24/07/2012 06:27 GMT+7

Fukushima, người dân bị hi sinh

Lời bình trên mạng
Lời bình trên mạng

TT - Bộ phim 52 phút được liên tục yêu cầu chiếu lại trong nhiều tháng, làm bàng hoàng tất cả những ai được xem, bởi không thể hình dung nước Nhật nổi tiếng cẩn trọng đã bỏ mặc dân mình như thế.

BGiguDgo.jpgPhóng to

Cảnh đo nhiễm xạ trong phim Fukushima, une population sacrifiée - Ảnh: LCP

Ðó là phim tài liệu Fukushima, une population sacrifiée (Fukushima, người dân bị hi sinh) do Ðài truyền hình Pháp LCP sản xuất năm 2012.

Ðạo diễn David Zavaglia mở phim bằng chuyến đi Fukushima của đoàn chuyên gia Pháp thuộc Tổ chức nghiên cứu và thông tin độc lập về phóng xạ CRIIRAD, cùng với Wataru Iwata - phụ trách Trạm công dân đo lường phóng xạ CRMS (Citizen’s Radioactivity Measuring Station).

Tình nguyện dấn thân

"Với hạt nhân, phần thưởng sẽ là ngắn, còn hình phạt thì đời đời"

Là nhạc sĩ có studio ở Tokyo, nhưng ngay sau thảm họa sóng thần tháng 3-2011, Iwata quyết định đến Fukushima giúp đỡ người dân mà theo anh đang hứng chịu thảm họa hạt nhân vượt xa Chernobyl (Ukraine). Nhờ CRIIRAD giúp đỡ thiết bị, ba tháng sau Iwata đã dựng nên những trạm CRMS kiểm tra độc lập, miễn phí.

Ở Fukushima, người xem được đưa tới một sân trường có trẻ con đang chơi mà theo đạo diễn phải đóng cửa nếu ở Pháp. Những người dân xếp hàng chờ đo nhiễm xạ than phiền chính phủ không có biện pháp, luôn nói mức nhiễm xạ bình thường nhưng người dân tự đo thấy nguy hiểm. Tất cả trường học đều mở cửa trong khi độ phóng xạ gấp 100 lần so với tự nhiên. Nhiều người lo cho con cái khi độ phóng xạ trong người chúng cao gấp đôi những đứa trẻ cách đó vài trăm cây số. Nhiều người do không đổi được trường, chỉ còn cách hằng đêm cho con mình đi ngủ xa. Người xem gặp ở đây những đứa trẻ đáng yêu phải luôn ở trong nhà, không được dạo chơi ở bên ngoài. Người xem cũng gặp giáo sư vật lý phải làm việc trong những điều kiện vật chất tồi tàn, "bị đày" khỏi Tokyo vì đặt quá nhiều câu hỏi phản biện.

Phim cho thấy thật ra nhà nước Nhật cũng có động tay... chiếu lệ. Thí dụ xây nhà cho nạn nhân sóng thần, nhưng lại xây trong vùng mà nếu áp dụng các chuẩn Chernobyl thì người dân phải tản cư. Theo Iwata, do Chính phủ Nhật cố ý nâng chuẩn để gọi các vùng nguy hiểm an toàn, nên CRMS phải chỉ cho người dân sự thật để họ quyết định "tự sơ tán", tự biết phải làm gì. Hằng tháng CRMS họp thông tin cho dân, khuyên họ uống nước chai, ăn thực phẩm có nguồn gốc nơi khác... Những người dân tới đo nói rằng họ tin tổ chức này hơn chính phủ.

Phim cho biết ngoài tổ chức CRMS của nhạc sĩ Iwata còn có tổ chức công dân chuyên tổ chức các cuộc điều tra, chất vấn trực diện giữa người dân và chính phủ hoặc công ty điện lực. Tại một buổi chất vấn với Công ty Ðiện lực Tokyo (TEPCO), một học sinh đã đặt câu hỏi phẫn nộ: "Tiền quý hơn mạng sống của người dân Fukushima sao?". Theo đạo diễn, những câu hỏi dù khoa học hay đạo đức đều không được chính quyền và doanh nghiệp trả lời cụ thể. Ngược lại, vô lý và vô cảm, chính quyền đòi người dân phải chứng minh sự nguy hiểm trên trẻ con - cuộc đánh đố đẩy dân vào thế thua, bởi hậu quả nhiễm xạ sau vài chục năm mới bộc phát!

Phận dân tội tình

Theo nhóm nghiên cứu Pháp, “Ở Chernobyl, phải 20 năm sau người ta mới biết được ảnh hưởng phóng xạ trên những người dân sống xa, còn ở Fukushima hình như nhà nước lấy giải pháp hi sinh người dân”.

Chính quyền nói không cần tản cư mà chỉ cần tẩy rửa, phim cho chúng ta xem phương cách đó: một nhân viên thú nhận do không thể tẩy sạch từng kẹt hốc nên họ chỉ rửa và chỉ rửa được qua loa. Những công nhân này cũng trang bị trang phục, khẩu trang dềnh dàng chuyên nghiệp nhưng, như họ nói, hoàn toàn không được đào tạo và rất lơ mơ số phận chính mình. Một trong những công việc tẩy rửa trên màn ảnh là cạo mặt lớp đất, lá cây bị nhiễm xạ cho vào bao, chất đống lộ thiên ở một nơi không dám công khai.

Phim đưa chúng ta đi qua vùng trồng trọt hoang hóa, tới thăm ngôi nhà - gọi là - đã được tẩy rửa. Người đại diện hội giúp đỡ nông dân nói đây là chuyện khôi hài bởi người ta chỉ cạo đất xung quanh nhà 5m và chỉ cạo được có một bên, chỗ không thể cạo thì dặn dân... đừng đi (!). Máy đo riêng của đoàn nghiên cứu cho thấy phóng xạ ở đây vẫn cao gấp 100 lần.

Phim cũng đưa chúng ta đi tới những khu cảng bỏ hoang, gặp lác đác vài tàu đi đánh cá nhưng không phải để ăn mà để... đo phóng xạ - mức ô nhiễm mà theo các chuyên gia còn nguy hiểm ít nhất 10 năm nữa. Người phụ trách trung tâm phân tích nước biển nói rằng phóng xạ do TEPCO đổ đi vẫn tiếp tục chảy ra biển, chìm sâu xuống đáy, vô phương tẩy rửa. Trong một cuộc biểu tình diễn ra hàng tháng trước trụ sở TEPCO, ta nghe thấy nhiều người hô to khẩu hiệu: TEPCO đừng nói láo nữa! TEPCO hãy nói sự thật! Ta nghe thấy nhiều người khóc: Hãy cứu lấy trẻ em ở Fukushima!

Một năm đã trôi qua nhưng người dân ở đây vẫn đeo khẩu trang. Hiệu trưởng một ngôi trường tiểu học cho biết ông chỉ còn cách cố gắng tẩy rửa khuôn viên và đo nhiễm xạ. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên đùa chơi với thiết bị đo lắc lư trên cổ, người xem không thể không chạnh lòng. Một đứa trẻ nói mình có thể ung thư. Ðứa khác sợ con mình dị dạng. Phim kết thúc bằng câu nói của một người bà: "Tôi không cần bồi thường, tôi chỉ muốn mọi thứ khôi phục như trước kia". Một ước mơ quá giản đơn nhưng bất khả.

Không thể hình dung nước Nhật nổi tiếng cẩn trọng đã bỏ mặc dân mình như thế. Bộ phim cùng với báo cáo mới đây của Quốc hội Nhật xem sự cố ở Nhà máy Fukushima Daiichi là "thảm họa nhân tạo" khiến người ta cực kỳ bất an cho các nước đi sau. Phim đã được đưa lên mạng (*) và đây là một trong những bình luận: "Với hạt nhân, phần thưởng sẽ là ngắn, còn hình phạt thì đời đời. Con người chỉ thật sự thống nhất nhau trong bất hạnh, hạt nhân chắc chắn sẽ góp phần vào sự thống nhất đó".

(*) Xem phim tại: http://www.lcp.fr/emissions/docs-ad-hoc/vod/95446-fukushima-une-population-sacrifiee

Lời bình trên mạng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên