Phóng to |
Khu vực Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM - điểm nhấn số 3 ở sơ đồ bên dưới) nằm trong kế hoạch bảo tồn của dự án - Ảnh: T.T.D. |
Khu vực bảo tồn nằm trên phạm vi các phường 10, 11, 13, 14 của quận 5 và phường 1, 2 của quận 6. Theo dự án “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn” vừa được Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM trình UBND TP, khu vực nghiên cứu ý tưởng được giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà - Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - kênh Hàng Bàng - Nguyễn Trãi - Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Bãi Sậy - Võ Văn Kiệt. Trong 68ha này, đơn vị tư vấn (Công ty DCU, Tây Ban Nha) chọn ba khu vực nghiên cứu sâu để làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian cần bảo tồn của phố cổ Chợ Lớn.
Một là khu vực chợ Bình Tây và các dãy phố lân cận rộng khoảng 4,2ha được giới hạn từ đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - kênh Hàng Bàng, trong đó kênh Hàng Bàng sẽ được nạo vét, cải tạo để kết hợp với khu đất trước mặt chợ Bình Tây thành không gian công cộng, đồng thời khôi phục không gian chợ - kênh của Chợ Lớn xưa. Cách làm này nhằm tăng không gian công cộng và nâng cấp quảng trường phía trước chợ Bình Tây, phục hồi hệ thống kênh Hàng Bàng, củng cố hình ảnh Chợ Lớn...
Khu vực thứ hai là đường Phú Định, Nguyễn Án, Triệu Quang Phục rộng 4,6ha với nhiều đình, chùa, hội quán mang nét đặc trưng của người Hoa như chùa Tam Sơn, đình Minh Hương... Cộng đồng người Hoa ở đây cũng có những lễ hội mang nét đặc trưng riêng như Tết Trung thu, Nguyên tiêu, lễ chùa Thiên Hậu, Quan Âm... Đường Nguyễn Án và Phú Định là hai phố đi bộ, đường Triệu Quang Phục hạn chế xe lưu thông. Mục tiêu chính là giữ gìn và củng cố các di sản văn hóa, giảm lưu lượng giao thông, tăng bãi đậu xe, không gian công cộng... để phát triển du lịch.
Khu vực còn lại là dành cho phát triển mới giới hạn bởi đường Hải Thượng Lãn Ông - Vạn Kiếp - Võ Văn Kiệt rộng 5,3ha. Những khu đất mặt tiền đường Võ Văn Kiệt dành cho nhà cao tầng, tiếp đó là khu cách ly có phố đi bộ, bãi đậu xe ngầm và cây xanh để bảo vệ khu vực bảo tồn phía đường Hải Thượng Lãn Ông.
TS Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho biết:
- Hiện khu vực Chợ Lớn có nhiều hạn chế như không có chỗ đi bộ, thiếu cây xanh, chỗ để xe, dịch vụ xã hội... Đường phố mở rộng quá sát công trình cổ - không có vùng đệm, thiếu bảo dưỡng, nhiều công trình bị cơi nới thêm hoặc bị các biển quảng cáo lớn che khuất, công trình xây dựng mới cao tầng làm phá vỡ cảnh quan, không gian của công trình cổ.
Dự án “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn” nhằm hỗ trợ TP.HCM có chiến lược bảo tồn và phát triển khu vực Chợ Lớn, bên cạnh đó đưa ra những khuyến cáo đối với chính quyền khi cấp phép xây dựng, sửa chữa công trình trong khu vực này. Dự án nhằm tăng cường không gian công cộng và phát triển tiềm năng du lịch của khu vực.
Phóng to |
Ba điểm nhấn trong khu bảo tồn phố cổ Chợ Lớn (TP.HCM) - Đồ họa: như khanh |
* Quyền lợi của người dân trong khu vực dự án bị ảnh hưởng ra sao?
- Trước hết, nhà dân trong những khu phố bảo tồn sẽ không được xây cao hoặc cơi nới rộng hơn so với hiện tại. Trường hợp xây dựng mới cũng phải có kiến trúc hài hòa, đồng bộ với cả khu phố. Trong phạm vi bán kính 50m quanh các di sản quan trọng, nhà dân sẽ bị hạn chế tầng cao, không được sử dụng bảng quảng cáo to che khuất công trình, người dân không được cải tạo nhà bằng những loại vật liệu không phù hợp...
* Đổi lại, người dân được lợi gì?
- Theo khảo sát, mỗi khách du lịch chỉ lưu lại Chợ Lớn hai giờ và ít tiêu tiền do khu vực này không có không gian công cộng, khách sạn, nhà hàng cho khách quốc tế. Việc cải tạo cảnh quan cùng với bảo tồn những di sản văn hóa vô hình và hữu hình của khu vực sẽ kéo du khách đến đông và người dân kinh doanh, buôn bán thuận lợi hơn, nhất là những khu phố dành đi bộ. Người dân sẽ được hưởng môi trường sống tốt, không bị ô nhiễm, có nhiều không gian công cộng. Giá trị nhà đất trong khu vực này sẽ tăng lên nhờ giá trị đô thị tăng.
* Nhiều người dân sẽ lo lắng vì nhà cửa bị hạn chế mở rộng mà kinh phí cho việc sửa sang, bảo quản căn nhà rất lớn. Dự án có đưa ra phương án nào hỗ trợ không?
- Có nhiều chính sách để khuyến khích người dân bảo tồn nhà cổ như Nhà nước hỗ trợ tiền để phục hồi và cải tạo, miễn thuế kinh doanh hoặc cho vay ưu đãi. Ngoài ra, còn các chính sách hỗ trợ như hợp tác với các hiệp hội gia tộc khu vực Chợ Lớn, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo tồn... Cơ quan quản lý bảo tồn có một bộ phận riêng để lo ngân sách cho việc bảo tồn.
* Kinh phí để thực hiện dự án này bao nhiêu?
- Đây chỉ mới là ý tưởng thiết kế kiến trúc đô thị nên không tính toán kinh phí thực hiện. Khi UBND TP quyết định đầu tư vào khu vực nào theo ý tưởng thiết kế trên thì mới tính toán cụ thể. Sở Quy hoạch - kiến trúc đã trình và đang chờ quyết định của UBND TP về thời gian, nguồn vốn, đơn vị đầu tư... để triển khai dự án. Trước hết, Sở Quy hoạch - kiến trúc đã đề xuất thực hiện thí điểm khu vực đường Nguyễn Án, Phú Định do khu vực này có diện tích nhỏ và tập trung nhiều di sản.
* Ông Huỳnh Minh Liêm (nhà số 7 Triệu Quang Phục, Q.5 - nhà cổ): Đừng để người dân thiệt hại đủ đường Chúng tôi ủng hộ việc bảo tồn, tôn tạo những căn nhà có giá trị lịch sử, kiến trúc và chấp hành theo chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, chính sách phải hợp lý chứ đừng để người dân có nhà thuộc diện bảo tồn có cảm giác như đeo ách vô cổ, thiệt hại đủ đường. Nhà tôi được “lệnh” phải giữ nguyên hiện trạng, không được xây mới, xây cao nên chật chội, thiếu tiện nghi. Khi nhà hư hỏng, gia đình tôi tự bỏ tiền để duy tu, sửa chữa theo đúng mẫu nhà cũ rất tốn kém. Chủ căn nhà cổ kế bên nhà tôi “bức” quá đã rao bán nhà, nhưng người mua “bỏ chạy” khi biết căn nhà thuộc diện nhà cổ phải bảo tồn nên cả năm rồi chưa bán được. * Ông Ngô Minh (nhà số 101 Triệu Quang Phục, Q.5 - nhà cổ): Bảo tồn phải đồng bộ Nhà nước phải bảo tồn đồng bộ, đừng để xảy ra tình trạng khu phố này thì bị “ép”, không cho xây mới, trong khi khu phố khác lại cho xây nhà 5-7 tầng vọt lên giữa khu nhà cổ. Giờ nhìn toàn khu này tôi thấy có cổ gì nữa đâu. Như vậy cũng không thu hút thêm được khách du lịch nào. Nhà nước muốn sửa chữa nhà cổ cho đồng bộ thì phải hỗ trợ tiền bạc cho dân sửa chữa chứ để người dân chịu hết thì ép dân quá. * Bà Huỳnh Thị Thảo (chủ tịch UBND quận 5): Người dân không thấy bị ép Mừng là dự án lần này đưa ra phương án mở, người dân trong khu vực bảo tồn vẫn có phương án kinh doanh, thậm chí có cơ hội tăng thêm thu nhập. Đây cũng là cơ hội cho quận 5 thực hiện tốt công tác bảo tồn. Người dân cũng không thấy bị sức ép khi nhà đất của họ bị hạn chế các quyền lợi. SƠN LÂM - D.N.HÀ ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận