10/12/2012 08:00 GMT+7

"Tấn trò đời" từ Nhà ôsin

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - “Hài kịch châm biếm”, vé xem ghi thế, và không dành cho người dưới 16 tuổi. “Vui vẻ và không bi kịch” - tác giả Nguyễn Huy Thiệp gọi tên thể loại kịch bản của mình như thế. Đúng mà không đúng...

Đến rạp Tuổi Trẻ xem vở Nhà ôsin, khóc mà cười, cười mà khóc khi chứng kiến “tấn trò đời” trớ trêu!

8PdnJ2HA.jpgPhóng to

NSƯT Chí Trung (vai ông đại tá) và Diệu Hoa (vai Mêluza) trong vở Nhà ôsin - Ảnh: Đức Triết

Câu chuyện mở ra từ một ngôi nhà cổ ở Hà Nội toàn ôsin. Chủ nhà là ông đại tá về hưu, tự nhận luôn mình là “biểu tượng” của ngôi nhà. Giữa đám ôsin ô hợp, nhốn nháo, ông vẫn thích sống bằng “trái tim hồng - đôi khi cũng đau âm ỉ ở đâu đấy nhưng trước sau nó vẫn là một trái tim hồng”... Cả vở kịch phần lớn là những “dốc lòng” về đời tư của mỗi nhân vật: Thủy Trần, Phú điên, bà Tơ, Oanh nhớn, Oanh bé, Mêluza. Chỉ riêng cuộc đời của ông đại tá là kín bưng cho đến phút chót. Tất cả đan cài với nhau để tạo thành “tấn trò đời”. Điểm lạ là trong vở kịch này không có nút thắt. Vậy nhưng khán giả vẫn khó rời mắt khỏi sân khấu.

Về cơ bản, đạo diễn - NSND Lê Khanh vẫn bám sát kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp, sát đến từng lời thoại. Tuy nhiên, dấu ấn của đạo diễn cũng để lại rất rõ với việc thay đổi một chút kết cấu. Nếu như kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp chỉ có hai hồi thì Lê Khanh đã “nới” ra ba hồi bằng yếu tố thời gian: chiều - đêm khuya - sáng sớm. Câu chuyện đầu của buổi sáng giữa Thủy Trần với Mêluza, với Oanh nhỏ trong kịch bản được đạo diễn đặt vào vở diễn sớm hơn: 1g đêm hôm trước. Cách thay đổi này đã tăng hiệu ứng về sân khấu - giảm bớt độ nhàm bằng hiệu quả của ánh sáng. Khi đó, những “tâm sự kín” của các nhân vật cũng hấp dẫn hơn.

Khai thác nội tâm nhân vật, đạo diễn Lê Khanh đã chọn cách đó vừa để diễn viên có đất diễn vừa giữ chân khán giả và biến những gì là đều đều của câu chuyện sang chiều sâu của suy tưởng. Cô Thủy Trần (Thủy Dung, vị khách không mời mà đến) nhạt nhòa, vô vị trong kịch bản qua bàn tay của Lê Khanh cũng đầy nỗi niềm cay đắng khi nhận ra cuộc đời mình sẽ trôi về đâu vì không nghề nghiệp, không bạn bè... Bà Tơ (NSƯT Ngọc Huyền) cũng thế. Nỗi đau khi không thể nhận con (Phú điên) và đành chấp nhận làm ôsin cho chính con đẻ của mình chỉ để ngày ngày được trông thấy nó đã được Lê Khanh khắc họa đậm hơn, xoáy sâu hơn làm thổn thức bao người. Đặc biệt là Oanh nhớn (Nguyệt Hằng), màn độc thoại nội tâm về nỗi vui mừng “chiếm đoạt” được ngôi nhà ôsin của ông đại tá thật... khủng khiếp. Bao tàn ác, thủ đoạn của một kẻ từ ôsin leo lên ngôi vị “bà chủ” lồ lộ trên gương mặt chị ta. Điều này không có trong kịch bản.

Một thay đổi nữa - cái kết. Nguyễn Huy Thiệp chua chát: “Màn từ từ kéo lại. Một phát súng nổ”. Lê Khanh gợi mở: trên sân khấu, ông đại tá cứ sừng sững đứng đấy và những tấn trò đời vẫn cứ tiếp diễn. NSƯT Chí Trung đã lấy được nước mắt từ nỗi đau đớn, xót xa của khán giả. Khóc mà cười - cười mà khóc. Màn nhung khép lại. Khán giả bâng khuâng: không biết “tấn trò đời đến khi nào kết thúc”?

Không gian sân khấu khô khan với những khối vuông cao - thấp, đôi cái được khoét lỗ. Phía sau là cái phông “tơ nhện”. Âm nhạc rất kiệm. Xem ra cách dàn dựng sân khấu của đạo diễn “trẻ” Lê Khanh ảnh hưởng phần nào kịch Mỹ - vở Tất cả đều là con tôi. Chỉ có điều các vai diễn chưa thật sự xuất sắc. Thùy Dung còn quá “kịch” khi bộc lộ tâm tư của một kẻ thất bại vì kế hoạch “bòn tiền”. NSƯT Ngọc Huyền để hài kịch lấn át nên khi diễn tả nỗi đau của một người mẹ mất con dù nghệ sĩ rơi nước mắt song khán giả vẫn thấy “gượng”. NSƯT Chí Trung thì đã tròn vai dù đây là sự “trở lại” đầu tiên sau nhiều năm người nghệ sĩ này “bươn chải” với những vai hài. “Dường như vai diễn này được viết dành cho tôi” - NSƯT Chí Trung chia sẻ.

Lê Khanh thành công ngay vở trình làng

Tôi nghĩ cái đáng giá nhất của vở này, do Lê Khanh dựng từ kịch bản Nguyễn Huy Thiệp, không phải ở việc gọi tên thể loại là hài kịch, chính kịch hay bi kịch, mà ở chỗ Lê Khanh đã “chuyển ngữ” khá tử tế, từ chữ nghĩa phi - vật - thể của “cái để đọc”, lên sân khấu thành “cái để xem”. Lâu nay, ít nhiều đạo diễn thường bỏ qua điều cốt tử này.

Phải nhận rằng đọc kịch bản Nguyễn Huy Thiệp có thể rất thích, chính Khanh đã đọc “vô cùng thú vị” mà nảy sinh ý định đạo diễn. Và khi dựng phải chịu thách thức: tác giả yêu cầu giữ nguyên lời kịch. Nên Lê Khanh phải tự gồng mình, “trở về với tính chuyên nghiệp”. Tôi nghĩ Lê Khanh không trở về mà phải ra đi, buộc phải đi từ tư duy của diễn viên (dù của diễn viên đỉnh cao, đã và đang sáng tạo những “vai kịch để đời”) để đến với tư duy đạo diễn nhằm sáng tạo cả một vở diễn. Vì thế, Lê Khanh thành công ngay vở trình làng, khi đã làm đầy đặn hồn cốt văn chương kịch bằng ngôn ngữ dàn dựng vở diễn của đạo diễn. Ấy là chưa kể Khanh đã xác định ngay được một lối kể chuyện sân khấu riêng: kể chuyện chân phương. Và tôi đánh giá Nhà ôsin là vở diễn của đạo diễn.

NGUYỄN THỊ MINH THÁI (nhà phê bình sân khấu)

Sự trở về

Đêm công diễn vở Nhà ôsin vào ngày 8-12, NSND Lê Khanh tất tả. Chị vừa phải diễn vai bà mẹ trong vở Lời thề thứ 9 (Lưu Quang Vũ) ở rạp Thanh Niên, vừa phải lo chuẩn bị cho đêm công diễn. Lê Khanh chia sẻ: “Đối với tôi, mọi việc đều là sự trở về - trở về với tính chuyên nghiệp. Tôi cố gắng chuyên nghiệp tất cả các khâu, từ trang trí sân khấu cho đến diễn viên. Điều quan trọng nữa tôi muốn nói đến là diễn viên. Đầu tiên, từ Chí Trung, Ngọc Huyền đến Nguyệt Hằng đều là sự trở về với những vai diễn mà xưa kia các anh chị đã thành danh. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ trẻ, tinh, vừa tốt nghiệp như Thanh Lê, Trọng Hùng thì đây là cơ hội dành cho các em được thể hiện, được cọ xát. Tôi biết là mạo hiểm, song nếu không mạo hiểm thì khó có dịp thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật cho thế hệ trẻ để họ tiếp đuốc vững vàng”.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên