21/07/2012 07:25 GMT+7

Tranh chấp quyền tác giả biểu trưng văn hóa Bến Tre

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Biểu trưng văn hóa tỉnh Bến Tre và biểu trưng quê hương Đồng khởi do cố họa sĩ Dương Tấn Hồng trực tiếp sáng tác đã trở nên quen thuộc tại tỉnh Bến Tre từ 30 năm qua.

Thế nhưng đến nay quyền tác giả của biểu trưng này vẫn chưa được Sở VH-TT&DL Bến Tre xác nhận theo đề nghị của gia đình họa sĩ.

Ông Võ Văn Bá đã được vinh danh

Xpxe2b08.jpgPhóng to

Công trình xây dựng biểu tượng văn hóa huyện Châu Thành có sử dụng biểu trưng văn hóa Bến Tre do họa sĩ Dương Tấn Hồng sáng tác - Ảnh: Q.Vinh

Chuyện chần chừ trong việc xác nhận quyền tác giả cho minh bạch cũng liên quan đến việc Sở VH-TT&DL Bến Tre muốn là đồng sở hữu tác giả với họa sĩ Dương Tấn Hồng. Câu chuyện này làm người ta liên tưởng đến vụ sở này vừa được đồng xác lập kỷ lục quốc gia về việc chế tác bộ nhạc cụ dân tộc bằng gỗ dừa đầu tiên tại Việt Nam vì đã có công... đề xuất ý tưởng và tài trợ kinh phí cho người phác thảo là ông Lê Dân và người thực hiện là ông Võ Văn Bá (“Kỷ lục mới trao đã bị khiếu nại”, Tuổi Trẻ ngày 24-4).

Sở muốn mua bản quyền

Bà Dương Phương Điệp - họa sĩ thuộc Hội Mỹ thuật tỉnh Bến Tre (là con cố họa sĩ Dương Tấn Hồng, ông mất năm 1996 khi mới 47 tuổi) - cho biết gia đình bà sẽ làm rõ quyền tác giả cho cha bà. “Để hoàn tất hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với biểu trưng văn hóa Bến Tre và biểu trưng quê hương Đồng khởi, tôi đã gửi hai đơn xin xác nhận quyền tác giả đến Sở VH-TT&DL Bến Tre và một đơn gửi Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre. Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu đã xác nhận cha tôi chính là tác giả hai biểu trưng này. Thế nhưng trong một cuộc họp bàn về hai biểu trưng mới đây (ngày 25-5-2012), giám đốc Sở VH-TT&DL Bến Tre Trần Ngọc Tam lại khẳng định trong biên bản cuộc họp rằng hai biểu trưng trên là của họa sĩ Dương Tấn Hồng, nhưng quyền sở hữu tác giả phải là đồng tác giả, tức là “của họa sĩ Dương Tấn Hồng và Sở VH-TT&DL Bến Tre”.

Bà Điệp cho biết thêm: “Ông Tam giải thích do trước kia lãnh đạo ngành văn hóa đã chỉ đạo nội dung đề tài cho ba tôi vẽ và đã trả tiền cho ông. Do vậy sở sẽ đồng sở hữu tác phẩm với cha tôi. Tôi đã có đơn gửi sở khẳng định gia đình tôi không đồng ý với kết luận này. Lãnh đạo sở còn đề nghị gia đình tôi bán bản quyền cho sở với giá 50 triệu đồng nhưng chúng tôi cũng không đồng ý”.

Cũng liên quan đến chuyện tác quyền hai biểu trưng này, mới đây công trình xây dựng biểu tượng văn hóa của huyện Châu Thành (Bến Tre) đã sử dụng biểu trưng văn hóa Bến Tre của cha bà Điệp nhưng không trả tiền tác quyền. Khi bà Điệp tìm hiểu thì được biết huyện Châu Thành đã trả tiền tác quyền (khoảng 40-50 triệu đồng- NV) cho họa sĩ Lê Dân - người thiết kế xây dựng cụm biểu tượng và là nguyên chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bến Tre. Bà Điệp đã gửi hồ sơ cho UBND huyện Châu Thành đề nghị phải trả cho gia đình bà 10% giá trị xây dựng biểu tượng văn hóa Bến Tre (theo Luật sở hữu trí tuệ) nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía UBND huyện Châu Thành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Mỹ Thiện - trưởng Ban quản lý dự án huyện Châu Thành - cho biết vụ việc gia đình họa sĩ đòi tiền tác quyền đang được ban rà soát lại và sẽ sớm trả lời cho gia đình họa sĩ. Không chỉ Ban quản lý dự án huyện Châu Thành, nhiều đơn vị sử dụng biểu trưng văn hóa Bến Tre vẫn chưa xác định rõ quyền tác giả của biểu trưng.

Đồng sở hữu có thuyết phục?

Xung quanh câu chuyện này, theo họa sĩ Trường Chăm - nguyên tổ trưởng tổ mỹ thuật thuộc Ty Văn hóa thông tin Bến Tre (cũ), thủ trưởng của họa sĩ Dương Tấn Hồng, nếu Sở VH-TT&DL chỉ căn cứ vào việc chỉ đạo nội dung để được đồng sở hữu tác giả thì có lẽ tất cả các công trình văn hóa nghệ thuật hiện nay đều có ngành văn hóa đồng sở hữu tác giả.

“Đối với họa sĩ điêu khắc, nếu là ý tưởng sáng tác thì người đưa ra ý tưởng đó phải nói được các thuật ngữ chuyên môn như: bố cục, đường nét, hình khối, ánh sáng, màu sắc. Người chỉ đạo nội dung lúc đó (năm 1982 - PV) là ông Tám Long, trưởng Ty Văn hóa thông tin Bến Tre, chỉ nói với chúng tôi là phải vẽ biểu trưng văn hóa dựa vào ý tưởng từ hai câu thơ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Họa sĩ Dương Tấn Hồng phải đầu tư sáng tác tìm ra ý tưởng nghệ thuật bằng tài nghệ cá nhân riêng của mình. Ông là người duy nhất trực tiếp làm nên tác phẩm”.

Trước những bức xúc về quyền tác giả nói trên, ông Trần Ngọc Tam nói: “Vấn đề đồng sở hữu tác giả chỉ mới được đưa ra lấy ý kiến tham khảo. Chúng tôi sẽ có ý kiến đề xuất cụ thể với UBND tỉnh về vấn đề mua bản quyền”.

Để rộng đường dư luận, xin giới thiệu ý kiến một luật sư: Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền tác giả gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả (tức có đầy đủ quyền nhân thân và quyền tài sản) khi sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm.

Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả khi các đồng tác giả sử dụng thời gian,tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm, lúc này các đồng tác giả có chung các quyền nhân thân và quyền tài sản nêu trên. Trong trường hợp tác giả là người thuộc tổ chức và được tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo ra tác phẩm hoặc tác giả giao kết hợp đồng với tổ chức để sáng tạo ra tác phẩm thì tổ chức là chủ sở hữu quyền tác giả, tuy nhiên trong trường hợp này tác giả vẫn có quyền nhân thân, còn chủ sở hữu quyền tác giả nắm giữ quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm.

Như vậy, cố họa sĩ Dương Tấn Hồng sáng tạo ra tác phẩm, dù có được chỉ đạo về nội dung (ý tưởng) từ Ty Văn hóa thông tin Bến Tre thì cố họa sĩ vẫn là tác giả của tác phẩm, Ty Văn hóa thông tin hay Sở VH-TT&DL chưa thỏa mãn các điều kiện để trở thành đồng tác giả tác phẩm này cùng cố họa sĩ. Trong trường hợp tại thời điểm tạo ra tác phẩm, tác giả đang là người thuộc Ty Văn hóa thông tin (người lao động, công chức... của ty ) và được giao nhiệm vụ sáng tạo ra tác phẩm hoặc tác giả có giao kết hợp đồng với Ty Văn hóa thông tin tạo ra tác phẩm thì chủ sở hữu quyền tác giả là Ty Văn hóa thông tin (nắm giữ quyền tài sản), nhưng tác giả thì vẫn duy nhất là cố họa sĩ Dương Tấn Hồng, và tác giả được bảo vệ quyền nhân thân đối với tác phẩm.

Luật sư TRẦN PHẠM THANH LOAN (Đoàn luật sư TP.HCM)

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên