Phóng to |
Du khách tham quan tháp Chăm tại Mỹ Sơn (Quảng Nam) - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
GS.TS Hoàng Đạo Kính là người đã có hơn 30 năm gắn bó với việc trùng tu, bảo tồn di tích Chăm nhìn nhận: “Ở VN có lẽ chỉ di tích Chăm là khó ứng xử nhất bởi đây là di sản đặc biệt quý hiếm, là nguồn di sản hầu như mồ côi, không có con cháu và có nhiều di tích ẩn dưới tầng đất. Lại là những di tích bằng gạch rất khó bảo quản. Tư liệu lịch sử lại nằm ngay trong chính những di tích này”.
Từ những khó khăn này, GS Kính chia sẻ thêm là thực tế hiện nay kinh nghiệm trùng tu di tích đất, đá cũng như những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này rất thiếu và yếu. “Chúng ta phải giải được bài toán kỹ thuật xây dựng của người Chăm từ gạch đến chất kết dính, kiến trúc” - GS Kính cho biết.
Nhiều ý kiến tâm huyết của những chuyên gia gắn bó với di tích Chăm đã được trình bày tại hội thảo. Tiến sĩ Patrizia Zolese (đang trùng tu di tích Mỹ Sơn) cho rằng cách tiếp cận tốt nhất với tháp Chăm trong vấn đề trùng tu bảo tồn là đến gần với nguyên trạng của nó. “Đã có trường hợp chúng tôi thấy ở VN sử dụng “chất cấm” trong trùng tu là ximăng. Điều này đặc biệt nguy hiểm” - tiến sĩ Patrizia Zolese cho hay.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỉ (Trung tâm Bảo tồn di tích - danh thắng Quảng Nam) chia sẻ: “Những điều tôi đã thấy và hiểu biết về vấn đề trùng tu, bảo tồn đền tháp Chăm là nên chữa bệnh cho người già chứ chúng ta đừng làm trẻ hóa ông già.
Như vậy sau Ba Lan, Nhật Bản, Đức, Ý, nay tiếp tục là các chuyên gia Ấn Độ sẽ giúp VN triển khai tu bổ các đền tháp Mỹ Sơn từ nguồn tài trợ 3 triệu USD của chính phủ nước này.
Trả lời báo chí câu hỏi về việc hiện đã và đang có nhiều quốc gia tham gia trùng tu Mỹ Sơn, liệu có tạo ra phong cách trùng tu khác nhau và phương pháp của Ấn Độ có tương thích với các phương pháp trên? Đại sứ Ấn Độ tại VN Ranjit Rae khẳng định: “Phương pháp của chúng tôi phải dựa trên sự điều tra rất cẩn thận, nghiêm túc trên cơ sở xem xét nguyên bản di tích. Để cân nhắc trong việc bảo tồn, chúng tôi có công nghệ và đã quen thuộc trong việc bảo tồn những di sản như thế này trên thế giới”.
24 tham luận đã được trình bày. Các chuyên gia đều đưa ra hằng số chung về giải pháp trùng tu, bảo tồn di tích là chọn phương pháp khảo cổ học. Trong đó ưu tiên việc duy trì, bảo tồn, gia cố để tăng sức đề kháng cho tháp Chăm. Thực hiện việc sắp đặt tại chỗ, hoàn lại vị trí đã có. Tháp ít bị tổn thương thì dễ phục hồi.
“Thời gian, chiến tranh đã vô tình làm hại di tích tháp Chăm ở Mỹ Sơn, nhưng nếu vội vã trong việc trùng tu gây nên tổn thương thì sẽ khó sửa chữa được. Đừng biến di tích thành khuyết tật, câm điếc, đừng nói sai lời lịch sử” - giáo sư Hoàng Đạo Kính tha thiết bày tỏ. Ông “nói” với tháp Chăm nhưng cũng là nói với vô vàn di tích đang bị hủy hoại vì trùng tu, phục dựng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận