Phóng to |
Cụ bà Y Gếu và những bộ cồng chiêng cổ - Ảnh: Trần Thảo Nhi |
“Có người hỏi mua, mình không bán đâu. Nếu bán là có tội lớn với Yàng và ông bà tổ tiên, khi già chết sẽ để lại chúng cho con cháu của mình tiếp tục lưu giữ” - cụ bà Y Gếu, người dân tộc Rơ Ngao (80 tuổi, trú tại thôn K’roong K’lả) nêu tâm nguyện.
Để xem bốn bộ cồng chiêng cổ mà cụ bà Y Gếu đang lưu giữ, chúng tôi được trưởng thôn A Chưn dẫn đến thuyết phục, cụ bà đồng ý nhưng ánh mắt của cụ đầy cảnh giác. Thấy chúng tôi e ngại, ông A Chưn kịp trấn an: “Bà sợ mất cắp đó, bữa trước một số gia đình đã bị bọn trộm lấy mất cồng chiêng, nên bây giờ thấy người lạ đến bà cụ sợ lắm”.
Các thế hệ gia đình của cụ bà Y Gếu thuộc diện giàu có nhất làng, hễ có nhiều của cải vật chất đều dành mua cồng chiêng. Bà Y Gếu kể: Bộ cồng chiêng lớn nhất mà cụ đang sở hữu là bộ chiêng cổ 12 chiếc, có nguồn gốc từ nước bạn Lào. Khi còn nhỏ, bà đã thấy bộ cồng chiêng này ngự trị trong nhà. Để có được nó, gia đình bà đã phải đem đổi 30 con bò mộng, bộ nhỏ cũng đã phải đổi tới cả chục con bò chứ có ít gì đâu.
Người Rơ Ngao hằng năm mỗi đợt vào vụ gieo trồng đều tổ chức lễ tra hạt, đến mùa lúa chín lại làm lễ mừng cơm mới, các dịp này đều có diễn tấu cồng chiêng. Ngoài ra, mỗi khi tìm được mạch nước mới có thể dùng cho sinh hoạt của dân làng hoặc cải tạo ống dẫn nguồn nước của làng đều tổ chức lễ “mừng giọt nước”, cũng có đánh cồng chiêng. Ông A Lau, hàng xóm, cứ xuýt xoa không tiếc lời khen: “Ui chà, khi buôn làng có lễ hội thì tiếng chiêng này bay cao, bay xa lắm, tiếng ngân dài như con sông Sê San trước cửa nhà kia kìa. Không chỉ người trong làng nghe đâu, mãi tận làng Khúc Na, Kà Đừ... tận bên xã Sa Bình đều nghe hết”.
Già làng ABLôi cho biết: “Đã có người hỏi mua và đòi trả rất nhiều tiền nhưng bà cụ không đồng ý, bởi nếu bán mất thì các thế hệ con cháu mai sau biết được sẽ rất oán giận! Không chỉ bà cụ, mà người Rơ Ngao coi nó như báu vật của làng”.
Người dân trong buôn làng ai cũng biết cụ bà Y Gếu là người có nhiều trâu bò nhất. Năm 2009, bà có đàn bò tổng cộng 40 con, bà kêu 10 người con cháu lại và nói: “Toàn bộ đàn bò này sẽ chia đều, mỗi đứa bốn con để lấy vốn làm ăn và tuyệt đối không được ai có ý nghĩ rằng sẽ bán những bộ chiêng quý giá này”. Ngày chúng tôi đến thăm, bà cụ “gầy dựng” trở lại đàn trâu gần chục con trong chuồng. Chị Y Gúp (con gái cụ) tâm sự: “Ai cũng biết cuộc sống của gia đình dư dả, nhưng hằng ngày bà cụ vẫn lùa cả đàn trâu đi xa để chăn thả, chiều chiều lại đón về không thiếu hụt một con. Con cháu khuyên ở nhà nghỉ ngơi nhưng bị cụ gạt phắt vì bản tính ham làm việc”.
Một thời gian dài, trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên xảy ra nạn “chảy máu” cồng chiêng. Trước hiện tượng nhiều cồng chiêng cổ quý hiếm bị mua bán, trao đổi và đứng trước nguy cơ mai một và biến mất, việc lưu giữ được nhiều cồng chiêng như cụ bà Y Gếu rất đáng trân trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận