Phan Văn Trường nhận định: "Nói thế để thấy rằng nhiều người không coi trọng bảo tồn như chúng ta tưởng đâu". Ðây chỉ là một nội dung tại hội thảo "Di sản kiến trúc đô thị TP.HCM" do UBND TP.HCM và Hội Kiến trúc sư TP tổ chức ngày 14-12. Các chuyên gia, kiến trúc sư, cán bộ bảo tồn đã gặp nhau ở mối ưu tư về việc bảo tồn di sản kiến trúc TP như thế nào trong xu thế phát triển hiện nay.
Những thách thức
Theo tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Quang Ninh, một thách thức lớn khi đề cập vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc TP hiện nay là đã có nhiều công trình kiến trúc bị phá mất trong thời gian qua. Ông Ninh dẫn trường hợp chiếc cầu ở Thảo cầm viên bắc qua kênh Nhiêu Lộc đã bị phá bỏ. Theo ông, chiếc cầu này là công trình đẹp "không thua chiếc cầu bắc qua sông Seine ở Pháp".
Ông nhớ lại quá trình quy hoạch TP đã cho phép đập đi rất nhiều công trình. Theo ông, trong số 108 đối tượng trong danh mục cảnh quan kiến trúc cần nghiên cứu bảo tồn do UBND TP.HCM ban hành năm 1996, đến nay chỉ còn khoảng 75%.
"Chúng ta đang phải chứng kiến một hình ảnh đô thị hỗn loạn về thị giác, mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ..." |
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đối với đô thị như TP.HCM, việc ứng xử sao cho vừa phải đạo với di tích, vừa không kìm hãm đà phát triển kinh tế cần phải tổng hợp kinh nghiệm để giải bốn bài toán cơ bản: bài toán tri thức, tư vấn thiết kế, quản lý và kinh tế.
Trong đó, bài toán tư vấn thiết kế vừa là định hướng ứng xử. Thông thường có bốn cách ứng xử với công trình di sản: bảo tồn di sản, cải tạo, phục hồi, tái thiết di sản. TP.HCM thiên về cách ứng xử cải tạo di sản (rehabilitation), tức là định hướng cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm các công trình di sản, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình.
Trong khi đó, KTS Phạm Phú Cường ghi nhận tại TP.HCM có ba hiện tượng xâm hại di sản đô thị với hàng loạt dẫn chứng: phá bỏ ngay chính các công trình di sản (cầu Ông Lãnh không còn, nhiều công trình nhà, kho, cầu, xưởng có tuổi đời trăm năm dọc kênh Tàu Hủ - rạch Bến Nghé đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong quá trình thi công đại lộ Ðông - Tây); phá vỡ tính chất bối cảnh của các di sản đô thị (đây là hệ quả của phương thức xây chen nhà cao tầng vào các khu đô thị lịch sử, từ năm 1991 đến nay có trên 100 công trình cao từ 15 tầng trở lên được thỏa thuận chỉ tiêu kiến trúc trên địa bàn các quận 1, 3, 4); sự tương phản gay gắt giữa kiến trúc cũ và mới: "Do thiếu những nguyên tắc định hướng hình thức cơ bản, chúng ta phải chứng kiến một hình ảnh đô thị hỗn loạn về thị giác, mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, đối lập về phong cách, màu sắc, vật liệu và kiểu dáng".
Phóng to |
Dãy nhà cổ trên bến Trần Văn Kiểu, Q.6, TP.HCM bị giải tỏa cho dự án đại lộ Đông - Tây - Ảnh: Minh Đức |
Nên thực hiện dự án con đường di sản của TP.HCM
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu trong tham luận của mình đưa ra quan điểm "Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù là tốt đẹp đến đâu".
Ðồng ý với quan điểm này, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu nêu các bài học về bảo tồn mà vẫn phát triển tốt tại các đô thị lớn như Roma, Venice (Ý), Prague (Cộng hòa Czech), đại lộ Gracia ở Barcelona (Tây Ban Nha). Ông cho rằng ngày nay bảo tồn di sản được hiểu theo nghĩa rộng: không chỉ bản thân di sản mà còn là môi trường cảnh quan khu vực, không chỉ phạm vi một di tích mà còn là một khu phố, thậm chí cả TP. Bảo tồn và phát triển tưởng như đối nghịch song bản chất là hai mặt cùng tồn tại trong một thực thể di sản. Ông cũng nhấn mạnh rằng bảo tồn đi đôi với phát triển là nguyên tắc quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị.
Theo hướng đó, KTS Lê Quang Ninh nêu ý tưởng về việc nên thực hiện dự án con đường di sản của TP.HCM, với hình dung có thể từ ngã ba sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé vào đến Lò Gốm. Ông Nam Sơn đề nghị việc quản lý di sản đô thị ở TP.HCM nên bắt đầu bằng việc thống kê danh sách các công trình có giá trị lịch sử, và xác định khu vực lõi trung tâm lịch sử cần bảo vệ di sản. Theo ông, khu vực lõi trung tâm này đánh dấu 300 năm phát triển của Sài Gòn xưa và tồn tại đến ngày nay, cần đặc biệt quan tâm trong quy hoạch khu trung tâm TP.
Trong phiên thảo luận, ban tổ chức đặt vấn đề liệu sự hài hòa trong kiến trúc mới và cũ có phải là một điều không tưởng hay không? KTS Phạm Phú Cường cho rằng: Ðô thị là một cơ thể sống, nó có "mã di truyền" và cội nguồn của nó. Vấn đề hài hòa cũng có nhiều cấp độ: hài hòa đồng dạng; tương đồng có biến chuyển; tương quan về quy mô, bối cảnh chung. Sự hài hòa như vậy sẽ làm mối nối giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận