20/10/2012 21:55 GMT+7

Hàn Quốc: phim nghệ thuật được đón nhận

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Chiều 19-10, tại một MegaStar Crescent Mall đã có hội thảo điện ảnh nhỏ trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt - Hàn, hay nói chính xác hơn là một cuộc đối thoại của giới làm phim Việt - Hàn.

Rạp chiếu nhỏ đầy ắp các bạn trẻ yêu điện ảnh, các sinh viên điện ảnh đến để lắng nghe những người làm nghề chia sẻ câu chuyện của mỗi người trong nghề làm phim ở Hàn Quốc và VN.

Liên hoan phim Việt - Hàn: Muốn xem phim phải mua vé

Các bạn Hàn Quốc cho biết năm vừa qua Hàn Quốc sản xuất khoảng 150 phim, trong đó chỉ có 60 phim thương mại (được các studio lớn như Lotte, CJ... sản xuất), 90 phim còn lại là phim độc lập (không thuộc về các studio). Và ấn tượng hơn, 90% trong số phim độc lập nói trên là phim nghệ thuật. Khán giả Hàn Quốc đang ở thời kỳ sẵn sàng đón nhận những phim nghệ thuật nội địa một cách hào hứng nhất để những bộ phim này xuất phát điểm là phim nghệ thuật nhưng doanh thu lại không kém các phim thương mại khác. Những chia sẻ của nhà sản xuất Won Dong Yeon cũng làm cử tọa bất ngờ khi ông nói đến bộ phim thất bại của mình là Marine boy (năm 2008), một phim hành động dưới nước chỉ thu hút được khoảng 100.000 lượt người xem.

Con số này đối với phim Việt đã là một thành công đáng kể. Nhưng khó mà so sánh khi Hàn Quốc có khoảng 2.700 phòng chiếu (VN chỉ dưới 200), hiện tại một phim Hàn trung bình phải có trên 1 triệu lượt xem và trên 10 triệu lượt mới được coi là thành công. Ông cũng cho biết thêm một kịch bản phim ở Hàn thường được viết trong khoảng hai năm, người viết kịch bản sẽ được đầu tư để yên tâm toàn tâm toàn ý cho công việc.

Ðạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ thường thì anh chỉ có chín tháng từ lúc bắt đầu nói ra ý tưởng đến khi phim chiếu. Thời gian này lại còn được tính ngược theo cách nhà phát hành lên lịch chiếu, rồi tính ngược lại thời gian hậu kỳ, thời gian quay phim, thời gian tiền kỳ... và thời gian còn lại mới dành cho kịch bản. Rõ ràng câu chuyện này đã làm các bạn Hàn Quốc ngạc nhiên vì với họ đây là điều không tưởng.

"Chúng tôi không bao giờ lên lịch chiếu trước khi làm phim, lịch chiếu có thể được lên khi phim đã quay chứ không bao giờ cố định trước như các bạn đang làm". Khi được giải thích rằng bởi vì ở VN số lượng phim làm ra mỗi năm vẫn còn rất ít, rạp chiếu cũng không nhiều nên thời gian phát hành phim thường được nhắm vào các dịp lễ như tết nguyên đán, lễ 30-4, lễ 2-9... thì các bạn Hàn Quốc thật sự tỏ ra đáng tiếc. Họ đều nói chỉ có cách phải làm nhiều phim hơn nữa, thật nhiều phim mới có thể thay đổi được cách làm ngược đời trên.

Bộ phim Masquerade - Hoàng đế giả mạo chiếu khai mạc Liên hoan phim Việt - Hàn đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của giới báo chí. Chia sẻ với PV Tuổi Trẻ những suy nghĩ về phim lịch sử, đạo diễn Choo Chang Min nói: “Hàn Quốc nằm giữa hai nền văn hóa châu Á khác cũng rất lớn là Trung Quốc và Nhật Bản, nên vấn đề của các nhà làm phim lịch sử chúng tôi là làm sao cho phim vẫn có những nét đẹp về văn hóa nhưng là văn hóa của người Hàn, không bị nói giống hai nước trên”.

* Sự phá cách, trí tưởng tượng của đạo diễn khi làm phim lịch sử được tự do đến đâu? Có giới hạn nào là điểm dừng không?

- Đã là sáng tạo thì tốt nhất đừng có giới hạn, đừng có điểm dừng nào tác phẩm mới hay được. Phim lịch sử đã luôn tốn kém chi phí đầu tư hơn phim thường, trang phục, bối cảnh đều phải xây dựng lại, thời gian thực hiện cũng phải cộng thêm 20% so với thể loại khác. Nhưng dòng phim này ở nước tôi khá phổ biến nên làm phim lịch sử, dã sử không phải là một cái gì đó cần đến lòng dũng cảm hoặc sự dấn thân (cười).

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên