24/06/2012 03:04 GMT+7

Tinh thần cảnh giác

 Truyện 1.131 chữ của LÊ MINH NHỰT
 Truyện 1.131 chữ của LÊ MINH NHỰT

TT - Trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Cây Đước:

vVivmoqI.jpgPhóng to
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Tôi đề nghị các đồng chí đảng viên trong ấp nêu cao tinh thần cảnh giác hơn nữa, chứ cứ như vụ vừa rồi là có ngày cả ấp chúng ta không còn cái quần mà mặc... Người vừa đứng vừa khoa chân múa tay “quán triệt” từ lúc tám giờ sáng đến giờ là ông Dương - cán bộ văn phòng UBND xã Duyên Hải, có hộ khẩu thường trú tại ấp Cây Đước. Ông Dương còn nói lê thê nhiều thứ nữa nhưng mọi người chỉ nhớ có mỗi cái đoạn đó vì nó “trực quan sinh động” hơn hết: thiếu cảnh giác thì có “nguy cơ” mất quần.

Thật ra ấp Cây Đước chưa từng có ai mất quần cả, mà đó là một ví dụ dễ hình dung nhất - theo ông Dương - về cái sự thiếu tinh thần cảnh giác không chỉ của quần chúng nhân dân mà còn của cả đảng viên chi bộ ấp Cây Đước.

Hơn năm mươi năm qua, từ khi ấp Cây Đước còn là xóm Cây Đước cho tới giờ chưa từng nghe nói trong xóm có một nhà nào bị mất trộm một cọng rau, trái cà chứ đừng nói gì tới mất một vật gì có “giá trị” cỡ... cái quần. Thế nên, cái ví dụ cường điệu của ông Dương liền trở thành đề tài rỉ rả lan truyền trong xóm.

Người đi dự họp về phổ biến trong gia đình: mất tinh thần cảnh giác là có ngày không còn cái quần để mặc! Đang đêm ngủ, vợ bật dậy khều chồng thì thào: mất tinh thần cảnh giác là không còn cái quần, nghe chưa! Trẻ con sợ xanh mặt khi người lớn gí tay vào trán nghiến răng: Mày là cái thằng mất tinh thần cảnh giác!

Ông Dương vô cùng hài lòng khi ý kiến “chỉ đạo” của mình đã được toàn ấp Cây Đước triển khai răm rắp. Mới sáu giờ chiều, cả ấp, nhà nào cũng cửa đóng then cài khác với lúc trước phần lớn khỏi cần đóng cửa cũng nằm ngủ thẳng cẳng tới sáng. Từ người già đến trẻ con lúc nào cũng nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ với mọi động tĩnh chung quanh, có khi một trái dừa khô rụng xuống mương nước sau vườn nhà hoặc một con mèo mun giữa đêm chạy đùng đùng trên mái tôn... tất cả đều được tường thuật kỹ lưỡng trên tờ giấy học sinh đem qua nhà ông Dương lúc bảy giờ sáng để ông “duyệt” trước khi ra cơ quan làm việc. Đến chiều lại “duyệt” một lần nữa các sự kiện biến động trong ngày rồi mới được đóng cửa đi ngủ.

“Mô hình” an ninh thôn xóm của ông Dương đang thử nghiệm ngon lành thì không biết từ cái miệng đầu tiên nào mà cả ấp Cây Đước giờ đang rêu rao nguyên nhân sự “chỉ đạo” của ông Dương chính là do bữa trước đó, khi ông còn ở ủy ban, thì ở nhà có người xưng là nhà báo ghé qua. Lúc đó trong nhà chỉ có bà mẹ già hơn tám mươi tuổi. Khi về nghe bà già kể lại: nhà báo chỉ ghé xin đi nhờ nhà vệ sinh, hỏi thăm đôi ba câu rồi đi, còn đưa cả thẻ nhà báo cho bà già coi. Mà bà già ông Dương mắt mũi kèm nhèm có thấy đường thấy sá gì, nói không chừng có khi chỉ là miếng giấy lộn. Ông Dương hỏi gặng bà già có nhớ thêm tay nhà báo đó còn nói thêm gì không, bà già bóp trán hồi lâu rồi à lên: Nó có nói bà con mình lúc này đời sống khấm khá hẳn lên, ở vùng sâu vùng xa mà nhà cửa đầy đủ tiện nghi quá mà toàn là đồ đắt tiền!

Rồi mẹ trả lời sao? Ông Dương giật thót mình.

Thì tao cũng tình thiệt, nói: nhờ thằng con làm ở ủy ban xã nên mới được vầy đó chớ! Nó còn tấm tắc: Chỉ làm ở ủy ban xã mà được vầy thì nó cũng muốn xin về làm ở xã mình cho đỡ cực tấm thân, khỏi phải lội lặn xa xôi để viết bài cho báo mà chỉ được mấy đồng bạc lẻ.

Dân ấp Cây Đước rút gọn câu chuyện trên lại thành ra: Nhà báo chỉ ghé nhà mượn chỗ đi đái mà ông Dương cũng làm rùm beng thành chuyện mất tinh thần cảnh giác. Chắc là nhà ổng có cất vàng khối nên mới sợ người ta biết!

“Sự vụ” đồn ra tới ủy ban xã, thường vụ đảng ủy phải mở cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm “mô hình an ninh thôn xóm” của ông Dương. Bữa họp đó ông Dương ngồi xụi lơ, chẳng có ý kiến ý cò gì cả, khác với phong cách quyết liệt thường thấy.

Sau khi họp xong, sầu đời, ông Dương ra quán một mình làm đứt cả lít rượu đế đến tối mịt mới về nhà. Chân nam đá chân chiêu, vừa bước vô hàng rào thì thằng con trai út của ông từ đâu lù lù phóng ra, tay cầm khúc cây dài thượt, nạt lớn: Ai? giờ này rình mò trước cửa nhà tui làm gì? Ông Dương loạng choạng vịn vô hàng rào vừa nôn thốc nôn tháo, vừa lè nhè chửi: Thằng mất dạy, tới cha của mày mà mày còn dám cầm cây tính đánh nữa hả?

Trời đất, cha mà con tưởng ăn trộm rình nhà mình. Nhưng mà cha phải công nhận là con có tinh thần cảnh giác cao độ cùng mình hông?

Chuyện cha con ông Dương “đụng trận” đêm đó vậy mà sáng ra lại được loan ra khắp ấp Cây Đước, cũng chẳng biết từ cái miệng mắc dịch nào đó. Nhưng cũng nhờ chuyện cha con ông Dương nên dân ấp Cây Đước bây giờ mới được hưởng “không khí thái bình” như trước: miễn báo cáo tình hình an ninh thôn xóm đầu ngày, cuối ngày với ông Dương; thoải mái mở cửa ban đêm cho mát trời ông địa; còn nếu như có người lạ hoắc tạt ngang xin nước uống hay đi nhờ nhà vệ sinh, thậm chí ngủ nhờ qua đêm - dân ấp Cây Đước cũng rộng cửa mời vào.

Duy có cái câu “mất tinh thần cảnh giác thì có ngày không còn cái quần mà mặc!” là không sao bỏ được, nói riết đã thành quen miệng mất rồi.

Ai không tin thì cứ về ấp Cây Đước một chuyến, khắc rõ!

 Truyện 1.131 chữ của LÊ MINH NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên