Phóng to |
Một gian trưng bày hiện vật trong Bảo tàng xã Hiền Ninh - Ảnh: LAM GIANG |
Trong hai gian nhà cấp bốn cũ kỹ ở chính giữa trụ sở mà UBND xã dành làm bảo tàng trưng bày gần 200 hiện vật, tranh ảnh về chiến tranh chống Pháp, Mỹ do người dân trong xã sưu tầm, góp nhặt đưa vào.
Mỗi hiện vật - một kỷ niệm của người dân
Có nhiều hiện vật của chính người dân, bộ đội, thanh niên xung phong... từng sống và chiến đấu ngay trên mảnh đất Hiền Ninh này. Đó là chiếc cuốc chim, chiếc xẻng từng mở đường Trường Sơn cho xe đưa hàng ra tiền tuyến, đoạn lốp xe ba gác chở đất đá san lấp hố bom của thanh niên xung phong bám trụ ở trọng điểm phà Long Đại, đoạn dây cáp kéo phà ở Long Đại, mảnh xác máy bay Mỹ, cuộn dây từng tham gia những cuộc vây bắt giặc lái Mỹ, mảnh vải dù của phi công Mỹ, khớp nối đường ống dẫn xăng dầu của bộ đội Trường Sơn qua địa bàn xã... Có cây kiếm trông như một loại kiếm Nhật nhưng là cây kiếm do ông Nguyễn Văn Phúc - một người dân ở thôn Cổ Hiền, tham gia du kích từ năm 1945 - tự rèn nên để đánh Pháp. Và cây kiếm này đã theo ông Phúc tung hoành suốt một vùng chiến khu từ Rào Trù đến Rào Đá.
Xã Hiền Ninh nằm bên sông Đại Giang (thượng nguồn sông Nhật Lệ ở Đồng Hới). Trong chiến tranh chống Mỹ, Hiền Ninh là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ do Hiền Ninh có tuyến quốc lộ 15A vận tải hàng vào chiến trường miền Nam, có bến phà Long Đại trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, có hệ thống kho tàng trung chuyển hàng hóa và xăng dầu của bộ đội Trường Sơn... Từ năm 1971-1973, Bộ tư lệnh 559 - bộ đội Trường Sơn về đóng quân tại địa bàn Hiền Ninh. |
Bà Phan Thị Thuật - nguyên xã đội trưởng xã đội Hiền Ninh trong chiến tranh, từng chiến đấu ở trọng điểm phà Long Đại - bùi ngùi nói: “Mỗi kỷ vật ở bảo tàng này là một kỷ niệm không bao giờ quên của người dân Hiền Ninh chúng tôi. Vì nó chứa đựng biết bao cảm xúc, thấm máu biết bao đồng đội và nhân dân của một thời bảo đảm thông đường cho xe ra tiền tuyến...”.
Bảo tàng của dân
Trong cùng khuôn viên với nhà bảo tàng hiện nay, dưới tán lá rậm rạp của những cây đa, xà cừ... sót lại từ thời chiến tranh, còn một căn nhà cấp bốn từng là hội trường của Bộ tư lệnh 559 bộ đội Trường Sơn. Chị Trần Thị Hải Lâm - cán bộ văn hóa xã Hiền Ninh, cho biết từ sau chiến tranh đến nay, căn nhà này vẫn là nơi hội họp của Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở xã. Bây giờ cả khuôn viên cây xanh lẫn nhà bảo tàng, hội trường 559 này đều đã trở thành di tích lịch sử của tỉnh. Chị Lâm và anh Trương Đình Tân được xã phân công coi sóc bảo tàng. “Hằng năm, học sinh ở các trường trên địa bàn xã vẫn đến đây học ngoại khóa, nghe các bậc ông cha kể chuyện đánh giặc. Bản thân tôi ngày ngày tiếp xúc với các hiện vật, được nghe lại chuyện xưa ngay trên mảnh đất quê hương mình nên cũng thấy tự hào” - anh Tân thổ lộ.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng - chủ tịch UBND xã Hiền Ninh, vốn trưởng thành từ cán bộ Đoàn xã - nói: “Bảo tàng này do người dân lập nên và đóng góp hiện vật, vì vậy chúng tôi vẫn nói vui đây là bảo tàng của dân. Mảnh đất này lại từng là chiến trường ác liệt, những hiện vật đang trưng bày ở xã lại có mối quan hệ trực tiếp với con người, mảnh đất địa phương nên càng có giá trị giáo dục gấp trăm ngàn lần đối với các thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống chiến đấu giữ nước của cha ông... Dù còn rất khó khăn nhưng xã sẽ duy trì và bảo tồn hiện vật ở bảo tàng này, đồng thời vẫn kêu gọi người dân tiếp tục đóng góp hiện vật cho bảo tàng”.
Ông Nguyễn Mậu Nam, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Quảng Bình, nói: “Mảnh đất Quảng Bình nơi nào cũng có dấu tích chiến tranh. Nhưng chỉ một nơi người dân và chính quyền xã làm được bảo tàng để lưu giữ kỷ vật chiến tranh của chính mình cho mai sau đó là Hiền Ninh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận