16/04/2012 20:51 GMT+7

Khóc, xỉu vì thần tượng là lành mạnh?

Góc Nhìn
Góc Nhìn

TTO - Khi tại Nhật, làn sóng phản đối Hallyu (văn hóa Hàn, đặc biệt là âm nhạc và điện ảnh Hàn) đang dâng cao thì các fan Việt dường như vẫn còn đang trong "cơn say nắng" vì sao Hàn.

Cũng vì "say" mà một số fan đang yêu cầu truyền thông tôn trọng quyền được cuồng thần tượng bởi đó là chuyện riêng tư, không làm hại ai... Và chọn sao Hàn để phát cuồng là vì nền giải trí Việt đang đầy rẫy xìcăngđan.

Song cũng có ý kiến cho rằng mê thần tượng đến mức khóc lóc, hôn ghế, ngất xỉu, bám đuổi bất chấp tính mạng... không phải lành mạnh mà là tự hạ thấp mình. Bạn ủng hộ ý kiến nào?

Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và tham gia chia sẻ quan điểm riêng.

Sốt vì Big BangHâm mộ sao để không cuồng?“Không phụ thuộc thần tượng quá mức”

JnWIdtZ8.jpgPhóng to
Các ban trẻ mua vé VIP 2,2 triệu, đi từ 6g sáng để vào đầu tiên ngồi gần sân khấu và ngồi chờ dưới cái nắng 38 độ C trưa 14-4 tại TP.HCM để mong nhìn thấy Big Bang - Ảnh: Thuận Thắng

Cuồng là tình cảm đáng trân trọng

Tôi cũng đã thích một nhóm nhạc Hàn sáu năm nhưng việc đó chưa bao giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Tôi cũng khóc cười vì thần tượng nhưng chuyện đó là bình thường. Cuộc sống phải có những cảm xúc như vậy. Đâu phải ngày nào chúng tôi cũng cuồng nhiệt? Cả một đời chắc gì chúng tôi gặp họ?

Những người ấy chúng tôi chỉ biết nhìn qua lớp kính một lần không được sao? Một lần gọi tên họ không được sao? Tình cảm chờ đợi bao nhiêu năm chúng tôi bộc lộ trong một ngày cũng sai trái? Nếu như họ qua Việt Nam thường xuyên hằng tháng thì thử hỏi chúng tôi có như thế?

Thần tượng quan trọng thế sao?

Mình cũng là fan của Big Bang nhưng không tới nỗi phải cuồng thế. Nhìn lại, tôi cũng tự hỏi thần tượng là gì mà khiến người ta phải hy sinh mọi thứ vì những cái mà nó còn mơ hồ với mình? Nó có giúp mình trưởng thành hơn hay khiến mình đi theo con đường khác?

Em đã tự hỏi có ai trong các fan có thần tượng là cha mẹ, anh chị? Phải chăng thần tượng ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời của họ thế sao?

Gào thét, khóc… vì thần tượng chỉ là cảm xúc của mỗi người. Điều đó cần được tôn trọng. Vậy mà nhiều người chỉ biết đứng chống nạnh, chỉ thẳng mặt mà lên án, xúc phạm. Thật sự có xứng đáng được gọi là người lớn không? Cảm ơn những người lên án chúng tôi để chúng tôi hiểu cái gọi là áp lực dư luận.

Những người chưa từng là fan như chúng tôi sẽ chẳng thể hiểu được tình cảm đó! Chúng tôi cho không nhận lại, chẳng cần họ biết đến - tình cảm như vậy rất đáng được trân trọng mà!

Tại sao mọi người cuồng nhiệt một cầu thủ, một ca sĩ ngoại, một nhà lãnh đạo thì được mà chúng tôi thích một nhóm nhạc Hàn thì không? Cuồng thì ở đâu không có, chỉ do chúng tôi quá đông nên tạo sự chú ý mà thôi. Tình cảm dồn nén bao nhiêu năm chúng tôi bộc lộ trong một ngày cũng sai trái?

Nếu như họ qua VN thường xuyên hằng tháng thì thử hỏi chúng tôi có như thế? Đã mấy ai hiểu rõ chúng tôi thích họ ở điểm gì không? Có phải vì nghĩ cũng do lăngxê, hào nhoáng, đẹp trai hay nhảy đẹp phải không?

Trước khi phê phán mong hãy tìm hiểu thật kỹ, đừng dùng suy nghĩ của mình gắn cho người khác như vậy. Chúng tôi chẳng phải người thiếu suy nghĩ. Chà đạp lên cảm xúc người khác như vậy cũng chẳng phải là văn hóa đâu.

Tôi biết vẫn có những trường hợp vì thần tượng mà làm quá nhưng đó chỉ là số ít, đừng đánh đồng cả cộng đồng chúng tôi như vậy. Tại sao luôn chê trách chúng tôi? Tại sao không có một bài viết ca ngợi nhưng fan nữ tuy nhọc nhằn vì thần tượng mà vẫn học giỏi, đạt được thành công?

Hãy nhớ người Việt Nam còn có tính tò mò. Khi nền giải trí Việt đang xuống cấp, ngoài những xìcăngđan riêng tư và tài năng mờ nhạt, chúng tôi tìm đâu một thần tượng có thể làm mình hâm mộ? Không phải Việt Nam không có nhiều người tài năng nhưng không hợp với một phần giới trẻ như chúng tôi.

Nói đến cha mẹ, tình cảm đối với cha mẹ là tình cảm hiển nhiên và không thể so sánh với tình yêu thần tượng. Cha mẹ sống với chúng tôi và mỗi ngày chúng tôi thể hiện tình yêu đó bằng hành động của mình. Không lẽ ngày nào chúng tôi cũng gào thét con yêu cha mẹ? Không lẽ chúng tôi luôn đẫm nước mắt khi nhìn thấy ba mẹ sao? Bạn có làm điều đó không?

Không phải ai thích K-pop cũng cuồng

Yêu thích K-pop là chuyện rất bình thường, không chỉ có ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới. Hơn nữa, một người hiểu biết âm nhạc thật sự thì không bao giờ nói câu "khi nghe các ca sĩ Hàn hát, họ có hiểu gì không hay chỉ lắc lư theo tiếng nhạc?".

Đã gọi là âm nhạc thì giai điệu là quan trọng. Nếu đòi hiểu mới chịu nghe thì lời khuyên tốt nhất là hãy đi xem kịch hoặc thứ khác đi. Hơn nữa, nếu nói như lời của người phát biểu kia thì chắc hơn một nửa thế giới đều có vấn đề hết, đều cuồng hết rồi! Không phải ai thích K-pop cũng đều "cuồng".

otDh8uro.jpgPhóng to
Kiệt sức vì... thần tượng Big Bang - Ảnh: Thuận Thắng

Đừng chụp mũ cộng đồng fan

Nếu như những màn biểu diễn của các thần tượng Hàn Quốc là một công thức quen thuộc và không có gì đặc sắc thì tại sao họ lại có một lượng fan hùng hậu đến như vậy? Là một công thức quen thuộc vậy tại sao họ được các thị trường lớn trên thế giới công nhận? Và tại sao các màn trình diễn đặc sắc khác của V-pop lại không làm được điều đó?

Cuồng là tự hạ thấp mình

Ai chẳng có thần tượng của riêng mình, tôi cũng yêu thích một thần tượng là ca sĩ Việt Nam trung thành từ hơn 10 năm nay.

Điều quan trọng là thần tượng chỉ là nguồn cổ vũ tinh thần cho mình chứ không thể can thiệp vào cuộc sống riêng quá nhiều như vậy.

Thật không thể hiểu nổi các bạn trẻ ngày nay nghĩ gì mà khóc lên khóc xuống, đòi sống đòi chết vì những thứ phi lý như vậy? Trong khi biết bao nhiêu người cơm còn không có mà ăn chứ đừng nói tới thưởng thức nghệ thuật theo kiểu điên loạn như vậy.

Nếu như nói tất cả những thần tượng xứ Hàn đều là ca sĩ thị trường thì phải nhìn lại, chính V-pop mới càng ngày càng nhiều ca sĩ thị trường với chất giọng yếu, trình diễn mờ nhạt không có ấn tượng nhưng lại nổi lên nhanh chóng nhờ công nghệ lăngxê, xìcăngđan.

Quá trình đào tạo của một thần tượng K-pop không phải là ngắn, có khi lên tới 10 năm. Họ phải đảm bảo được vũ đạo, thể lực và đặc biệt là giọng hát mới có thể ra mắt công chúng.

Còn V-pop thì sao? Hiện nay có mấy người đảm bảo được những điều đó? Hay bởi vì việc trở thành ca sĩ quá dễ dàng nên dần dần đã xuất hiện cụm từ "thảm họa"?

Có bạn nói rằng thần tượng là những người mà mình phấn đấu để trở thành, vậy thì bao nhiêu người có thể trở thành người làm trong ngành giải trí? Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn không có quyền ước mơ đúng không? Mà đã là ước mơ thì sẽ trở thành sự thật đối với một số người và một số còn lại sẽ đi theo con đường khác và ước mơ ấy sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp.

Giáo dục trẻ hiện nay ở các nước người ta luôn hỏi đứa trẻ ấy ước mơ của nó là gì, và những đứa trẻ không có ước mơ sẽ thu mình hơn so với các bạn khác. Trở thành nghệ sĩ cũng là ước mơ. Các thần tượng K-pop ngày còn bé luôn ấp ủ cho mình ước mơ trở thành ca sĩ, và họ cố gắng hết sức để có thể đạt được điều đó. Chẳng nhẽ sự quyết tâm đó không đáng để chúng ta noi theo?

Các fan ai cũng muốn được nhìn thấy thần tượng của mình dù chỉ một lần nên không ít người học tiếng Hàn, quyết tâm học tập để giành lấy những suất học bổng... Đó là mặt tốt nhưng sao không thấy ai nói đến?

Ngoài ra, khi các thần tượng tới Việt Nam, chính các fan nêu ra những nơi đẹp nhất, những món ăn ngon nhất của đất nước mình cho thần tượng. Và không ít thần tượng K-pop khen nức nở những món ăn tại Việt Nam trên trang cá nhân của mình. Đó không phải là một hình thức quảng bá cho hình ảnh Việt Nam hay sao?

Đừng chỉ nhìn thấy những cái xấu, những cái chưa tốt của một bộ phận các fan mà chụp mũ cả cộng đồng fan K-pop như vậy.

Katie

azfg1hXK.jpgPhóng to
Những giọt nước mắt dành cho thần tượng Big Bang - Ảnh: Thuận Thắng
MV8FjWeX.jpgPhóng to
Một hình ảnh không hề "dễ chịu" trong đêm nhạc có sự xuất hiện của Big Bang - Ảnh: Thuận Thắng

Vì sao chúng tôi thích nhạc Hàn?

Bài viết Sốt vì Big Bang có câu: "Tuy nhiên, ấn tượng mạnh nhất mà nhạc hội để lại vẫn là tình yêu mãnh liệt đến khó hiểu của người hâm mộ tuổi teen Việt Nam dành cho các ca sĩ K-pop, dù phần trình diễn của họ theo một công thức quá quen thuộc và không đặc sắc bằng tiết mục của một số ca sĩ khác".

Xin hỏi tác giả có biết vì sao là "công thức quen thuộc" nhưng lại được nhiều fan? Đúng là "công thức quen thuộc" nhưng là công thức quen thuộc của âm nhạc Hàn Quốc: nhóm nhạc do họ tạo ra phải trải qua một quá trình đào tạo kỹ lưỡng về thanh nhạc và vũ đạo, trình diễn "live" hoàn hảo. Hãy thử nhìn lại âm nhạc Việt Nam xem chúng ta có được công thức quen thuộc ấy chưa? Đó cũng là lý do chúng tôi yêu thích âm nhạc Hàn Quốc.

Còn câu nói "không đặc sắc bằng tiết mục của một số ca sĩ khác" thật phiến diện. Xin đừng bao giờ bộc lộ cảm xúc riêng của mình rồi áp cho người khác. Mỗi người có một cảm nhận về âm nhạc riêng và có lẽ chỉ những người trẻ chúng tôi cảm nhận khác bạn.

M.Thanh

Đừng đánh mất bản thân vì thần tượng

Trước hết ta phải hiểu được thần tượng là gì? Và thần tượng một ai đó để làm gì? Vì chưa hiểu hết các vấn đề này nên một số bạn trẻ đã đánh mất bản thân mình và có thể hạ thấp đi bản thân mình để thần tượng một ai đó không đúng với ý nghĩa của nó.

Chúng ta khi thần tượng một ai đó là nhìn họ để ngưỡng mộ và vươn lên. Không phải thần tượng một ai đó để mà phải khóc hành hạ thể xác khi không gặp được thần tượng hay thần tượng của mình làm điều gì đó mà mình thất vọng. Làm như vậy có thể chúng ta sẽ đánh mất bản thân!

Bạn nghĩ gì về việc một số người trẻ yêu cầu truyền thông và mọi người nói chung cần tôn trọng cảm xúc với thần tượng của họ?

Theo bạn, liệu có "bình thường" không khi một số người trẻ làm fan... cuồng đến mức coi thường cả sức khỏe, tính mạng? Gia đình ở đâu khi fan yêu thần tượng đến quên cả bản thân?

Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

Góc Nhìn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên